TikToker đua nhau tư vấn hướng nghiệp, hô hào bằng đại học là vô dụng
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 11:20, 15/03/2023
TikToker đua nhau tư vấn hướng nghiệp, hô hào bằng đại học là vô dụng
Chỉ cần gõ từ khóa "chọn ngành học" hay "hướng nghiệp" trên công cụ tìm kiếm của TikTok, một loạt video với nội dung liên quan sẽ hiện ra. Điều đáng nói, những video "hút" view đa phần đều có tiêu đề "giật gân".
Một bộ phận người sáng tạo nội dung trên TikTok xây dựng kênh theo hướng hạ thấp giá trị bằng đại học, chẳng hạn như: "Muốn giàu thì đừng học đại học" hay "những ngành học vô dụng nhất"...
Một TikToker với hơn 336.000 lượt theo dõi đã thường xuyên cập nhật các nội dung tư vấn ngành học và thu về lượt xem "khủng". Song, người này lại được mệnh danh là "kẻ hủy diệt ước mơ" khi đa số nội dung, theo quan sát, đều hướng người học đến thông điệp "học đại học vô dụng".
Hay một tài khoản TikTok thu hút hơn 2,9 triệu lượt xem với video có nội dung "3 ngành học vô dụng" và tạo ra cuộc tranh cãi không hồi kết trên mạng xã hội những ngày qua. Theo đó, người này chỉ ra 3 ngành "vô dụng" là: Ngành quản trị kinh doanh, ngành ngôn ngữ Anh, ngành marketing và ngành quản lý nhân sự.
Cụ thể: "Ngành quản trị kinh doanh rất chung chung, ra trường chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp là sales và marketing nhưng thực chất hiện giờ bạn mới làm sales hay marketing thì học ngành nào cũng làm được.
Thứ hai là ngành ngôn ngữ Anh, thời đại này không ai không biết tiếng Anh, các bạn nên học ngành khác rồi sau đó thi IELTS.
Thứ ba là ngành marketing, thời này không cần có bằng marketing thì các bạn cũng có thể đi làm được, chủ yếu là bạn có kinh nghiệm thì sẽ nhận được lương thôi.
Cuối cùng là ngành quản lý nhân sự, ngành này thiên về sử dụng kỹ năng phần mềm, nên các bạn không cần bằng đại học thì vẫn có thể làm được".
Ở một kênh TikTok khác, chủ tài khoản đăng tải video với tiêu đề "Top 7 ngành dễ thất nghiệp nhất năm 2022". Theo đó, 7 ngành này gồm: Tâm lý học, Lịch sử, Quản trị kinh doanh, Tiếp thị qua điện thoại, Tài chính ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán, Sư phạm. Điểm đáng bàn là kênh này không hề trích dẫn nguồn tin hay căn cứ từ đâu để đưa ra kết luận nêu trên.
Phía dưới phần bình luận, một số cư dân mạng đã bày tỏ quan điểm trái chiều. Người dùng có tên Bảo Nguyễn cho rằng: "Tâm lý học không bao giờ thất nghiệp, quan trọng là trình độ của bạn đến đâu thôi. Xã hội càng phát triển càng cần đến tâm lý học"; hay Hà Hà bộc bạch: "Nghề nào cũng quan trọng, không có nghề nào dễ thất nghiệp cả"; Tài khoản Impotent hài hước: "Định theo quản trị kinh doanh mà bắt gặp video này nên quyết tâm theo đuổi đến cùng"...
Không chỉ thực hiện một chuỗi nội dung tư vấn hướng nghiệp, một số TikToker còn dựa vào đây để bán khóa học hoặc tài liệu liên quan.
Điểm chung của các kênh TikTok theo chủ đề này đều có sự liên quan đến nhau như: cách chọn ngành phù hợp, người hướng nội - hướng ngoại nên học gì, những ngành không nên học vì dễ thất nghiệp… kèm theo hashtag #huongnghiep #tiktokhuongnghiep.
Sở hữu lượt theo dõi đông đảo, các video hướng nghiệp của TikToker với nội dung không đồng nhất có thể có sự ảnh hưởng tiêu cực, khiến học sinh bối rối khi lựa chọn ngành nghề tương lai.
Học sinh hoang mang vì "chín người mười ý"
Gần đây, mục Dành cho bạn trên trang TikTok của Đặng An (học sinh lớp 11, Hà Tĩnh) tràn ngập những video có nội dung tư vấn hướng nghiệp, chọn ngành nghề cho học sinh. Sắp sửa lên lớp 12 nên An khá quan tâm đến nội dung này. Song, những video tư vấn hướng nghiệp với các quan điểm không đồng nhất, thậm chí là tiêu cực và phiến diện đã khiến học sinh này trở nên hoang mang vì "không biết đâu mà lần".
Sau mấy ngày tìm hiểu chuyện chọn ngành học trên TikTok, An quyết định không tham khảo thông tin trên nền tảng này nữa.
Tuy nhiên, An kể rằng, hễ cứ mở ứng dụng TikTok là một loạt nội dung liên quan đến hướng nghiệp lại tràn lan. Dù đã bấm "không quan tâm" nhưng vẫn không thể thoát khỏi "ma trận tư vấn ngành học" trên nền tảng này. An đánh giá rằng, các video hướng nghiệp từ các TikToker không có sự đồng nhất "chín người mười ý" khiến em cảm thấy hoang mang.
Đặng An mong muốn theo đuổi ngành marketing. Song, học sinh này cảm thấy hoang mang sau khi tiếp nhận những thông tin về ngành này trên TikTok. Trong một video với tiêu đề "Bằng marketing vô dụng", một TikToker đưa ra lời giải thích: "Những kiến thức marketing mà các trường đại học dạy giờ không còn xài (sử dụng - PV) được nữa". Điều đáng nói, người này không hề đưa ra căn cứ hay số liệu cụ thể nào mà chỉ lý giải dựa theo cảm tính. Nhưng nội dung này cũng đã tác động đến suy nghĩ về việc lựa chọn nghề nghiệp của An.
Bởi nếu đổi hướng, em chưa nghĩ ra bản thân nên đi theo con đường nghề nghiệp nào. Còn nếu tiếp tục, em vẫn có sự phân vân vì bị tác động từ nội dung tư vấn trên TikTok.
Thùy Linh (học sinh lớp 12, Ninh Bình) cũng rơi vào tình huống tương tự khi vô tình bắt gặp và bị cuốn vào chủ đề tư vấn hướng nghiệp trên TikTok. Là học sinh cuối cấp, Linh băn khoăn và tìm kiếm các thông tin về ngành nghề phù hợp với nguyện vọng cũng như năng lực của bản thân.
Linh dự định sẽ thi vào ngành sư phạm để theo đuổi ước mơ từ nhỏ là trở thành cô giáo. Tuy nhiên, khi xem tư vấn trên TikTok, một số video đưa ra nội dung rằng "đừng nên học ngành này vì dễ thất nghiệp".
Song, đến cuối cùng Linh vẫn tin vào sự lựa chọn của bản thân vì em nhận thấy đa số các nội dung được đưa ra trên TikTok đều không có sự kiểm chứng hay có căn cứ xác đáng. Người làm nội dung đều nói rằng đó là dựa trên trải nghiệm của bản thân. Mà đã là trải nghiệm của cá nhân thì chẳng ai giống ai, tùy theo năng lực và sự cố gắng của mỗi người.