Điểm tin kinh doanh 17/3: Foxconn 'xuống tiền' xây nhà máy tại Ấn Độ
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 17/03/2023
- Giá vàng trên thị trường châu Á đi xuống trong phiên chiều 16/3
Giá vàng đi xuống trong bối cảnh các nhà đầu tư xem xét các diễn biến của cuộc khủng hoảng ngân hàng; giá kim loại quý này cũng chịu tác động từ chính sách lãi suất của Fed và sự yếu đi của đồng USD.
Trong phiên giao dịch chiều 16/3, giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống, giữa lúc các nhà giao dịch xem xét những diễn biến xung quanh cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng sau khi Credit Suisse trở thành tâm điểm mới nhất.
Vào lúc 13 giờ 48 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.916,89 USD/ounce.
Ngày 16/3, ngân hàng Credit Suisse Group AG cho biết về kế hoạch vay tới 50 tỷ franc (54 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ để tăng tính thanh khoản sau khi cổ phiếu của ngân hàng cho vay hàng đầu Thụy Sĩ sụt giảm trong phiên 15/3.
Hareesh V, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính Geojit Financial Services, cho biết trong khi các nhà đầu tư đang tìm kiếm một tài sản an toàn sau cuộc khủng hoảng ngân hàng, họ đang chờ đợi những tín hiệu mới.
Mối lo ngại về lĩnh vực ngân hàng sau vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã thúc đẩy đà tăng giá gần đây của vàng.
Bên cạnh đó, giá vàng còn nhận được hỗ trợ từ sự yếu đi của đồng USD. Ngoài ra, kim loại quý này cũng chịu tác động do chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Vàng được coi là một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế, song lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Các thị trường đang dự báo có 68,9% cơ hội cho Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Ba của Fed.
Goldman Sachs đã nâng xác suất kinh tế Mỹ bước vào suy thoái trong 12 tháng tới lên 35% khi các ngân hàng nhỏ chịu sức ép.
Tại Việt Nam, chiều 16/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,30-67,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
- Foxconn 'xuống tiền' xây nhà máy tại Ấn Độ
Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan (Trung Quốc), đang có kế hoạch xây một nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất sản phẩm tai nghe không dây Airpod của Apple.
Theo các nguồn thạo tin, Foxconn sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất AirPod tại bang Telangana, miền Nam Ấn Độ.
Nhà máy dự kiến được khởi công vào nửa cuối năm nay và đi vào sản xuất từ cuối năm 2024.
Với hợp đồng sản xuất Airpod, Foxconn lần đầu tiên trở thành nhà cung cấp Airpod cho "Trái táo khuyết". Hiện chưa có thông tin về giá trị đơn hàng này.
Foxconn là nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất thế giới và lắp ráp khoảng 70% tổng số điện thoại iPhone trên toàn cầu. Hiện tập đoàn này đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm.
Cho đến nay, sản phẩm AirPod của Apple mới chỉ được sản xuất tại các nhà máy của một số nhà cung cấp ở Trung Quốc đại lục.
Apple và nhiều thương hiệu Mỹ dần mở rộng quy mô sản xuất tại nhiều quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam. Kế hoạch này diễn ra từ khi đại dịch bùng phát, thúc đẩy bởi tình hình kinh tế thế giới gặp biến động.
Sản lượng iPhone tại cơ sở Trịnh Châu sụt giảm trước kỳ nghỉ cuối năm 2022 do chính sách chống dịch khiến Apple không hài lòng. Do đó, động thái đầu tư của Foxconn cho thấy chuỗi cung ứng có thể chuyển khỏi Trung Quốc nhanh hơn dự kiến.
- 'Điện gió ngoài khơi sẽ là cơ hội kép cho Việt Nam'
Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz cho biết điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam.
Ngày 16/3, Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách” do Ban Kinh tế Trung ương và Đại sứ quán Đan Mạch đồng chủ trì.
Tại Hội thảo, Đại sứ Đan Mạch - ngài Nicolai Prytz cho biết điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam. Cụ thể, đó là cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại sứ Đan Mạch cũng cho biết Đan Mạch là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững.
Đại sứ Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch Điện VIII (PDP 8) và quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền.