Điểm 6.5 bằng 9.0 IELTS khi các trường đại học quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 08:29, 13/03/2023
Một tháng gần đây, các trường đại học trên cả nước bắt đầu công bố đề án tuyển sinh đại học. Bên cạnh chỉ tiêu xét tuyển cho mỗi ngành, bảng quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là chứng chỉ IELTS, mà các cơ sở giáo dục đại học đưa ra cũng được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm.
Quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ, cụ thể là IELTS, là việc quy đổi điểm IELTS sang thang điểm 10.
Tuy nhiên, vì không có quy định hay tiêu chí thống nhất giữa các cơ sở giáo dục đại học trong việc quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ nên mỗi trường lại quy đổi thành những kết quả khác nhau và dựa trên những tiêu chí khác nhau.
Cùng một trình độ IELTS là 5.5 nhưng mỗi trường lại quy đổi ra một số điểm khác nhau, chênh nhau từ 0,5 đến 1,5 điểm giữa các trường.
Điểm 6.5 bằng 9.0 IELTS
Dù 6.5 IELTS và 9.0 IELTS cách biệt rất lớn về năng lực và trình độ ngoại ngữ nhưng đa số các cơ sở giáo dục đại học, như Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại học Mở Hà Nội, đều để mức điểm 10 tương ứng với trình độ từ 6.5 IELTS trở lên.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Ngọc Anh, giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Mở Hà Nội, cho biết, bảng quy đổi điểm ngoại ngữ của trường được xây dựng dựa trên yêu cầu về năng lực ngoại ngữ với sinh viên để đảm bảo việc học tập, nghiên cứu và đạt chuẩn đầu ra (đủ điều kiện để xét tốt nghiệp đại học - PV) về năng lực ngoại ngữ theo các quy định hiện hành.
Ông Đỗ Ngọc Anh cũng giải thích thêm về việc 6.5 IELTS bằng 9.0 IELTS sau khi quy đổi điểm dựa trên thang điểm 10. Theo ông, thí sinh khi ứng tuyển đạt 6.5 IELTS trở lên đồng nghĩa với việc đã đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ của trường. Do đó, trường đã để mức điểm 10 cho trình độ IELTS từ 6.5 trở lên.
"Một số trường, trong đó có Trường Đại học Mở Hà Nội quy đổi từ 6.5 IELTS trở lên sang thang điểm 10 tương đương với bậc 5/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (hay còn được gọi là "Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam", do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành - PV).
Đây là năng lực tương đương với chuẩn đầu ra ngoại ngữ thuộc trình độ đại học chuyên ngữ", ông Đỗ Ngọc Anh giải thích.
Quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ để làm gì?
Trong khi đa số các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên thì Trường Đại học Ngoại thương chỉ xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên.
Lý giải cho điều này, bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho hay, đây là ngưỡng tối thiểu để đảm bảo thí sinh có thể theo học các chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ của nhà trường.
Tiêu chí trên đã được trường áp dụng từ năm 2018 cho đến nay và đạt được hiệu quả cao, phản ánh đúng năng lực thí sinh cho đến bây giờ.
Giải thích về mục đích của việc quy đổi này, bà Hiền cho biết, việc quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ, không chỉ riêng chứng chỉ IELTS (TOEFL, chứng chỉ tiếng Trung HSK, bằng tiếng Pháp…) phục vụ mục đích đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh từ cao xuống thấp nhờ vào việc quy đổi điểm về chung một mặt bằng là thang 10 điểm.
"Những thí sinh dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển sẽ chỉ cạnh tranh với nhau trong nhóm các thí sinh dùng chứng chỉ ngoại ngữ.
Nhà trường không quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ để so sánh với điểm thi ngoại ngữ trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để đảm bảo sự công bằng giữa các em", bà Hiền chia sẻ.
Có nên thành lập bộ tiêu chí quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ thống nhất giữa các cơ sở giáo dục đại học?
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Anh, giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, mỗi trường, mỗi ngành sẽ có yêu cầu riêng về năng lực ngoại ngữ dành cho sinh viên của trường mình, đặc biệt là những ngành đặc thù phải sử dụng nhiều tới ngoại ngữ.
Do đó, để xây dựng bộ tiêu chí quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ sẽ cần đến những sự khảo sát kỹ lưỡng.
"Nếu đơn vị, tổ chức nào định thành lập bộ tiêu chí quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ thống nhất thì cần khảo sát thật kỹ yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với sinh viên của các trường đại học hoặc phân chia theo nhóm ngành để tạo sự tương đồng", ông Ngọc Anh bày tỏ.