Thế khó của nhà mạng trước thời hạn khoá hàng triệu SIM
Cuộc sống số - Ngày đăng : 22:16, 15/03/2023
Còn 15 ngày trước thời hạn khóa liên lạc một chiều với các thuê bao có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, nhà mạng VinaPhone cho biết vẫn chưa ghi nhận được tổng cộng có bao nhiêu thuê bao chưa trùng khớp thông tin. “Hiện VinaPhone đang tiếp tục đối soát dữ liệu”, đại diện nhà mạng cho biết.
3 nhà mạng chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam đều ở trong tình trạng tương tự, chỉ có thể đưa ra con số ước tính về số thuê bao có thông tin chưa trùng khớp. Đại diện nhà mạng Viettel cũng cho biết đã bắt đầu thực hiện đối chiếu dữ liệu thông tin thuê bao với CSDLQG từ năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Nhà mạng cũng phụ thuộc khi phải đối chiếu dữ liệu
“Sau khi phối hợp với Bộ Công an đối chiếu dữ liệu vào tháng 11/2022, chúng tôi được nhận kết quả có 8% khách hàng của Viettel đang có thông tin không trùng khớp”, đại diện nhà mạng này cho biết tại cuộc họp của Cục Viễn thông về quản lý thông tin thuê bao ngày 13/3.
Tuy nhiên, khi rà soát lại bằng công cụ tự động và cả đọc thủ công, nhà mạng phát hiện trong 8% này có 30% là đã chính xác thông tin, và được cơ quan quản lý CSDL xác nhận. Đến nay, Viettel cho biết họ nghi ngờ trong 8% có thêm 45% thuê bao có khả năng trùng khớp vì thông tin thuê bao đã hợp lý về 3 trường thông tin gồm số giấy tờ, họ tên, ngày sinh, và lại đang chờ xác nhận từ cơ quan quản lý dữ liệu.
Tin nhắn của nhà mạng Viettel yêu cầu người dùng cập nhật thông tin có tỷ lệ phản hồi thấp, theo thống kê của nhà mạng. Ảnh: Hoàng Nam. |
“Có nghĩa là với 8% khách hàng có thông tin không trùng khớp với CSDLQG sau khi lần đối chiếu đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy có khả năng 70% trong số đó thực tế là trùng khớp”, đại diện nhà mạng cho biết.
VinaPhone rơi vào thế “giằng co” tương tự khi bắt đầu chuẩn hóa thông tin từ giữa năm ngoái. “Sau khi đối chiếu, chúng tôi có những tập khách hàng thậm chí chưa có trong CSDLQG”, đại diện nhà mạng này cho biết. Giải thích sự chênh lệch giữa 2 bộ dữ liệu, vị này cho rằng có thể do nhiều khách hàng sử dụng hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân 9 số để đăng ký thuê bao.
“Sau khi dùng công nghệ bóc tách thông tin trên giấy tờ, chúng tôi xác nhận một số thuê bao vẫn đúng thông tin, và tiếp tục chuyển tập thông tin thuê bao này cho cơ quan quản lý CSDLQG để rà soát tiếp. Một số trường hợp chúng tôi phải đến tận địa phương kiểm tra”, đại diện VinaPhone nói.
Trao đổi với Zing, nguồn tin yêu cầu ẩn danh từ một nhà mạng cho biết doanh nghiệp không có quyền truy cập vào CSDLQG, tất cả dữ liệu thuê bao được tổng hợp lại sau đó gửi sang cơ quan quản lý dữ liệu để cơ quan này thực hiện đối chiếu, và có những trường hợp thông tin nhà mạng đánh giá là đúng, hợp lệ nhưng cơ quan quản lý dữ liệu lại thấy không trùng khớp. Nguồn tin này cho rằng nguyên nhân là cả 2 bộ dữ liệu đều không hoàn toàn chính xác.
Không dễ yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin
Khi phát hiện ra các thuê bao không trùng khớp thông tin, trong quá trình đối chiếu qua lại nhiều lần giữa dữ liệu tại doanh nghiệp và dữ liệu tại CSDLQG, thì việc yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin cũng không dễ dàng. Đại diện nhà mạng Viettel cho biết tỷ lệ khách hàng phản hồi khi được thông báo thấp, cho dù nhắn tin nhiều lần liên tiếp, nhiều người không quan tâm hoặc cho rằng tin nhắn rác.
Các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin thuê bao qua ứng dụng hoặc trang web, chỉ cần ảnh chân dung và ảnh chụp các giấy tờ liên quan. Ảnh: Hoàng Nam. |
“Chúng tôi cung cấp nhiều phương pháp chuẩn hóa thông tin, qua mạng, qua hệ thống cửa hàng và đến trực tiếp trong các trường hợp khách hàng khó khăn đi lại, nhưng một bộ phận khách hàng chưa thực sự hợp tác”, đại diện MobiFone nhận định tương tự.
Trả lời báo chí, VinaPhone cho biết sẽ không xảy ra tình trạng quá tải như việc đăng ký thuê bao chính chủ năm 2017. Tuy nhiên nhà mạng khuyến nghị các chủ thuê bao sớm thực hiện chuẩn hóa thông tin khi được yêu cầu để tránh tình trạng quá tải cục bộ có thể xảy ra tại thời điểm gần ngày thuê bao sai thông tin bị khóa liên lạc một chiều, ngày 30/3.
Đối với các thuê bao sai thông tin, từ ngày 15/3 nhà mạng sẽ nhắn tin 5 lần trong 5 ngày liên tiếp. Người dùng có 15 ngày để cập nhật thông tin trước khi bị khóa chiều gọi đi, 30 ngày trước khi bị khóa liên lạc 2 chiều và 60 ngày trước khi bị dừng hợp đồng.
Đại diện Cục Viễn thông đánh giá mốc thời gian 31/3 để chuẩn hóa toàn bộ thông tin thuê bao đang hoạt động là thách thức với các nhà mạng, và kêu gọi các chủ thuê bao hợp tác khi được yêu cầu. “Cục Viễn thông đề nghị người dùng phối hợp với doanh nghiệp để chuẩn hóa thông tin, tránh trường hợp giả mạo, mạo danh để thực hiện hành vi trái pháp luật”, cơ quan này cho biết tại cuộc họp 13/3.