Ransomware: mối đe dọa hàng đầu đối với doanh nghiệp tại Đông Nam Á
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 16:00, 14/03/2023
Ransomware (mã độc tống tiền) là một loại phần mềm độc hại khóa máy tính và thiết bị di động của một cá nhân hoặc mã hóa các tệp điện tử. Thông thường, bọn tội phạm mạng đứng sau hình thức tấn công này sẽ yêu cầu một khoản tiền chuộc từ người dùng nếu muốn có được khoá “giải mã” hoặc lấy lại dữ liệu.
Mối đe doạ ransomware đã trải qua một chặng đường dài kể từ cuộc tấn công ransomware đầu tiên được thực hiện từ năm 1989. Kể từ năm 2016, những tác nhân độc hại đằng sau mối đe dọa này đã chuyển mục tiêu từ người dùng sang các doanh nghiệp lớn hơn. Các sự cố có tác động lớn được biết đến bao gồm Wannacry Ransomware, với hậu quả ước tính trị giá 4 tỷ đô la Mỹ.
Do tính chất hoàn vốn đầu tư cao, các nhóm ransomware tiếp tục tấn công các doanh nghiệp trên toàn cầu, bao gồm cả các doanh nghiệp ở Đông Nam Á.
Số liệu thống kê mới đây từ Kaspersky tiết lộ rằng tổng cộng 304.904 cuộc tấn công ransomware nhắm vào các doanh nghiệp tại khu vực này đã bị chặn bởi các giải pháp kinh doanh của Kaspersky vào năm 2022.
Indonesia ghi nhận số lượng vụ tấn công được giải quyết bằng các giải pháp B2B của Kaspersky cao nhất (131.779 vụ), tiếp theo là Thái Lan (82.438 vụ) và Việt Nam (57.389 vụ). Philippines đã ghi nhận tổng cộng 21.076 cuộc tấn công ransomware trong khi Malaysia có 11.750 vụ và Singapore có 472 vụ.
Dữ liệu từ xa của Kaspersky cũng tiết lộ các loại ransomware phổ biến nhất nhắm vào các doanh nghiệp tại Việt Nam là:
• Trojan-Ransom.Win32.Wanna
• Trojan-Ransom.Win32.Crypmod
• Trojan-Ransom.Win32.Gen
• Trojan-Ransom.Win32.Cryptor
• Trojan-Ransom.Win32.Crypren
“Một trong những nghiên cứu mới đây của chúng tôi đã xác nhận rằng 3/5 doanh nghiệp ở đây từng là nạn nhân của một cuộc tấn công ransomware. Một số doanh nghiệp bị tấn công một lần, nhưng một nửa đã trở thành con mồi bị tấn công nhiều lần. Dữ liệu năm 2022 của chúng tôi cũng cho thấy mối đe dọa này sẽ tiếp tục đe dọa các doanh nghiệp ở Đông Nam Á bởi khả năng kiếm nhiều tiền cho tội phạm mạng. Điều này xuất phát từ thực tế: một số giám đốc điều hành doanh nghiệp cho rằng ransomware chỉ bị giới truyền thông thổi phồng quá mức và do các nhóm bảo mật doanh nghiệp thực sự bị quá tải và thiếu nhân lực để phát hiện và phản ứng lại với các tác nhân này”, ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á nhận xét.
Sự thiếu hụt nhân lực an ninh mạng tiếp tục “ám ảnh” các doanh nghiệp ở đây. Một nghiên cứu thậm chí còn ghi nhận sự thiếu hụt 2,1 triệu nhân viên an ninh địa phương có sẵn trong trường hợp cần thiết và khẩn cấp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, chỉ có 5% lãnh đạo doanh nghiệp tại đây xác nhận rằng họ có khả năng ứng phó sự cố nội bộ hoặc có đội ngũ CNTT hoặc nhà cung cấp dịch vụ thường xuyên để tìm ra cuộc tấn công ransomware.
Điều này giải thích tại sao phần lớn (94%) trong số họ sẽ cần sự trợ giúp từ bên ngoài nếu gặp phải sự cố.
“Chúng tôi gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc ransomware nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp ở Đông Nam Á nhưng đồng thời, chúng tôi cũng nhận thấy rằng các nhóm bảo mật CNTT và giám đốc điều hành doanh nghiệp cần sự trợ giúp để xây dựng và tăng cường khả năng an ninh mạng. Với xu hướng mới nổi của Ransomware 3.0 – một phiên bản nguy hiểm hơn của mối đe dọa này thì việc sở hữu các chuyên gia an ninh mạng vượt xa giải pháp thiết bị đầu cuối thông thường là vô cùng cần thiết. Trọng tâm của vấn đề này là trang bị cho các nhóm bảo mật của các doanh nghiệp các công cụ phát hiện và ứng phó sự cố chuyên nghiệp như Kaspersky XDR (Extended Detection and Response)”, ông Yeo cho biết thêm.
Nền tảng XDR là một nền tảng công nghệ bảo mật nhiều lớp dưới dạng các giải pháp và dịch vụ của các chuyên gia an ninh mạng, có thể thích ứng với mọi quy mô tổ chức và sử dụng phương pháp tiếp cận chủ động để phối hợp các công cụ bảo mật riêng lẻ thành một nền tảng ứng phó và phát hiện mối đe dọa bảo mật thống nhất, mạch lạc.