Muôn kiểu trục lợi từ người bệnh đánh vào lòng thương người
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:11, 15/03/2023
Những kịch bản tinh vi
Mới đây, không ít các phụ huynh vẫn còn bàng hoàng vì bỗng nhiên mình trở thành nạn nhân bị móc túi hàng trăm triệu đồng bởi kịch bản con bị chấn thương sọ não.
Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã có khoảng 15 phụ huynh đến tìm con, nhiều phụ huynh đã bị “rút ruột” hàng trăm triệu đồng.
Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng vừa phát hiện được hai trường hợp giả chữ ký của giám đốc và con dấu bệnh viện trong công văn xác nhận tình trạng bệnh nhân để kêu gọi đóng góp tiền từ thiện và ký hợp đồng lao động.
Cụ thể, một tài khoảng H.T. đã đăng thông tin lên mạng xã hội để kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho bệnh nhân Q.T. Tuy nhiên, bệnh viện này khẳng định không cấp giấy chứng nhận tình trạng bệnh cho bệnh nhân này.
Cuối tháng 3/2022, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng đã phát đi cảnh báo một số kẻ xấu mượn danh nghĩa bệnh viện để lừa đảo.
Đối tượng này lấy thông tin của một người bệnh từng điều trị tại bệnh viện từ rất lâu, rồi đổi thành tên bệnh nhân khác có hoàn cảnh thương tâm đăng lên mạng xã hội để kêu gọi chuyển tiền giúp đỡ.
Trước đó, anh B.K. đưa người thân đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) để phẫu thuật tuyến tiền liệt.
Khi đang ngồi tại hàng ghế chờ trước phòng mổ, một người đàn ông cỡ 60 tuổi đã bắt chuyện sau đó kể về hoàn cảnh mình cũng có người nhà đang mổ.
Khi vắng người, ông này xin số điện thoại anh K. và cho biết con gái đang trên đường tới thăm, ông phải ra ngoài đón, dặn anh khi nào bác sĩ kêu người nhà thì hãy gọi ông.
Một lúc sau người đàn gọi điện và nói bác sĩ kêu đóng tiền gấp. Người này nói với vẻ gấp gáp và cho anh K. biết con đang đem tiền vô bệnh viện nhưng không kịp, nhờ anh cho mượn đỡ và sẽ hoàn trả ngay.
Do cả tin nên anh K. đã rút túi 2 triệu đồng cho mượn. Một lúc sau không thấy ông này quay trở lại trả tiền, anh mới biết mình bị lừa.
Lợi dụng lòng thương người
Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Kiều - phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết thêm đối với các trường hợp cấp cứu khẩn cấp không có lý do gì để trì hoãn việc cấp cứu cho bệnh nhân, bệnh viện không bắt buộc đóng tiền trước mới điều trị.
Nếu bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ca trực sẽ trình lên lãnh đạo bệnh viện để xem xét, có phương án giải quyết hoặc phòng công tác xã hội sẽ hỗ trợ.
“Đối với những tình huống trục lợi từ bệnh nhân, khi bệnh viện phát hiện bệnh viện sẽ gọi ngay cho công an phường, quận để báo cáo.
Bên cạnh đó, việc bảo mật thông tin cho bệnh nhân rất nghiêm ngặt, tại các khu vực cấp cứu đều dán bảng không quay phim, chụp hình, hồ sơ bệnh án được bảo mật tuyệt đối”, bác sĩ Kiều cho hay.
TS Lê Nguyễn Thanh Nhàn - trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho hay các thủ đoạn mạo danh bệnh viện trục lợi có xu hướng ngày càng tinh vi, chủ yếu đánh vào lòng thương.
Tại bệnh viện đã xảy ra một số vụ việc mạo danh như: lấy hoàn cảnh bi thương bệnh nhân khác đưa lên mạng xã hội kêu gọi từ thiện, giả làm thân nhân nuôi bệnh để xin tiền giúp đỡ…
Các đối tượng lợi dụng những kẽ hở chỉ có những người làm trong ngành mới nắm rõ để dễ lấy lòng tin của mọi người.
“Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ có phòng Công tác xã hội mới được nhận tiền từ nhà hảo tâm, ngay cả những chuyện đăng thông tin lên mạng xã hội để kêu gọi cũng bị nghiêm cấm.
Những hành động trục lợi này còn gây ảnh hưởng đến tính nhân văn của bệnh viện, tất cả bệnh nhân nghèo bệnh viện đều hỗ trợ”, TS Nhàn nói.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nhàn cho biết thêm, đối với các quy trình cấp cứu cứu tại các bệnh viện không có chuyện yêu cầu bệnh nhân đóng tiền trước mới cấp cứu sau.
Bệnh viện bao giờ cũng cấp cứu cho người bệnh trước vì tính mạng của người bệnh là trên hết, lúc đó mới tính đến chuyện tiền bạc sau. Trường hợp người bệnh không có tiền, phòng công tác xã hội của bệnh viện sẽ giúp đỡ sau, thậm chí bác sĩ cũng sẵn sàng hỗ trợ.
“Nhiều người còn hay truyền tai nhau bệnh nhân lớn khó khăn có thể đến Bệnh viện Chợ Rẫy còn bệnh nhi nghèo có thể đến Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện sẽ cố gắng tìm nguồn hỗ trợ để lo ăn uống, chi phí điều trị cho các bé. Không phải chỉ Việt Nam, bệnh nhi nước ngoài bệnh viện cũng hỗ trợ”, TS Nhàn khẳng định.
TS Nhàn khuyến cáo, đối với các trường hợp khẩn cấp, người dân cần bình tĩnh, gọi điện ngay đến các nơi có liên quan và đường dây nóng của bệnh viện để xác nhận lại.
Trường hợp muốn đóng góp hỗ trợ bệnh người bệnh có thể liên hệ trực tiếp với phòng Công tác xã hội của bệnh viện để xác minh thông tin và hướng dẫn.
Tăng cường bảo mật thông tin người bệnh
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nhận định, các thấy thủ đoạn lừa gạt ngày càng tinh vi và nhắm trực tiếp vào đối tượng phụ huynh học sinh.
Do đó, khi tiếp nhận thông tin liên quan đến các vấn đề về điều trị bệnh tại các cơ sở y tế và nghi ngờ có dấu hiệu giả mạo, lừa gạt, đề nghị người dân ngoài việc báo tin kịp thời đến cơ quan Công an, người dân cũng nên thông báo đến đường dây nóng của Sở Y tế qua số 0967.77.10.10 hoặc số 028.3930.7916, và cả đường dây nóng của các bệnh viện để được hỗ trợ xác nhận thông tin.
Ông Thượng yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn cần tăng cường việc bảo mật thông tin người bệnh đang điều trị tại các khoa, phòng, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo.
“Khi phát hiện việc giả mạo thông tin, giấy tờ liên quan đến việc điều trị bệnh cho bệnh nhân tại đơn vị, đề nghị các cơ sở báo cáo ngay về Thanh tra Sở Y tế và Công an thành phố để được hướng dẫn và xử lý kịp thời”, ông Thượng nhấn mạnh.