Những công nghệ quân sự giúp Nga giữ vị thế siêu cường quân sự

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 13:14, 14/03/2023

Là siêu cường quân sự nên dễ hiệu việc Nga sở hữu nhiều công nghệ quân sự thế mạnh, thậm chí là đột phá mà chưa có đối thủ nào trên thế giới có thể theo kịp. Chúng chính là “hòn đá tảng” đảm bảo ưu thế trên chiến trường, cũng như an ninh chiến lược của Nga hiện tại và trong tương lai.

Dưới đây là 3 lĩnh vực công nghệ quân sự đột phá của Nga được giới chuyên gia quân sự đánh giá đứng top đầu thế giới. Chúng chính là kết quả của sự kế thừa những thực nghiệm công nghệ từng được thực hiện dưới thời Liên Xô và liên tục được Nga cải tiến cùng với sự tiến bộ của công nghệ hiện tại.

“Tàu ngầm tàng hình”

Đối với tàu ngầm, việc hạn chế tối đa tín hiệu thủy âm được coi là yếu tố sống còn. Khi tàu ngầm lặn sâu dưới nước, tín hiệu thủy âm chính là thứ làm bộc lộ vị trí của tàu. Kể từ khi tàu ngầm được sử dụng với mục đích quân sự tới nay, các kỹ sư đã tìm mọi cách để triệt tiêu và hạn chế tối đa các tín hiệu thủy âm tàu ngầm phát ra.

Không khó để hiểu tại sao Nga lại là quốc gia đi đầu trong việc phát triển các dòng tàu ngầm chạy diesel-điện hay hạt nhân hoạt động cực kỳ yên lặng dưới đáy biển. Điều này có được là nhờ những thực nghiệm công nghệ đã được áp dụng rộng rãi trên nhiều lớp tàu ngầm Liên Xô trước đây.

Tàu ngầm hạt nhân trang bị các công nghệ giảm bộc lộ tín hiệu thủy âm và từ trường của Hải quân Nga có khả năng "tàng hình" dưới lòng biển để tung đòn tấn công hủy diệt bất kỳ đối thủ nào trong tầm bắn.

Để đối trọng lại với các hạm đội tàu sân bay của Mỹ và đồng minh, Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh đã chọn hướng phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân hùng hậu kết hợp với tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh có khả năng tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm km. Đây có thể coi là câu trả lời hợp lý cho việc tại sao Liên Xô trước đây và Nga hiện nay lại sở hữu công nghệ chế tạo tàu ngầm hoạt động yên lặng nhất thế giới.

Nga hiện nay sở hữu nhiều dòng tàu ngầm nổi tiếng về khả năng hoạt động yên lặng và khó bị phát hiện dưới lòng biển sâu. Nếu tàu ngầm chạy diesel-điện lớp Kilo nổi tiếng với biệt danh “Hố đen dưới biển sâu” do giới chuyên gia quân sự phương Tây đặt, thì tàu ngầm nguyên tử chiến lược lớp Đồ án 955/955A Borey được cho là chỉ phát ra tín hiệu thủy âm khoảng 108 decibel. Mức tín hiệu thủy âm này gần như bị lẫn môi trường biển và tín hiệu của các loại sinh vật sống trong đại dương khiến tàu ngầm Nga khó bị phát hiện hơn.

Trong quá khứ, từng có tiền lệ tàu ngầm lớp Kilo nổi lên giữa hạm đội Mỹ đang tập trận ở Thái Bình Dương khiến giới chuyên gia quân sự thế giới ngạc nhiên. Ở chế độ diễn tập tác chiến cao nhất, tàu ngầm do Nga chế tạo vẫn vượt qua hàng loạt chiến hạm trang bị hệ thống dò thủy âm hiện đại ở khoảng cách có thể bắn hạ mục tiêu bằng ngư lôi.

Một tiền lệ khác đáng chú ý là vào năm 2015, tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky thuộc lớp Borey đã có hành trình từ Hạm đội Biển Bắc tới Thái Bình Dương. Dù nắm được thông tin, nhưng Mỹ không phát hiện được tàu ngầm chiến lược Nga cho tới khi nó trở về quân cảng. Theo các nguồn tin được công bố, tàu ngầm hạt nhân Nga đã âm thầm đi qua eo biển Bering và dọc theo bờ biển nước Mỹ mà không bị phát hiện.

