Bị khủng bố đòi nợ vay tiền qua app, phải xử lý ra sao

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 13:33, 15/03/2023

Tình trạng vay tiền qua app sau đó khi gần đến hạn trả nợ, các app này liên tục gọi điện, nhắn tin,… khủng bố tinh thần của người vay xảy ra khá phổ biến. Đây cũng mà một trong các phương thức đòi nợ chủ yếu của các app cho vay tiền. Vậy, người vay cần phải xử lý thế nào là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

- Bị khủng bố đòi nợ vay tiền qua app, phải làm gì?

Các luật sư cho hay trước tiên, người vay cần thật tỉnh táo và bình tĩnh trước những cuộc gọi hay tin nhắn đòi nợ. Trường hợp trên thực tế có hành vi vay tiền qua app, người vay đã được giải ngân thì có thể liên hệ với bên cho vay để xin giãn nợ. Đồng thời, thương lượng với bên cho vay một cách thiện chí để thống nhất được hướng giải quyết tốt nhất cho cả hai bên.

Với trường hợp bị các app vay tiền lừa đảo hoặc cho vay với lãi suất cắt cổ khủng bố, người vay cần lưu ý:

- Không bắt máy đối với những số điện thoại lạ, chặn cuộc gọi, tin nhắn từ các số điện thoại rác.

- Tuyệt đối không thực hiện theo bất kỳ yêu cầu nào từ đơn vị cho vay đòi nợ.

- Tìm hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật về việc cho vay và hình phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi;

- Cần phải giải thích rõ ràng cho người gọi điện nếu không vay hoặc không quen với người vay các khoản nợ từ các app cho vay tiền online. Bên cạnh đó, yêu cầu người gọi điện đòi nợ cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình.

Trong quá trình trao đổi qua điện thoại có thể bật ghi âm cuộc gọi hoặc lưu lại tin nhắn để làm bằng chứng nếu sau này cần cung cấp cho cơ quan chức năng.

- Tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp công ty tài chính hay ngân hàng có hành vi quấy rối, đe dọa, khủng bố để thu hồi nợ.

- Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an qua đường dây nóng tiếp nhận tin báo tội phạm hoặc tớ trực tiếp cơ quan Công an để tố giác tội phạm.

- Bị khủng bố do người thân vay tiền qua app, cần làm gì?

Khi thực hiện đăng ký khoản vay qua app, người vay tiền có thể bị yêu cầu thế chấp danh bạ điện thoại, trong đó phải có đầy đủ số điện thoại của người thân trong gia đình như: Bố, mẹ, anh, chị, em, con cái…

Sau đó, nếu đến hạn trả nợ mà người vay không trả, bên cho vay sẽ lần theo số điện thoại trong danh bạ thế chấp để gọi điện cho người thân của người vay nợ yêu cầu gia đình trả nợ hoặc huy động người thân của mình ra trả nợ.

Khi rơi vào trường hợp này, người bị khủng bố gọi điện, nhắn tin đòi nợ cũng cần hết sức tỉnh táo, đồng thời yêu cầu nhân viên của bên cho vay cung cấp thông tin app vay vốn cũng như các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của người nhà mình.

Người bị khủng bố cũng cần trực tiếp liên hệ với người thân của mình để hỏi rõ về việc có vay nợ hay không? Số tiền vay nợ là bao nhiêu? Hạn trả là khi nào? Trường hợp trên thực tế người thân của mình có vay nợ thì huy động, hỗ trợ người nhà ra trả nợ.

Ngược lại, trường hợp xác định đây là một trong các hành vi, chiêu trò lừa đảo thì cần báo ngay cho Cơ quan công an tại địa phương để được hỗ trợ giải quyết. Ngoài ra, người bị khủng bố cũng có thể thực hiện chặn tin nhắn, cuộc gọi rác trên điện thoại của mình.

Tất cả hành vi đòi nợ, đe dọa, khủng bố người thân, người quen của người vay đều là hành vi vi phạm pháp luật, do đó nười bị khủng bố có thể tố giác hành vi này tới cơ quan Công an để được giải quyết sớm nhất.

- Lừa đảo cho vay tiền qua app, bị xử lý thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, các đối tượng lừa đảo cho vay tiền qua app để chiếm đoạt tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó:

- Xử phạt hành chính: Các đối tượng lừa đảo có thể bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm (theo Điều 15 Nghị định 144/2021).

- Xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, mức phạt thấp nhất Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.

Mặc khác, mức phạt cao nhất của tội này là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để thực hiện hành vi phạm tội.

Tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay sẽ do các bên thỏa thuận, theo đó:

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Như vậy, theo quy định trên, lãi suất cho vay tối đa là 20% trên 01 năm, nếu cho vay vượt quá mức lãi suất này, bên vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Cụ thể, người nào cho vay với lãi suất cao hơn mức tối đa từ 05 lần trở lên, thu lợi bất chính từ 30 - dưới 100 triệu đồng hoặc trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chín hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trường hợp phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm, các luật sư cho biết thêm.

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)