Bước chuyển mình của không quân Iran
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:46, 14/03/2023
Mới đây, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, nước này đã hoàn tất thỏa thuận mua Su-35 từ Nga. Đây là lần hiếm hoi các quan chức Iran xác nhận về hợp đồng trên.
“Iran đã yêu cầu một số quốc gia cung cấp máy bay chiến đấu và Nga cho biết họ sẵn sàng bán. Sau đó, chúng tôi lựa chọn Su-35”, Sputnik News dẫn lời tuyên bố của Người phát ngôn phái đoàn Iran tại LHQ Mojtaba Babaei, đồng thời lưu ý rằng, các hạn chế đối với việc mua vũ khí thông thường của Iran đã được dỡ bỏ vào tháng 10-2020 theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ, trước khi Tehran quyết định mua máy bay của Nga.
Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 của Nga. Ảnh: Getty Images |
Mặc dù phía Iran chưa tiết lộ quy mô hợp đồng cũng như thời điểm giao hàng chính xác song giới truyền thông đồn đoán rằng, tổng cộng 24 chiếc Su-35 sẽ đến nước Cộng hòa Hồi giáo vào “đầu năm mới” theo lịch Ba Tư, bắt đầu từ ngày 21-3 tới đây. Số lượng Su-35 trên đủ để IRIAF thành lập hai phi đội mới. Cho đến nay, mới chỉ có Trung Quốc mua thành công Su-35 từ Nga, trong khi các hợp đồng tương tự cho Algeria, Ai Cập và Indonesia bị hủy bỏ vì nhiều nguyên nhân.
Theo công bố từ nhà sản xuất Sukhoi (Nga), Su-35 là máy bay chiến đấu thế hệ 4++, có khả năng cơ động cao và được sơn vật liệu giảm tiết diện phản xạ radar. Máy bay được trang bị nhiều thiết bị điện tử hiện đại, trong đó radar mảng pha quét cơ khí Irbis-E cho phép bám bắt 30 mục tiêu ở khoảng cách 400km và khai hỏa tiêu diệt 8 mục tiêu cùng lúc.
Hỏa lực của Su-35 còn được mở rộng hơn, đa mục đích hơn các thế hệ tiền nhiệm nhờ hàng loạt cải tiến đáng kể của hệ thống điện tử trên khoang. Ngoài các vũ khí không đối không truyền thống, Su-35 có thể mang nhiều loại vũ khí tấn công mặt đất với độ chính xác cao, đáp ứng khả năng tác chiến đa nhiệm mới.
Biên chế Su-35 thực sự là một bước chuyển mình của IRIAF. Lực lượng này được đánh giá là một trong những lực lượng không quân lớn trên thế giới, với khoảng 350 máy bay, chủ yếu là nhập khẩu. Tuy nhiên, hầu hết số này đều có tuổi đời cao, đơn cử như các dòng MiG-29 và Su-24 mua của Nga từ thập niên 1990; hay thậm chí trước đó hàng chục năm là những chiếc F-14, F-5, F-4, UH-1, CH-47 và C-130 của Mỹ. Do ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của phương Tây, trong hơn 40 năm qua, IRIAF không thể trang bị máy bay hiện đại và gặp rất nhiều khó khăn để duy trì máy bay cũ.
Không chỉ cải thiện khả năng phòng thủ và phòng ngừa trước các cuộc tấn công tiềm tàng, Su-35 hứa hẹn còn giúp quân đội Iran mở rộng đáng kể vùng hoạt động trong khu vực, bao gồm các điểm nóng như Syria, Iraq và vịnh Ba Tư.
Bình luận trên trang Eurasia Daily Monitor thuộc Quỹ Jamestown (Mỹ), chuyên gia quân sự người Iran Vali Kaleji đánh giá, sự có mặt của Su-35 trong đội hình IRIAF có thể báo hiệu thay đổi trong cán cân sức mạnh không quân với nhiều quốc gia Arab ở trong khu vực, nhất là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Saudi Arabia-những nước đều có quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Iran. Vì vậy, các quốc gia này và có thể thêm những nước khác sẽ chuyển sang sử dụng nhiều vũ khí hơn từ phương Tây, trong đó có máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
Nhìn rộng ra, hợp đồng Su-35 trở thành một trong những thương vụ mua vũ khí quan trọng nhất của Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, cũng như tạo đà cho mối quan hệ hợp tác Tehran-Moscow. Thời gian qua, cả Iran và Nga đều là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc trên thế giới và Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bối cảnh đó có thể càng đưa hai nước đến gần với nhau bằng việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng, nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế của mỗi nước.
VĂN HIẾU