Bí thư Bình Định: Tiền giải ngân không được, cán bộ thì 'chỉ qua chỉ lại'
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:28, 17/03/2023
Ngày 16/3, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ chức phiên họp thứ 6.
Đại diện Sở KH&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, các địa phương liên quan bàn về 2 nội dung chính: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và kế hoạch giải ngân năm 2023; kết quả giải ngân triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023).
Đánh giá về việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định thẳng thắn nhìn nhận việc này rất trì trệ, giải ngân rất thấp, cách vận hành không ổn. Thậm chí có trường hợp làm cho xong để tiêu cho hết tiền.
Ông Hồ Quốc Dũng đặt câu hỏi vì sao huyện miền núi An Lão từ năm 2009 đến nay vẫn không thoát nghèo, dù làm đủ chương trình.
"Cả huyện có hơn 9.000 hộ dân với 33.000 nhân khẩu, 69.000ha đất nhưng chỉ có 10.000ha đất sản xuất, còn lại rừng núi. Bình quân mỗi hộ dân chỉ có 1ha đất nhưng chủ yếu trồng keo, mỗi năm thu về khoảng 20 triệu đồng, mỗi hộ ít nhất 3-4 người thì mỗi người chỉ được 5 triệu đồng", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định dẫn chứng.
Ông Hồ Quốc Dũng cho rằng 3 vấn đề mấu chốt về thiếu đất đai sản xuất, thiếu vốn (chậm giải ngân) và kỹ thuật canh tác là nguyên nhân khiến người dân mãi không thoát nghèo.
"Mở đường mở sá cho đẹp, đi cho sướng, làm đủ thứ nhưng người dân không có đất sản xuất thì mở đường làm gì. Nhiều chương trình tiền cấp về nhưng không giải ngân được nên người dân nghèo vẫn cứ nghèo, cán bộ thì chỉ qua chỉ lại", ông Dũng nói.
Ông Dũng khẳng định sắp tới, tỉnh sẽ kiên quyết thay thế một số vị trí công tác lâu năm, cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn phiền hà, không chịu làm việc để chấn chỉnh.
Để thực hiện có hiệu quả các chương trình, thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách để phối hợp giữa 3 ngành lao động, nông nghiệp, dân tộc, tạo ra một chương trình tổng thể của địa phương.
Để tăng giải ngân hiệu quả, theo ông Dũng, phải có kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng quý, kể cả đầu tư tập trung vào 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Trong đó, HĐND cùng với UBND tỉnh, các sở, ngành cùng giám sát để tháo gỡ khó khăn, đồng thời gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu.