Tuyến đường 6 làn băng rừng già vươn ra biển lớn của TPHCM
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:35, 15/03/2023
Huyện đảo Cần Giờ nằm ở phía đông nam TPHCM, là khu vực duy nhất của thành phố có vị trí địa lý giáp biển. Để di chuyển từ đất liền của TPHCM tới đây, người dân, du khách chỉ có một lựa chọn duy nhất là qua bến phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè). Những chuyến phà sẽ chỉ được chấm dứt sứ mệnh lịch sử khi cây cầu Cần Giờ hoàn thiện, đi vào hoạt động.
Khi đặt chân đến địa phận huyện Cần Giờ, để đi ra phía bờ biển, hành khách chỉ có hướng đi duy nhất là tuyến đường Rừng Sác độc đạo. Hành trình băng qua rừng Sác bắt đầu từ cầu An Nghĩa. Từ một con đường đất sỏi nhỏ hẹp, qua nhiều lần tu sửa, nâng cấp, đường Rừng Sác hiện nay đã có 6 làn xe (3 làn mỗi bên) cùng giải phân cách bằng bồn cây xanh ở giữa, khang trang hơn cả nhiều tuyến đường khu nội đô TPHCM.
Dự án nâng cấp đường Rừng Sác mất 9 năm để thi công và khánh thành đầu năm 2011. Cả tuyến đường dài 36,5km, rộng 30m. Điểm cuối của tuyến đường là ngã tư 30/4, đây cũng là nút giao giữa đường Rừng Sác với khu du lịch biển, đồng thời dẫn vào ấp Hòa Hiệp (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ).
Trước khi có tuyến đường rộng 6 làn xe như hiện tại, con đường độc đạo xuyên rừng, hướng ra biển Cần Giờ chỉ là đường đất nhỏ hẹp, đủ cho một người, một phương tiện di chuyển qua. Đường Rừng Sác được nâng cấp lần đầu tiên vào năm 1985, khi đó, tuyến đường đất sình lầy được chuyển thành đường cấp phối bằng sỏi và đá.
Đến năm 2001, cây cầu Dần Xây được khánh thành, phà Dần Xây kết thúc sứ mệnh lịch sử. Kể từ thời điểm đó, đường Rừng Sác được nối liền, thông suốt trên một chặng, người dân không còn phải di chuyển thêm một chuyến phà trước khi đến với khu duyên hải huyện Cần Giờ.
Tại một số vị trí trên đường Rừng Sác, vạch kẻ vôi sát mép đường đã bị mờ đi do quá trình sử dụng, nâng cấp mặt đường hoặc do tác động của thảm thực vật.
Theo ghi nhận trưa 8/3, tuyến đường huyết mạch của huyện Cần Giờ được trải thảm nhựa khang trang, thường xuyên được chăm sóc, kẻ lại vạch đường. Tuy nhiên, lượng xe qua lại trên tuyến đường này ở mức thưa thớt, vắng vẻ. Số xe tải, phương tiện cỡ lớn di chuyển qua con đường này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Do tuyến đường Rừng Sác dài và thưa thớt điểm dừng, các lực lượng chức năng bố trí các bảng thông tin về những số điện thoại cần thiết để người dân, du khách kịp thời phản ánh sự cố khi gặp phải. Vị trí đặt bảng thường ở nơi ít điểm giao cắt, ít hàng quán để những người có nhu cầu có thể nhận hỗ trợ từ lực lượng cấp cứu, cứu hộ, cảnh sát giao thông...
Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ) là một trong những điểm đến được du khách lựa chọn khi di chuyển tới huyện Cần Giờ. Trước đây, di tích được mang tên khác là Khu Lâm Viên Cần Giờ, với diện tích hơn 2.000ha, trong đó, 514ha đã và đang được khai thác để phục vụ du lịch.
Bên trong Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ là Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác, nơi đây được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, được nhiều người biết đến qua quá khứ hào hùng của Đội Đặc công Rừng Sác.
Đường Rừng Sác là đường giao thông chính yếu chạy dọc huyện Cần Giờ, xuyên theo trục tây bắc - đông nam. Dọc tuyến đường xuất hiện lác đác các khu dân cư nhỏ, khu nuôi thủy sản và rừng ngập mặn.
Khi di chuyển trên tuyến đường này, người điều khiển phương tiện sẽ có dịp tham quan những nét đặc trưng nhất của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Khu vực rừng Sác được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào ngày 21/2/2000.
Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển hơn 75ha. Cánh rừng tồn tại các loại cây ở vùng ngập mặn như bần trắng và các loại cây nước lợ như ô rô, ráng, bần chua, dừa lá. Với hệ thống thực vật dày đặc, phủ kín, bầu không khí trên tuyến đường xuyên rừng Sác luôn trong lành, đem lại cảm giác dễ chịu.
Một trải nghiệm thú vị khi di chuyển qua đường Rừng Sác là người dân, du khách dễ bắt gặp những đàn khỉ băng qua đường, ngồi dọc trên các cây cầu. Tuy nhiên, tình trạng này cũng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đặc biệt đối với các phương tiện di chuyển tốc độ cao.
Trong số các quần thể động, thực vật điển hình của rừng ngập mặn, cánh Rừng Sác có điểm nổi bật là đàn khỉ đuôi dài. Theo thống kê, hiện Đảo Khỉ (huyện Cần Giờ) có khoảng 2.000 cá thể khỉ, và khoảng 1.000 cá thể khác được khoanh nuôi trong tự nhiên.
Trong tương lai, để phục vụ quá trình phát triển trở thành một thành phố du lịch sinh thái chất lượng cao tầm quốc tế, huyện Cần Giờ được định hướng hình thành nhiều công trình, dự án lớn như Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cầu thay cho phà Bình Khánh, Cảng trung chuyển container quốc tế...
Bài toán đặt ra cho huyện đảo duy nhất của TPHCM là vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không được làm ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Trong các buổi làm việc với chính quyền TPHCM và Cần Giờ, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, nếu rừng Sác bị ảnh hưởng, huyện Cần Giờ sẽ mất đi vị thế tiềm năng và cả TPHCM sẽ mất đi một địa bàn mang tính chiến lược.