Vũ khí siêu vượt âm tương lai

Cả Nga và Mỹ đã phát triển vũ khí siêu vượt âm suốt nhiều thập kỷ qua. Có những thời điểm tưởng như Mỹ đã vượt qua Nga với hàng loạt chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm tiềm năng với nhiều vụ thử nghiệm được tiến hành. Tuy nhiên, tới năm 2018, sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về hàng loạt vũ khí siêu vượt âm tương lai đã hoàn thiện và đưa vào trang bị, thì giới chức quân sự Mỹ và phương Tây hoàn toàn bất ngờ trước tiến bộ công nghệ của người Nga.

Tuy nhiên, một điều ít ai chú ý là các công nghệ siêu vượt âm đã được Liên Xô thử nghiệm từ rất lâu trước đó. Những thí nghiệm về vật liệu chịu nhiệt, động cơ phản lực hay thử nghiệm mô hình bay siêu âm chính là nền tảng công nghệ được Nga kế thừa và hoàn thiện để cho ra mắt các sản phẩm vũ khí siêu vượt âm như: Tên lửa hành trình Zircon, Kinzhal hay thiết bị lượn Vanguard… Với đặc điểm chính là khả năng bay vượt qua ngưỡng Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh), vũ khí siêu vượt âm tương lai cơ bản chưa thể bị ngăn chặn. Chúng sẽ tạo lợi thế chiến lược cho quân đội Nga trong ít nhất vài thập niên tới.

Nga hiện là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vào trang bị và sử dụng trong thực chiến các dòng tên lửa siêu vượt âm tương lai. Đáng chú ý là tên lửa Kinzhal được giới chuyên gia quân sự nhận định là không thể ngăn chặn. 

Đáng chú ý trong các vũ khí siêu vượt âm mới của Nga chính là tên lửa Zircon. Vai trò quan trọng của dòng vũ khí diệt hạm này được thể hiện quá những đặc điểm kỹ-chiến thuật được đích thân Tổng thống Nga công bố. Tên lửa Zircon với tầm bắn 1.000km, tốc độ tới Mach 9; có thể trang bị trên các dòng chiến hạm cỡ nhỏ sẽ là vũ khí đa năng hiệu quả cao, nhất là trong bối cảnh Nga đã không còn bị ràng buộc bởi các định chế kiểm soát vũ khí với Mỹ và phương Tây.

Đánh giá về thiết bị lượn siêu vượt âm Vanguard, Tổng thống V.Putin nhấn mạnh: “Loại vũ khí này hoàn toàn khác biệt với các loại vũ khí tấn công siêu thanh hiện đại. Nó có thể bay ở tầng khí quyển thấp hơn và khó bị phát hiện hơn. Chúng có thể tấn công các mục tiêu ở các lục địa khác với tốc độ bay lên tới Mach 20”.

Công nghệ tác chiến và chế áp điện tử

Vai trò quan trọng của các tổ hợp vũ khí tác chiến, đối kháng điện tử đã được chứng minh trong nhiều cuộc chiến gần đây. Rõ ràng nhất là tại chiến trường Syria và Lybia, các tổ hợp vũ khí tác chiến điện tử do Nga chế tạo đã thể hiện rõ vai trò và nhận được sự đánh giá cao từ giới chức quân sự Mỹ và phương Tây.

Điển hình cho các tổ hợp vũ khí tác chiến điện tử mới của Nga là tổ hợp Krasnukha với khả năng tạo làn sóng áp chế các hệ thống radar của đối phương ở phạm vi 400km. Một tổ hợp vũ khí khác là Divnomorye-U còn có khả năng hơn thế nữa là vừa áp chế, vừa phát hiện vị trí của các đơn vị trinh sát điện tử đối phương trong tầm hoạt động.

Nga sở hữu hệ thống tác chiến điện tử đồ sộ và liên tục được hoàn thiện thông qua kinh nghiệm thực chiến. 

Trước các tổ hợp đối kháng điện tử mạnh mẽ của Nga, Chỉ huy của trung đoàn kỵ binh số 11 của Quân đội Mỹ, Đại tá Scott Woodward thừa nhận, dù đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế tín hiệu điện tử, các tổ hợp trinh sát điện tử của Nga vẫn phát hiện ra phương tiện tác chiến của Mỹ và có các biện pháp chế áp khiến hệ thống liên lạc trên xe không thể hoạt động bình thường.

Thậm chí, một sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ nhận xét, tại Syria, nếu tín hiệu liên lạc vô tuyến phát ra như như tiếng vỗ cánh của muỗi, thì tín hiệu áp chế điện tử của Nga giống như tiếng trống trận khiến các kênh thông tin, liên lạc bị rối loạn. Công nghệ này hiện được tiếp tục hoàn thiện và được coi là vũ khí đối kháng mềm chống lại phương thức tác chiến sử dụng thiết bị bay không người lái rộng rãi hiện nay.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Vpk.name, Topwar…)