Điểm tin kinh doanh 14/3: Vàng trong nước bật mạnh sau Silicon Valley Bank phá sản
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 14/03/2023
- Vàng trong nước bật mạnh sau Silicon Valley Bank phá sản
Vàng đang trở thành tài sản trú ẩn an toàn sau khi Silicon Valley Silicon (SVB) phá sản.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC ở mức 66,3 - 67 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng chiều bán và tăng 200.000 đồng chiều mua so với chốt phiên cuối tuần.
Chênh lệch giá mua - giá bán ở mức 700.000 đồng/lượng. Sau đó khoảng 30 phút, bảng giá niêm yết sau đó có giảm nhẹ trở lại 50.000 đồng mỗi lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá mua bán vàng SJC ở mức 66,15 - 66,95 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI cũng niêm yết giá mua bán ở mức 66,25 - 66,9 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, thị trường vàng có mức tăng hàng tuần bất ngờ do rủi ro lây lan tiềm ẩn từ sự việc của Silicon Velley Bank (SVB) cuối tuần trước. Kim loại quý một lần nữa là giao dịch an toàn, các nhà đầu tư đổ xô vào sau sự sụp đổ của SVB hôm thứ 6.
Các cơ quan quản lý ngân hàng California đã nhanh chóng đóng cửa Tập đoàn tài chính SVB trong vụ phá sản ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Theo đó chốt phiên cuối tuần trước, giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex được giao dịch ở mức 1.869,70 USD/ounce.
Sáng 13/3 giá vàng giao ngay giao dịch trên Kitco ở mức 1.875 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khoảng 13 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm giữa USD và VNĐ ngày 13-3 ở mức 23.638 đồng/USD, giảm 1 đồng so với phiên hôm qua. Giá mua - bán USD tại Sở giao dịch NHNN ở mức 23.450 - 24.780 đồng/USD.
Giá mua bán USD tại Vietcombank đầu giờ sáng 13/3 ở mức 23.510 - 23.850 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá được giao dịch ở mức 23.730 - 23.780 đồng/USD.
- Giá kén tằm tại Lâm Đồng tăng cao kỷ lục
Sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục tăng và hiện đã đạt lỷ lục lên 222.000 đồng/kg. Mức giá này đã đem về lợi nhuận lớn cho người trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn.
Cụ thể, giá kén ghi nhận tại các vùng chuyên canh dâu tằm trên địa bàn như huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh hiện dao động từ 180.000 - 220.000 đồng/kg.
Cá biệt, tại huyện tại Lâm Hà, kén tằm đã đạt mức kỷ lục 222.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Mức giá này giúp người trồng dâu nuôi tằm thu lãi từ 110.000 - 120.000 đồng/kg kén.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá kén tằm tại các vùng trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rơi xuống mức hơn 100.000 đồng/kg khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022, giá kén bật tăng trở lại, dao động từ 155.000 – 200.000 đồng/kg. Mức giá này cũng duy trì suốt năm 2022 và đến nay tiếp tục lập đỉnh mới, lên 220.000 đồng/kg.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 60 hợp tác xã, tổ hợp tác và 5 làng nghề trồng dâu nuôi tằm, với gần 10.000 ha dâu tằm, khoảng 15.000 hộ dân làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Sản lượng lá dâu ước đạt gần 200.000 tấn/năm, sản lượng kén đạt khoảng trên 13.000 tấn/năm và sản lượng tơ đạt trên 1.500 tấn/năm.
Ngoài kén tằm, theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện giá nông sản và vật tư nông nghiệp cũng có sự biến động nhẹ.
Cụ thể như: hành tây Đà Lạt 9.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 16.000 đồng/kg, đều tăng 2.000 đồng/kg; pó xôi 18.000 đồng/kg, đậu leo 12.000 đồng/kg, đều tăng 4.000 đồng/kg; ớt chuông Đà Lạt 32.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; ớt sừng 20.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước do thị trường tiêu thụ mạnh.
- VinFast triển khai hệ thống “xưởng dịch vụ không ngày nghỉ”
Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast vừa triển khai hệ thống “Xưởng dịch vụ không ngày nghỉ”. Theo đó, kể từ ngày 15/3/2023, toàn bộ xưởng dịch vụ VinFast chính hãng trên toàn quốc sẽ hoạt động liên tục từ 8h đến 21h hàng ngày, tất cả các ngày trong tuần, bao gồm cả Chủ Nhật.
Thay vì hoạt động từ 8h đến 17h từ Thứ Hai đến Thứ Bảy hàng tuần, nghỉ trưa hàng ngày và nghỉ ngày Chủ Nhật như hiện nay, hệ thống “Xưởng dịch vụ không ngày nghỉ” được VinFast triển khai từ ngày 15/3/2023 sẽ đảm bảo 3 tiêu chí: không ngày nghỉ - không nghỉ trưa - phục vụ liên tục từ sáng đến tối.
Theo đó, khách hàng có thể đưa xe đến bảo dưỡng, sửa chữa, làm dịch vụ vào bất cứ thời điểm nào trong khung giờ trải dài từ 8h sáng đến 21h tối, tất cả các ngày trong tuần.
Quyết định điều chỉnh được áp dụng cho tất cả các xưởng dịch vụ của VinFast trên toàn quốc kể từ ngày 15/3/2023.
- Thanh tra đột xuất ngân hàng đầu tư trái phiếu: 11 ngân hàng nào vi phạm?
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thanh tra đột xuất 11 ngân hàng và xử phạt những đơn vị vi phạm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản trả lời lời cử tri Hà Nội về thanh tra, kiểm tra các ngân hàng trong phát hành, tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2022, thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh, kiểm tra 1.420 cuộc, trong đó 1.034 cuộc theo kế hoạch và 385 cuộc kiểm tra đột xuất.
Riêng với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm.
Hiện danh tính 11 ngân hàng bị thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang được dư luận quan tâm. Theo báo cáo tài chính, tính tới cuối năm 2022, các ngân hàng thương mại cổ phần đang nắm giữ gần 190.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Có 17 ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp tính tới cuối năm 2022. Trong đó, 5 ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB. Ngân hàng MB là ngân hàng thương mai cổ phần có lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ lớn nhất hiện nay. Trong top 3 ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống, VPBank là có mức tăng trưởng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất năm 2022 (tăng 18%).
Trong số 17 ngân hàng có dư nợ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp năm 2022, có 3 ngân hàng TMCP có vốn nhà nước là VietinBank, BIDV, Vietcombank. Tuy vậy, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tại các ngân hàng này chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ tín dụng (thấp nhất là Vietcombank).
Nếu loại trừ 3 ngân hàng TMCP có vốn nhà nước, các ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều hiện tại là: MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB, BaoViet Bank, BIDV, HDBank, VietinBank, Bac A Bank, OCB, MSB, NamABank, VIB, KienLongBank, SeABank.
Nhiều khả năng, 11 ngân hàng bị thanh tra trái phiếu doanh nghiệp nằm trong nhóm ngân hàng này.