Fed có thể không nâng lãi suất sau vụ Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ
Tin thế giới - Ngày đăng : 16:35, 13/03/2023
Theo Reuters, Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể không tăng lãi suất sau 2 vụ sụp đổ ngân hàng vừa xảy ra vào cuối tuần qua của 2 ông lớn Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Goldman Sachs đã từ bỏ dự báo Fed nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 22/3 tới và cho rằng sẽ không có đợt nâng nào.
Trước đó, Goldman Sachs dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4,75-5%/năm trong cuộc họp trong tháng 3/2023.
Lý do Goldman Sachs đưa ra là thị trường tài chính có quá nhiều bất ổn gần đây.
Tuy nhiên, Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo Fed tăng lãi suất 25 điểm trong mỗi cuộc họp vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7 nhưng cũng cho rằng tình hình sẽ phụ thuộc vào diễn biến trên thị trường tài chính.
Hiện, trên CME Group, các trader dự báo xác suất nâng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tới là 93,7% (lên 4,75-5%/năm), còn xác suất không nâng lãi suất là 6,3% (giữ nguyên mức 4,5-4,75%/năm).
Hôm 12/3, các nhà chức trách Mỹ vào Chủ nhật (12/3) đã đóng cửa Signature Bank. Đây là ngân hàng tiền ảo lớn nhất ở Mỹ và trên thế giới.
Hôm 10/3, vụ Silicon Valley Bank (SVB) phá sản đã làm rúng động nước Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu. Các thị trường chứng khoán lao dốc, giá vàng tăng và ngân hàng trung ương nhiều nước phải trấn an dư luận. SVB được biết đến là một trong những ngân hàng lâu đời và lớn mạnh nhất tại Thung lũng Silicon. Ngân hàng này quản lý phần lớn tiền gửi ở trung tâm công nghệ Mỹ.
Trước đó, ngân hàng chuyên cho vay trong lĩnh vực tiền số - Silvergate Bank sụp đổ đã tạo ra làn sóng rút tiền khác.
Theo các nhà quản lý Mỹ, khách hàng của Signature sẽ được nhận lại toàn bộ tiền gửi, bao gồm cả những khoản tiền gửi vượt trần bảo hiểm tiền gửi liên bang là 250.000 USD.
Cũng như Silvergate Bank, Signature Bank bị rút tiền ồ ạt sau vụ sụp đổ của sàn tiền ảo FTX vào tháng 11/2022.
Nguyên nhân khiến Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ là sự tăng trưởng mạnh mẽ về nguồn tiền ngắn hạn nhưng khả năng quản trị rủi ro yếu kém cùng với việc không thể dự báo được những biến động bất lợi trên thị trường tài chính.
Trong năm 2021, lượng tiền rẻ ngập tràn tại Mỹ đã khiến các ngân hàng dễ dàng huy động vốn. Các ngân hàng đã dùng lượng tiền lớn để đầu tư vào nhiều lĩnh vực nhưng không quản trị tốt. SVB dùng tiền ngắn hạn đầu tư vào kênh trái phiếu dài hạn. Trong khi đó, Signature Bank đầu tư vào thị trường tiền số.
Tuy nhiên, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách tiền tệ và hút bớt tiền ra khỏi lưu thông đã khiến nhiều ngân hàng và tổ chức gặp khó. Fed đã tăng lãi suất rất nhanh và mạnh (để chống lạm phát lên cao kỷ lục 40 năm, ở mức 9,1% ghi nhận trong tháng 6/2022).
Chỉ trong vòng khoảng 1 năm, từ tháng 3/2022, Fed đã có 8 lần nâng lãi suất với tổng mức tăng 450 điểm (từ 0-0,25% lên 4,5-4,75%/năm như hiện tại). Và Fed cũng cho biết sẽ mạnh tay nâng lãi suất tiếp.
Trên thực tế, việc Fed tăng lãi suất và đồng USD tăng giá mạnh đã ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu nói chung và hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới.
Chuyên gia và nhà quản lý tại nhiều nước kỳ vọng các cú phá sản vừa qua sẽ không ảnh hưởng tiêu cực rộng lớn như sau vụ Lehman Brothers hồi năm 2008. Họ cho rằng, đây là các trường hợp cá biệt và không có tính đa dạng hóa về tài sản cho nên rủi ro cao.
Trên Bloomberg, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers khẳng định ông không nhận thấy "rủi ro hệ thống" nếu sự việc này "được giải quyết hợp lý".
Dù vậy, vụ việc Silicon Valley Bank cũng là lời cảnh báo tới các ngân hàng trên toàn cầu cũng như cả các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho hoạt động đầu tư/cho vay dài hạn mà thiếu kiểm soát một cách an toàn.
Mạnh Hà