Có bằng đại học, tại sao không xin được việc?
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 07:37, 17/03/2023
Học theo kiểu mọt sách
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nhiều bạn sinh viên đang học theo kiểu mọt sách.
Trong quá trình học, các bạn chỉ tập trung học trên trường, chú trọng nhiều vào các môn học quan trọng, học kiểu mọt sách, khi kiểm tra sẽ dựa vào khả năng ghi nhớ để đạt điểm cao.
Tuy biết nhiều thứ, hiểu lý thuyết nhưng lại thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết những vấn đề phức tạp, thiếu khả năng hội nhập nghề nghiệp và không rèn luyện được các phẩm chất cần thiết để làm nghề.
Bởi vậy, khi va chạm với thực tế, họ dễ dàng lúng túng, hoang mang khi đối mặt với thách thức khiến cho họ bỏ lỡ các cơ hội việc làm tốt.
Thầy Thành Nam chia sẻ, trên thực tế, 80% nguyên nhân chính của việc tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc là do chính cá nhân. Bản thân thiếu kỹ năng xác định mục tiêu, thiếu sự dấn thân trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa ở trường, các hoạt động xã hội để rèn luyện kỹ năng mềm, thiếu mạng lưới quan hệ nên không có đủ các nguồn tin đủ rộng để tránh khỏi cuộc đua tìm kiếm việc làm.
Thầy Nam cho biết thêm, nguyên nhân khách quan là do công tác quy hoạch nguồn lực của quốc gia còn hạn chế, dẫn đến không dự báo được trước những ngành nghề nào đang dần bị bão hòa hay các ngành nghề nào đang kém phát triển, thiếu nguồn nhân lực cần được bổ sung.
Chưa coi trọng công tác tư vấn nghề nghiệp
Ngày nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Cùng với cơn sốt ChatGPT xảy ra gần đây, AI đang ngày càng trở thành một đối thủ "tranh việc" đáng gờm của nhiều người, nhiều ngành nghề trong tương lai.
Đứng trước mối đe dọa đó, nhận thức của các bạn trẻ về công tác tư vấn hướng nghiệp còn hạn chế và đang bị coi nhẹ.
Thầy Thành Nam cho biết, có rất nhiều bạn sinh viên đang có tư tưởng chỉ đặt mục tiêu là vào đại học. Các bạn không quan trọng học ngành gì, miễn đó là một chương trình đại học. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên đang học những ngành học chỉ vì ngành đó đang "hot" chứ không phải ngành họ đam mê. Họ cũng không quan tâm đến những ngành nào sẽ sớm bị robot thay thế trong tương lai.
Vì vậy, sẽ có những ngành nghề thừa nhân lực vì có quá nhiều người tốt nghiệp dẫn đến tình trạng thất nghiệp, kể cả người xin việc học tốt, có bằng đại học loại giỏi.
Đối với các nhà tuyển dụng, bằng đại học có quá quan trọng?
Thầy Thành Nam cho biết, các nhà tuyển dụng có quan tâm đến bằng đại học và thành tích của ứng viên khi đi xin việc.
Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm nhiều đến tấm bằng đại học hay thành tích đạt được. Cái họ quan tâm nhất là các kỹ năng mềm của ứng viên như: Kỹ năng giao tiếp, thuyết phục bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ văn bản, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lên kế hoạch và tổ chức thực hiện, kỹ năng giải quyết vấn đề phát sinh trong tiến trình làm việc...
"Tôi có nghe một cán bộ cấp cao của Google đã nói về chiến lược tuyển nhân sự của Google là không còn quan tâm đến ứng viên tốt nghiệp tại trường đại học nào và có bằng cấp ra sao. Vì trong rất nhiều năm, những nhân viên tốt nhất của Google và thành tích học tập ở đại học hay tấm bằng danh giá của một trường nào đó rất hiếm có sự liên hệ với nhau.
Tất nhiên, một công ty như Google rất cần kiến thức chuyên môn nhưng không phải là những "lý thuyết chuyên ngành" mà là những kỹ năng thực chiến, phải áp dụng vào giải quyết vấn đề thực tế.
Và Google chỉ cần bạn có những chứng chỉ chuyên sâu, thể hiện rằng bạn có năng lực giải quyết vấn đề họ cần, kèm vào đó là ý chí cầu tiến, tinh thần ham học hỏi là đủ điều kiện giúp bạn trở thành nhân viên của một trong những công ty lớn nhất thế giới", thầy Thành Nam chia sẻ.
Mô hình năng lực chữ T
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ về mô hình năng lực chữ T giúp các bạn trẻ dễ thành công trong thế kỷ 21.
"Mô hình năng lực chữ T gồm một thanh dọc đại diện cho kiến thức chuyên ngành mà người học cần chiếm lĩnh trong quá trình học đại học. Thanh ngang đại diện cho các năng lực chuyển đổi, những kỹ năng mềm của công dân thế kỷ 21 gồm: Năng lực sáng tạo đổi mới, kỹ năng định hướng, khả năng thích ứng, tư duy phản biện, khả năng lãnh đạo và thuyết phục…
Nếu thiếu một trong hai năng lực này thì cá nhân không thể thành công và thất nghiệp sau khi có bằng đại học sẽ là một tương lai khó tránh khỏi", Thầy Thành Nam chia sẻ.
Thầy đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, ngay sau khi tận hưởng niềm vui trở thành sinh viên đại học, các bạn cần tự đặt mục tiêu cho chính bản thân mình. Đầu tiên, hãy xác định những điều bạn muốn đạt được trong sự nghiệp.
Tiếp theo, hãy viết ra các mục tiêu rõ ràng, xác lập thời gian hoàn thành từng mục tiêu. Xác định những khó khăn, trở ngại có thể xảy ra và tìm hiểu về các thông tin, kiến thức và kỹ năng cần rèn luyện để đạt được mục tiêu.
Thầy Nam cho biết, để tăng tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp, các bạn sinh viên cần xác định rõ ràng về mục tiêu nghề nghiệp. Trong quá trình học tập, hãy tìm các cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp, để tích lũy kinh nghiệm thực chiến và xây dựng các mối quan hệ trong lĩnh vực chuyên môn. Đừng chỉ tập trung vào mục tiêu tiếp thu kiến thức mà hãy rèn luyện thêm các kỹ năng mềm, phẩm chất và kỹ năng hành nghề.