Điểm tin kinh doanh 13/3: Giá xăng dầu hôm nay 13/3 có thể tăng nhẹ

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 13/03/2023

Giá xăng dầu hôm nay 13/3 có thể tăng nhẹ; Tuần qua, vàng thế giới tăng vọt, SJC vẫn giật lùi

- Giá xăng dầu hôm nay 13/3 có thể tăng nhẹ

Theo dự báo, giá xăng tại thị trường trong nước trong kỳ điều chỉnh ngày 13/3 có thể sẽ tăng sau 2 lần liên tiếp điều chỉnh giảm.

Theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, ngày 11/3 là ngày điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do trung vào ngày nghỉ nên kỳ điều hành giá mới sẽ được chuyển sang ngày 13/3.

Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương đến ngày 9/3 cho thấy giá xăng trên thị trường Singapore tăng tương đối mạnh so với kỳ điều hành ngày 1/3.

Cụ thể, xăng 92 đã tăng giá lên ngưỡng 96,24 USD/thùng, giá của xăng 95 tăng lên 100,42 USD/thùng, giá dầu hỏa tăng lên 101,47 USD/thùng, giá dầu diesel 100,87 USD/thùng, dầu mazut lên 441,31 USD/tấn.

Trên thị trường thế giới giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,74 USD, lên mức 77,41 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 0,55 USD, lên mức 83,21 USD/thùng.

Theo dự báo, giá xăng tại thị trường trong nước có thể sẽ tăng sau 2 lần liên tiếp điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, nếu Liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hoặc chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể tiếp tục giảm.

Tại kỳ điều hành giá ngày 1/3, giá xăng RON95 giảm 120 đồng/lít về mức 23.320 đồng/lít. Giá xăng E5RON92 giảm 120 đồng/lít còn 22.420 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 550 đồng/lít và có giá bán 20.250 đồng/lít ; giá dầu hỏa giảm 370 đồng/lít còn ở mức 20.470 đồng/lít.

Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 7 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng, 2 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết quý IV/2022 (đến hết ngày 31/12/2022), số dư quỹ Bình ổn giá (BOG) 4.617,3 tỷ đồng. Tổng số trích Quỹ BOG trong Quý IV năm 2022 (từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 31/12/2022) là trên 2.155,5 tỷ đồng; Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong Quý IV năm 2022 (từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 31/12/2022) là trên 79,2 tỷ đồng.

- Giá vàng hôm ngày 12/3: Tuần qua, vàng thế giới tăng vọt, SJC vẫn giật lùi

Trong khi vàng thế giới có tuần tăng khá tốt với phiên cuối tuần bốc đầu bởi thông tin ngân hàng SVB của Hoa Kỳ bị phá sản, thì vàng SJC vẫn giật lùi dưới mốc 67 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra trong ngày hôm qua 11/3, vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng hôm ngày 12/3 tại Hà Nội đi ngang, hiện niêm yết ở mức 66,0 – 66,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,0 – 66,8 triệu đồng/lượng.

Như vậy, tính chung từ đầu tuần, giá vàng SJC giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 12/3 chưa có sự biến động so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 54,27 – 55,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng vọt 37,2 USD/ounce lên 1.868,1 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 2/2023 trên sàn Comex New York tăng 32,6 USD lên 1.867,2 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay tăng 12,6 USD/ounce, tương ứng tăng 0,68%.

Vụ phá sản ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008 đang tạo ra động lực tăng giá mới trên thị trường vàng khi các nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu trú ẩn an toàn sẽ đẩy giá lên cao hơn vào tuần tới.

Đồng thời, Khảo sát vàng hàng tuần của Kitco News cho thấy, các nhà đầu tư bán lẻ vẫn lạc quan về vàng trong thời gian tới ngay cả khi họ duy trì triển vọng giá thận trọng.

Với mức giá khoảng 1.868,1 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 54,3 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 12,52 triệu đồng/lượng.

- Chính phủ “chốt” gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tại Nghị quyết 33, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình.

Bên cạnh đó, xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Việt Báo (Tổng hợp)