Người phụ nữ cô đơn sau 'hai lần đò' trong căn nhà nhỏ

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:01, 21/07/2017

Nằm trên đường Võ Văn Kiệt - con đường lớn nhất nhì thành phố - căn nhà số 127A (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM) có diện tích sàn chỉ vỏn vẹn... 1m2.

Nơi tá túc của 2 mẹ con

Đây là nơi cư trú của mẹ con chị Lê Thu Vân (53 tuổi). Xuất thân trong gia đình nghèo, từ nhỏ, chị Vân luôn lam lũ, không từ bỏ bất cứ công việc nào nhằm kiếm ra tiền, hỗ trợ cha mẹ. 

Những mâm khoai lang chiên, những thúng bắp luộc, những thùng kem cây... đã cùng chị đồng hành trong nhiều năm. Chị nói: "Đi bán cực khổ lắm nhưng tôi chấp nhận. Tôi nhất quyết trưởng thành từ đấy... ".

Chị Vân bán hàng trước nhà mình đang ở

Chị cũng đã từng sống trong căn nhà chật chội của ông bà để lại với nhiều thế hệ chen chúc nhau, cho đến ngày một trận hỏa hoạn xảy ra. 31 căn nhà bị thiêu rụi và sau đó được xây dựng lại. Căn nhà mới cũng không rộng hơn nhà cũ nên chị đã phải ra đi tìm nơi cư trú khác.

Lúc này, chị đã có một con gái. Hai mẹ con với tủ thuốc lá kèm theo nhiều thức uống được kê trước căn nhà 127A. Theo thời gian, con chị lớn dần trở thành một nữ sinh trung học.

Căn hộ có chiều dài 1m và chiều rộng 1m của chị Vân

Căn nhà 127A, nơi chị buôn bán phía trước, thuộc sở hữu của vợ chồng cô em họ. Chị thuê lại với giá 600 ngàn đồng/tháng. 

Diện tích căn nhà vỏn vẹn 1 m2, vốn trước đây là sạp hàng của chợ Cầu Ông Lãnh. Chợ được chuyển về chợ đầu mối, những sạp hàng trở thành nhà ở. Nhưng nhà ở với diện tích như thế có lẽ chỉ có căn nhà này.

Căn hộ chị đang ở không có một kẽ hở, thùng nước đá, kệ ly... đã chiếm trọn diện tích. Nhiều chùm ly nhựa treo lủng lẳng vì không còn chỗ để. Sát tường của căn hộ có một chiếc thang sắt. 

Chị cho biết, chiếc thang sắt này dẫn lên phía trên, nơi còn một tầng nữa cũng chỉ 1 m2. Đây là chỗ ngủ cho cả 2 mẹ con. Chị nói, hẹp quá nên mẹ con chị phải nằm chéo góc mới thẳng chân được. 

Bên ngoài phía trên, nơi có mũi tên là "phòng ngủ"

Suốt buổi trò chuyện, chúng tôi luôn nhận nơi chị nụ cười thân thiện. Chị không một câu than thở, không một lời trách móc. 

Chị hài lòng với cuộc sống của mình vì theo lời chị là: "Có chỗ ở dù nhỏ nhưng còn hơn mẹ con phải ôm nhau lang thang đầu đường xó chợ... ".

Hai đời chồng, chưa một lần biết đến hạnh phúc

Chị Vân kể tiếp, quán nước của chị không nhiều khách bởi con đường này vốn là con đường huyết mạch nối miền Đông và miền Tây nên khách thường đi một mạch, ít khi ghé vào. Hôm nào đông khách chị mới kiếm được 100 ngàn không thì chỉ vài chục ngàn sau một ngày làm việc.

Thu nhập bấp bênh như thế nên người em họ không lấy tiền nhà của chị từ nhiều năm nay. Ngược lại, cô em còn phụ giúp chị nuôi cháu. Bữa ăn hàng ngày của hai mẹ con nhờ vào một người em khác ở gần đó nấu hộ bởi nhà chị không có bếp. Hàng tháng chị cũng góp phần để em vơi đi khó khăn.

Chị Vân đậy nắp cầu thang (mũi tên) giới thiệu bên trong "phòng ngủ" của 2 mẹ con.

Cuộc sống như thế nhưng chị vẫn lạc quan. Trong lòng chị hiện không còn một oán trách giận hơn nào đối với 2 mối tình đã đi qua đời mình. 

Chị kể, ở với cha mẹ, làm ăn buôn bán đến năm 26 tuổi, chị kết duyên với một người đàn ông làm nghề buôn bán ở chợ. Mối tình kéo dài trong vài năm. 

Chị có thai, người chồng bắt đầu bê tha không còn quan tâm gì đến chị. Trong một lần cãi vã, cả hai xô xát khiến cái thai trong bụng chị không còn. Hai người xa nhau từ đó. Hai năm sau, chồng chị mất vì bệnh ung thư.

Đến năm 30 tuổi, chị được một người đàn ông độc thân thương yêu. Biết hoàn cảnh của chị, gia đình anh phản đối nhưng anh kiên quyết với tình yêu của mình. 

Chính vì sự kiên quyết đó nhà chồng buộc phải chấp nhận. 3 năm sau, đứa con gái ra đời nhưng cũng từ đó, anh bắt đầu thờ ơ với chị. Anh cặp bồ, lăng nhăng với người phụ nữ khác.

Chị một mình lặng lẽ nuôi con, cho con ăn học. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, hết cấp 3, con gái chị phải nghỉ học và hiện phụ bán giày dép cho một cửa hàng với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Bữa cơm trưa của chị Vân

"Có lẽ đời em quen sống một mình", chị nở nụ cười chua chát. "Từ bao lâu nay, em sống như thế. Đã 2 đời chồng nhưng chưa bao giờ em biết đến chữ hạnh phúc.

Nhưng em rất vui với cuộc sống này và rất mãn nguyện vì có con gái lúc nào cũng yêu thương mẹ... ", chị tiếp tục trải lòng.

Ông Phạm Huỳnh Quốc Việt, Phó Chủ tịch phường Cầu Ông Lãnh xác nhận, chị Vân thuộc diện hộ nghèo. Hiện nay, phường hỗ trợ bảo hiểm, tiền điện hàng tháng và chăm lo cho chị theo chế độ chính sách dành cho người nghèo vào những dịp lễ Tết. 

Phường cũng đã nhiều lần vận động bà con chuyển nghề để phù hợp với cuộc sống hiện tại nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 21/07/2017
https://vietnamnet.vn/nguoi-phu-nu-co-don-sau-hai-lan-do-trong-can-nha-nho-nhat-sai-gon-384942.html

Trần Chánh Nghĩa