NSND Diệp Lang: Bậc thầy thượng thừa ‘ca trong diễn - diễn trong ca’

Dòng chảy - Ngày đăng : 16:00, 12/03/2023

NSND Diệp Lang được xem là tượng đài của cải lương, là hình mẫu của một kép độc, kép lão và là bậc thầy khai thác thượng thừa kỹ năng “ca trong diễn – diễn trong ca”.

NSND Diệp Lang qua đời vào sáng 11/3 (giờ Mỹ) tại bang California, Mỹ, hưởng thọ 82 tuổi. Nghệ thuật cải lương lại mất đi một cây đại thụ, ngay khi “ông hoàng Hồ Quảng” Vũ Linh vừa nằm xuống.

Xin chia sẻ bài viết của Ái Mỹ để độc giả biết thêm về tài năng của cố nghệ sĩ Diệp Lang.

dl1.jpeg
NSND Diệp Lang và NSƯT Thoại Mỹ trong một lần ông về thăm quê nhà

Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang đã ra đi nơi xứ người.

Một hào quang lộng lẫy của cải lương - Hồ Quảng vừa nằm xuống thì nay, một tượng đài của cải lương “thật và đẹp” đã đi vào nơi vĩnh hằng.

Một bậc thầy về kép độc, khuôn mẫu của kép lão; và Ông - trong số ít-rất hiếm nghệ sĩ sở hữu, khai thác ở mức thượng thừa tài năng ca trong diễn - diễn trong ca.

Ông, không phải là người có lợi thế về hơi, giọng. Nhưng ông có đủ chất và nội lực để biến hóa cái tưởng chừng bất lợi ấy thành sự phục vụ một cách hữu ích cho từng nhân vật mà ông đảm nhận. Chất ấy trước hết là “nhịp trong máu” - điều này ông và người bạn diễn trong vở diễn kinh điển Đời cô Lựu (soạn giả: Trần Hữu Trang) là NSND Bạch Tuyết tương đồng (và cả NSND Ngọc Giàu). Họ nằm lòng dây đờn.

Vì chắc nhịp nên họ tung hứng, quăng bắt, nhịp nội - ngoại họ ra vào thần sầu. Trong tình huống này, nếu thầy đờn, nhạc công không chắc tay, có khi bị luống cuống “rớt” như chơi!

Thứ đến là câu vô vọng cổ, xuống hò có thể không là lợi điểm nhưng ca lòng bản, với sự phân và phối nhịp như đã nói thì mới thấy rõ tài cao thấp. Hơn thế, đặc biệt trong ca bài bản, nhất là ở những bài thuộc Bắc - Oán thì cả ông và nghệ sĩ Bạch Tuyết đều đích thị là bậc thầy.

dl2.jpeg
Khán giả, đồng nghiệp khóc thương cố nghệ sĩ cải lương Diệp Lang

Họ dày dặn trong xử lý kỹ thuật, họ hiểu biết trong thể hiện nội dung và hòa quyện cả hai yếu tố đó bằng tài năng ca trong diễn - diễn trong ca, tức biểu diễn bài ca bằng tâm trạng, tính cách, tình huống của nhân vật. Những cái tên diễn viên biến mất. Chỉ còn tâm hồn, tài năng, sự sáng tạo của người nghệ sĩ ở lại, nuôi dưỡng, truyền đến khán giả.

Sự quắc thước, tinh anh trong ca -diễn của NSND Diệp Lang, đi cùng một kỷ luật sân khấu, đạo đức làm nghề, không dễ tìm cho ra người-tiếp-nối. Tôi từng nhìn thấy ở Hữu Quốc…

Giờ thì ông đã nằm lại ở xứ người, tôi cứ mãi nuối tiếc về điều đó, dù ông luôn có tình thân của vợ, con sưởi ấm, của một đời sống vật chất đủ đầy, tinh tươm. Mấy năm trước, khi đang ngồi ở Caravelle, tôi thấy ông đi cùng gia đình, ngang qua, dù ông bịt khẩu trang nhưng tôi vẫn nhận ra, kịp thấy một bên bàn tay đang run. Tôi đã hay tin ông bị Parkinson, giờ nhìn theo ông, đang đi giữa đường phố Sài Gòn, không dưng tôi lại thấy ấm áp.

Có một “lý lẽ” rất buồn cười, như hôm qua đọc tin về việc thành phố sẽ đưa các nghệ sĩ ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ bên quận 8 về Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè. Với mức độ đầu tư, tính chuyên nghiệp trong dịch vụ và phục vụ thì đây là một quyết định đúng. Song, cần có sự cẩn trọng, ý nhị trong cách thức ứng xử (về lâu dài, chứ không chỉ ở giai đoạn chuyển về, ban đầu sau khi đã chuyển) với nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ… cải lương.

Họ sống không thể thiếu khán giả và Mạnh thường quân - có khi cũng là khán giả. Tôi từng hỏi nghệ sĩ Năm Cần Thơ hồi ấy, sao cô Năm không vô Viện dưỡng lão. Bà cười vô trỏng được cái chỗ ăn ở có người lo nhưng tù túng lắm con ơi, Năm thuê nhà ở ngoài, muốn đi đâu, mấy giờ về khỏi thưa báo gì ai”. Bà nói rồi cười, tay vẫn đang bôi son dậm phấn, hỏi tối nay cô Năm ca ở đâu, thì cũng ra quán ngồi, ai kêu thì ca chơi, đỡ ghiền…

Và hôm nay, không riêng gì tôi, nhiều khán giả “thương cải lương” cũng đang vô cùng thương tiếc ông, thành kính tiễn biệt một tài năng của sân khấu dân tộc”.

NSND Diệp Lang sinh năm 1941, rất thành công trong vai trò diễn viên cải lương, sân khấu, điện ảnh và đạo diễn. Ông nổi tiếng với những vai diễn trong các vở Đời cô Lựu (ông hội đồng Thăng), Tô Ánh Nguyệt (ông Hương Cả), Lôi Vũ (Lỗ Quý), Chí Phèo – Thị Nở (Bá Kiến), Kim Vân Kiều (thi hào Nguyễn Du), Tiếng hò sông Hậu, Ánh lửa rừng khuya, Cung đàn thương nhớ, Nửa đời hương phấn…

Nghệ sĩ Diệp Lang đoạt giải Thanh Tâm vào năm 1963 cùng NSND Bạch Tuyết, Tấn Tài, Mộng Tuyền, Ánh Loan… Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 2003. Cố nghệ sĩ cùng gia đình sang Mỹ định cư vào năm 2003.

Tổng hợp MXH