Điểm tin công nghệ 17/3: Công nghệ sản xuất chip của Trung Quốc kém Đài Loan ít nhất 5, 6 năm
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 17/03/2023
- iPhone 15 Pro/Pro Max nhiều khả năng sẽ đắt kỷ lục
Thông tin từ nhà phân tích thị trường công nghệ tại Haitong International Securities nhận định nhiều khả năng Apple sẽ tăng giá bán dòng Pro/Pro Max trên iPhone mới sau 6 thế hệ.
Theo Jeff Pu, nhà phân tích thị trường công nghệ tại Haitong International Securities - quỹ đầu tư có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), iPhone 15 Pro/Pro Max nhiều khả năng sẽ đắt hơn các thế hệ Pro/Pro Max tiền nhiệm.
Ông Pu dự đoán iPhone 15 Pro/Pro Max sẽ tăng giá dựa trên các tin đồn về nâng cấp phần cứng trên hai mẫu máy này, bao gồm khung titan, nút bấm vật lý liền thân máy có kèm rung haptic, chip A17 Bionic, tăng RAM và một cụm ống kính để tăng khả năng zoom quang học.
Trước đó một nguồn tin khác tại Trung Quốc cũng đã khẳng định Apple sẽ nâng giá iPhone 15 Pro/Pro Max so với các thế hệ tiền nhiệm. Tại thị trường Mỹ, các mẫu iPhone Pro luôn có giá thấp nhất ở mức 999 USD kể từ iPhone X ra mắt năm 2017, trong khi các mẫu Pro Max là mức 1.099 kể từ iPhone XS Max ra mắt năm 2018.
Apple cũng nhiều lần điều chỉnh giá iPhone tại các thị trường khác ngoài Mỹ, tuy nhiên chủ yếu đến từ yếu tố tỷ giá.
- Phát hiện lỗ hổng an ninh trên hàng tỷ máy tính và thiết bị toàn cầu
Lỗ hổng an ninh này liên quan đến sản phẩm của 8 nhà sản xuất thiết bị lớn và đều liên quan đến một phần mềm hệ thống có tên Chế độ Quản lý Hệ thống (SMM) có trong mọi máy tính.
Các chuyên gia về an ninh mạng Israel đã phát hiện lỗ hổng về an ninh mạng quy mô lớn có thể giúp tin tặc lợi dụng để xâm nhập hàng tỷ máy tính cá nhân, máy chủ và thiết bị trên khắp thế giới.
Theo trang tin YnetNews, lỗ hổng này liên quan đến sản phẩm của 8 nhà sản xuất thiết bị lớn và đều liên quan đến một phần mềm hệ thống có tên Chế độ Quản lý Hệ thống (SMM) có trong mọi máy tính.
SMM có thể bị tin tặc lợi dụng để chiếm toàn quyền điều khiển máy tính hoặc máy chủ.
Nguy cơ mới dừng lại ở lý thuyết, nhưng đã được hai chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu phát triển của hãng Intel đặt tại Israel phát hiện và chứng minh có thể xảy ra trên thực tế.
Các chuyên gia dự định công bố thông tin hồi tháng 8/2022, nhưng các hãng sản xuất đã đề nghị giữ kín cho đến khi khắc phục xong sự cố.
Thông tin này sẽ được công bố tại hội thảo an ninh mạng BlueHat, dự kiến diễn ra tại Israel vào cuối tháng 3/2023.
- ‘Công nghệ sản xuất chip của Trung Quốc kém Đài Loan ít nhất 5, 6 năm’
Đó là nhận xét từ ông Morris Chang, người sáng lập đã nghỉ hưu của TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Tân Trúc, Đài Loan.
Hôm 16/3, Morris Chang cho biết ngay cả khi ông ủng hộ Mỹ nhằm làm chậm những tiến bộ của Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn, thì việc "phân nhánh" chuỗi cung ứng toàn cầu và đảo ngược quá trình toàn cầu hóa sẽ làm tăng giá và giảm mức độ phổ biến những con chip cung cấp sức mạnh cho thế giới hiện đại.
Tại Đài Loan, TSMC (công ty niêm yết có giá trị nhất châu Á và là nhà cung cấp lớn cho Apple) được nhiều người coi là "ngọn núi thiêng bảo vệ đảo" vì tầm quan trọng về kinh tế của nó.
TSMC đang mở rộng phạm vi sản xuất toàn cầu ngay cả khi vẫn giữ công nghệ tiên tiến nhất của mình ở Đài Loan. Cuối năm ngoái, TSMC đã bắt đầu xây dựng nhà máy chip thứ hai ở bang Arizona (Mỹ). Nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2026, sử dụng công nghệ 3 nanomet tiên tiến. Tổng vốn đầu tư của TSMC vào dự án ở Mỹ lên tới 40 tỉ USD.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đang đầu tư hàng tỉ USD để củng cố lĩnh vực chip của mình, nhưng Morris Chang cho biết công nghệ sản xuất chip của Trung Quốc kém Đài Loan ít nhất 5 hoặc 6 năm.