Hà Nội: Gần 4.000 học sinh bị ô tô 'bủa vây', tan học tràn xuống lòng đường
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 10:17, 15/03/2023
16h30 ngày 13/3, khi tiếng trống tan trường vang lên, hàng nghìn học sinh Trường tiểu học Nguyễn Tuân ùa ra cổng trường.
Mặc dù trước cổng trường có lực lượng dân phòng hướng dẫn học sinh, phụ huynh, thậm chí trường cắm biển cấm đỗ nhưng chỉ giữ được khoảng trống nho nhỏ.
Bên cạnh đó, Trường mầm non Bình Minh còn giăng dây để ngăn ô tô đỗ trước cổng.
Nhiều học sinh tiểu học ở gần đấy không có phụ huynh đi kèm, phải đi bộ dưới lòng đường để về nhà bởi trên vỉa hè không có lối đi.
Anh Quốc Phong, phụ huynh một học sinh ở trường cho biết, con gái anh tự đi bộ về nhà vì khu chung cư anh ở gần đó nhưng với cảnh ô tô đỗ lấn chiếm toàn bộ đường đi ở đây, vẫn khiến vợ chồng anh lo lắng cho sự an nguy của con gái mỗi ngày.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, ông nội của một học sinh ở Trường mầm non Bình Minh cũng chia sẻ, hàng ngày ông cũng phải đi bộ dưới lòng đường để đưa đón cháu.
"Một người già và một trẻ con dắt tay nhau dưới lòng đường, thi thoảng xe máy hay ô tô phóng vút qua rất nguy hiểm", ông Tuấn nói.
Ghi nhận của PV Dân trí, mặc dù ngõ 90 đường Nguyễn Tuân được cắm rất nhiều biển "cấm đỗ xe" nhưng ô tô và xe máy vẫn đỗ kín 2 bên đường.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, để đảm bảo đường thông hè thoáng cho phụ huynh học sinh đưa đón con, Phòng GD&ĐT đã nhiều lần có ý kiến kiến nghị với Phường Thanh Xuân Trung cử lực lượng hỗ trợ, giải quyết tình trạng xe ô tô đỗ tràn ra lòng đường.
Trên thực tế, Phường đã có lực lượng hỗ trợ hướng dẫn, phân làn xe vào giờ cao điểm nhưng tình trạng xe đỗ kín đường vào cổng trường vẫn chưa được giải quyết.
"Điều đáng nói, trong ngõ 90 có tới 3 trường học gồm: Trường tiểu học Nguyễn Tuân, Trường mầm non Bình Minh, Trường THCS Thanh Xuân Trung với gần 4.000 học sinh và chỉ có một số ngõ nhỏ để đi vào trường.
Với tình trạng phương tiện cơ giới đỗ cố định bịt hết lối đi như hiện nay, chúng tôi rất lo ngại trong tình huống nếu xảy ra cháy nổ, sẽ rất khó để ứng cứu", ông Hữu nói.
Tại buổi làm việc với PV Dân trí chiều 13/3, ông Mạc Trung Kiên, Phó Chủ tịch Phường Thanh Xuân Trung cho hay, đây là khu vực tập trung rất đông dân cư với nhiều dự án khu chung cư và đồng thời là "điểm đen" về giao thông.
Riêng ngõ 90 vừa có chung cư cao tầng vừa có tới 3 trường học rất đông học sinh, phương tiện giao thông đỗ lấn chiếm vỉa hè và lòng đường ở đây nhưng UBND phường không thể xử lý vì khu vực này vẫn thuộc quyền của Ban quản lý dự án khu chung cư, chưa trả về cho phường quản lý.
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, Ban quản lý dự án cho biết sẽ sớm giao lại quyền quản lý khu vực này cho địa phương nhưng hiện tại vẫn chưa được thực hiện.
Chính vì khu vực này đang thuộc quyền của Ban quản lý dự án xây dựng khu chung cư nên phường không thể cắm biển cấm dừng đỗ hoặc cẩu kéo các xe vi phạm.
Các biển cấm được đặt ở đây chỉ là đặt tạm để "đánh" vào ý thức người dân nhưng với những người hiểu luật, họ ngang nhiên đỗ và chúng tôi không thể có quyền xử lý", ông Kiên cho biết.
Cũng theo Phó chủ tịch phường, trước mắt phường thường xuyên cắt cử lực lượng công an, dân phòng đi tuần tra, dẹp hàng quán 2 bên đường, thông báo các chủ phương tiện không đỗ xe.
"Trong trường hợp Ban quản lý dự án vẫn không trao trả địa bàn quản lý khu vực này cho phường vào tháng tư tới theo đúng cam kết, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên UBND Quận Thanh Xuân và UBND thành phố để sớm có hướng xử lý, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cả người dân ở khu vực này", ông Kiên nói.
Được biết trước đó tại Hà Nội, Trường tiểu học Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng bất ngờ có lửa cháy phát ra từ tầng hầm.
Hàng nghìn học sinh và cán bộ giáo viên phải sơ tán sang trường mầm non bên cạnh. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng khiến nhiều phụ huynh và học sinh hoảng loạn.