Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam!

Chủ quyền - Ngày đăng : 09:15, 10/03/2023

“Hoàng Sa là máu, là thịt của Việt Nam! Dù có 10 năm, trăm năm hay ngàn năm sau thì con dân đất Việt vẫn luôn khắc cốt ghi tâm điều này” - ông Trần Văn Sơn (72 tuổi, nhân chứng Hoàng Sa) quả quyết.
11a.jpg

44 năm trôi qua kể từ ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép (19-1-1974), hai tiếng Hoàng Sa vẫn luôn là nỗi đau đáu của người Việt. Bao giờ chúng ta mới lấy lại được Hoàng Sa? Bao giờ con dân đất Việt mới được đặt chân đến quần đảo thân yêu của mình? Những trăn trở, suy tư ấy lại như đang ùa về trong tâm trí của những người từng làm việc, chiến đấu để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc trong những ngày này.

Ước một lần đường hoàng trở lại Hoàng Sa

Cho đến bây giờ, những hình ảnh về trận chiến ác liệt ngày 19-1-1974 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của ngư dân già Trần Văn Sơn. Ngược dòng ký ức, ông bảo lần đầu ông đặt chân đến quần đảo Hoàng Sa vào tháng 2-1973 trên cương vị trung đội phó bảo vệ Hoàng Sa. Được khoảng ba tháng thì ông trở lại đất liền. Ngày 17-1-1974, khi Trung Quốc liên tiếp có hành vi gây hấn hòng cưỡng chiếm Hoàng Sa, ông nhận lệnh theo tàu hạm dương Trần Khánh Dư ra làm nhiệm vụ giữ đảo.

“3 giờ sáng 18-1 thì chúng tôi đến nơi, lúc ấy tàu cách đảo Hoàng Sa chỉ khoảng vài trăm mét. Thấy quân Trung Quốc đã tràn lên đảo, ai nấy đều cảm thấy lo lắng cho tính mạng của anh em trên đảo và cả sứ mệnh giữ đảo bấy giờ. Rồi sau trận hải chiến ác liệt, chiều 19-1, chúng tôi nhận được lệnh rút quân vì lực lượng hai bên quá chênh lệch. Đứng trên thuyền trở lại Đà Nẵng, nhìn những người anh em đã hy sinh và quần đảo bị ngoại bang xâm chiếm, chúng tôi đau như xé từng khúc ruột. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bất lực đến thế! Tâm trí tôi bộn bề những câu hỏi: “Vậy là mất đảo rồi sao? Liệu bao giờ mình mới được quay trở lại mảnh đất này?”” - ông Sơn nói.


Bốn chiến hạm của hải quân Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa tháng 1-1974. Nguồn: INTERNET.



Nhân chứng Trần Văn Sơn và nhân chứng Nguyễn Văn Cúc nhớ lại trận hải chiến bi hùng ngày 19-1-1974. Ảnh: TÂM AN.

Dừng lại đôi phút vì xúc động, ông Sơn tâm sự: “Lịch sử đã giao sứ mệnh bảo vệ một phần máu thịt của Tổ quốc cho chúng tôi nhưng chúng tôi không hoàn thành được nhiệm vụ. Đó là điều khiến tôi cảm thấy đau đớn nhất mỗi khi nghe ai đó nhắc về hai tiếng Hoàng Sa thân yêu”.

Chung cảm xúc với ông Sơn, ông Nguyễn Văn Cúc (66 tuổi, nhân chứng Hoàng Sa) bảo những ngày này với ông thật đặc biệt. Ông Cúc là một trong những người bị Trung Quốc bắt giữ sau khi quân đội nước này cưỡng chiếm trái phép quần đảo. “Ký ức Hoàng Sa trong tôi là những ngày một mất một còn. Chúng tôi bị bắt còn có cơ hội để trở về. Nhưng mất Hoàng Sa chẳng khác nào Tổ quốc mất đi một phần máu thịt mà ông cha ta đã tốn bao xương máu gầy dựng. Đây là điều khiến tôi day dứt suốt chặng đường bị dẫn về Trung Quốc” - ông Cúc tâm sự.

Nói về nguyện vọng của mình, ông Cúc xúc động bảo: “Con cháu chúng ta phải luôn nhớ Hoàng Sa là đất của chúng ta, của dân tộc Việt. Tôi ao ước một ngày nào đó sẽ được trở lại Hoàng Sa để nhìn lại một phần ký ức, một phần tuổi trẻ của mình rồi nhắm mắt mới yên lòng...”.

Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa

Ngày 19-1-1974, Trung Quốc xua quân xuống cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những người lính Việt Nam Cộng hòa đã kiên cường nổ súng chống lại kẻ xâm lược. Tuy nhiên, do bất tương xứng về lực lượng, cuối cùng quần đảo Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc từ ngày đó.

Hoàng Sa là nỗi đau của người Việt

Đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, mỗi khi nhắc về quần đảo Hoàng Sa. “Cả nước ta chỉ có Đà Nẵng là TP có nguyên một huyện bị ngoại bang chiếm đóng. Hơn 40 năm trôi qua, với tôi ngày nào cũng là ngày 19-1. Chúng tôi cũng như bao người dân yêu nước khác luôn có chung một cảm xúc, một mong mỏi là đến một ngày chúng ta sẽ đòi lại được Hoàng Sa!” - ông bày tỏ.

Ông Tiếng cho biết theo luật quốc tế, nếu như một quốc gia giữ, trực tiếp quản lý một lãnh thổ suốt 50 năm không có tranh chấp thì lãnh thổ đó coi như thuộc về quốc gia đó. “Nhiều người đã nghĩ tới và lo lắng khi cái mốc đó sắp đến. Nhưng theo tôi, quần đảo Hoàng Sa không nằm trong trường hợp này. Bởi thời hạn 50 năm chỉ xảy ra với những trường hợp không có tranh chấp, anh giành được lãnh thổ đó bằng biện pháp hòa bình chứ không phải dùng vũ lực. Trung Quốc đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa của Việt Nam thì không thuộc diện thời hạn 50 năm như một số người lo ngại. Chúng ta không thể vĩnh viễn mất đi Hoàng Sa” - ông Tiếng quả quyết.

Gần 2.000 ngày làm chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng) vẫn luôn đau đáu khi bao dự định, mong mỏi của ông về Hoàng Sa chưa được thực hiện trọn vẹn.

Hỏi ông Ngữ nghĩ gì trong những ngày này, ông chỉ cười buồn: “Cứ đến ngày này trong tôi lại trào dâng một cảm xúc thật khó tả. Đây là nỗi đau không chỉ với người Đà Nẵng mà còn là nỗi đau chung của người Việt. Tuy nhiên, điều tôi buồn hơn là một sự kiện lịch sử lớn như vậy, ý nghĩa như vậy nhưng dường như không được nhiều người nhắc đến. Nếu cứ như thế này thì rõ ràng không ổn. Hoàng Sa là lãnh thổ, là máu thịt của chúng ta, con dân nước Việt không thể thờ ơ với sự kiện đau đớn này được. Dân tộc Việt, cụ thể hơn là thế hệ trẻ phải luôn khắc cốt ghi tâm nó trong lòng, để một ngày nào đó có thể đòi lại lãnh thổ mà tổ tiên ta đã để lại”.

2ww.jpg