Lần về phép cuối cùng rồi ra đi mãi của chiến sĩ Gạc Ma
Chủ quyền - Ngày đăng : 18:30, 12/03/2023
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của Trung Quốc lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin…
64 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. 35 năm qua, những câu chuyện anh dũng về những tấm gương quên mình hy sinh vẫn lưu truyền mãi. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu những câu chuyện bất khuất không thể nào quên...
Lần về phép cuối cùng
Chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ ở xóm Tân Phong (xã Diễn Nguyên), thấy người lạ, anh Phan Huy Hà (con trai liệt sĩ Phan Huy Sơn) vội vã chạy ra. Vừa mở cổng cho chúng tôi bà Ninh nói: “Cháu bị bệnh nên phải đóng cửa cả ngày, lỡ cháu ra đường lại chạy đi khắp nơi ...”.
Những kỷ vật còn lại của liệt sĩ Phan Huy Sơn (1 trong 64 người lính đã hy sinh tại đảo Gạc Ma cách đây tròn 35 năm) được bà Trần Thị Ninh - vợ liệt sĩ Sơn lưu giữ cẩn thận tại nhà riêng của gia đình ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Đó là một số giấy tờ quan trọng như giấy báo tử và những bức thư của ông Phan Huy Sơn gửi cho vợ trước khi hy sinh.
Liệt sĩ Phan Huy Sơn, sinh năm 1963. Tháng 10/1981 ông nên duyên cùng bà Trần Thị Ninh. Sau 4 tháng cưới vợ, đầu năm 1982, ông nhập ngũ thuộc biên chế Lữ đoàn 146 của Quân chủng Hải quân.
Năm 1984, vợ chồng ông đón con trai chào đời đặt tên Phan Huy Hà. Nhưng chỉ thời gian ngắn, gia đình nhận tin dữ khi phát hiện Hà bị bại não bẩm sinh không thể cứu chữa...
"Hàng ngày, Hà không cười, không nói, chỉ la lên ngọng nghịu, ú ớ khi bị đau. Những lúc con tăng động, quậy phá phải nhờ hàng xóm ôm về nhà..." - bà Ninh kể.
Sửa soạn ban thờ, thắp nén nhang cho chồng - bà Ninh kể "Tết năm 1988, ông Sơn về nghỉ phép. Khi vào Nha Trang quay lại đơn vị thì ở nhà tôi có tin vui, mang thai bé thứ 2.
Gương mặt đượm buồn, bà xúc động: “Nào ngờ đây là lần về phép cuối cùng của anh. Ngày 14/3/1988, trong lúc đi làm đồng, tôi nghe loa phát thanh thông báo đắm tàu Hải quân 604, 605… ở ngoài đảo. Linh tính tôi như mách bảo, có mặt anh Sơn trên những chuyến tàu định mệnh đó. Đến năm 1989, gia đình nhận được giấy báo tử của anh trong sự mất mát, đau xót”.
Xúc động bức thư gửi gắm
Vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Ninh lấy ra 2 bức thư được ép plastic cẩn thận và nói, đây là những lá thư mà ông Sơn gửi về nhắn nhủ cho tôi trước khi hy sinh ngoài đảo.
Nội dung bức thư ngày 9/3/1988 của ông Sơn viết: “Ninh em thương! Như vậy là anh đã xa em và con được mấy ngày. Lòng nhớ em và con khôn xiết. Trên đường đi vào an toàn. Hiện nay anh đang chuẩn bị ra đảo nhưng chưa rõ đảo nào cả. Trước khi ra đi anh chúc hai mẹ con trẻ, khỏe, yên tâm và hạnh phúc…”.
Trong bức thư này, ông Sơn đã gửi gắm vợ con, cho người mẹ, chú, cậu những lời dặn dò, những món quà ý nghĩa như: Thuốc, quần, vải, mì chính và một ít tiền…
“Gửi em 1 quần pho, 1 tấm vải xẹc (em đóng áo mà mặc), 2 gói mì chính (1 ngoại + 1 nội) để em và con dùng và 50 nghìn đồng tiền mua đạm và bồi dưỡng khi sinh đẻ”, thư viết.
Còn trên lá thư cuối cùng vào ngày 10/3/1988 trước khi ra đảo, ông Sơn viết vội: “Ninh em! Trước khi đi đảo anh đã gửi thêm cho em 10 ngàn đồng theo đường bưu điện. Hôm nay anh gửi quần áo cho Hà con nữa (Phan Huy Hà, con trai – PV). Bưu điện sẽ báo 3 đợt, 2 đợt bưu kiện và 1 đợt tiền. Em đón nhận nghe em”.
Cầm những lá thư trên tay, bà Ninh không giấu nổi cảm xúc: “Đây là những kỷ vật quý giá, rất thiêng liêng mà chồng tôi để lại và nó sẽ gắn bó với mẹ con tôi suốt cả cuộc đời này”.
Hàng chục năm nay, bà Ninh phải gồng gánh nuôi 2 người con đến khi trưởng thành. Con gái liệt sĩ Phan Huy Sơn sinh năm 1988 hiện đã lập gia đình, có công việc ổn định tại địa phương.
Còn chỉ về người con trai đang đi lủi thủi một mình phía ngoài đường, bà Ninh bảo: “Từ khi sinh ra, Hà đã bị tàn tật bẩm sinh. Nay đã gần 40 tuổi rồi mà mỗi khi đến giờ phải xay cơm, cháo… để ăn, cuộc sống của mẹ con cứ luẩn quẩn ở trong nhà”.
“Chuẩn bị đến ngày 14/3, lần nào tôi cũng gọi vợ chồng con gái cùng các cháu lên nhà để làm mâm cơm cúng anh. Đến nay, đã 35 năm ngày anh rời xa với mẹ con tôi rồi”, bà Ninh nghẹn ngào.
Vừa tiễn chúng tôi ra về, bà Ninh liền vội chạy quanh xóm để tìm con trai lớn. Hôm nay có người lạ ghé nhà nên anh mới có dịp để đi ra khỏi cổng, tiếng mẹ tìm con lại vang vọng một góc ở làng quê yên bình!
Việt Hòa