Thả hoa đăng tưởng nhớ 64 liệt sĩ Gạc Ma
Chủ quyền - Ngày đăng : 12:54, 12/03/2023
Sáng 12/3, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa tại TP Đà Nẵng (giai đoạn 1984 - 1988) tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14/3/1988.
Buổi lễ diễn ra trang nghiêm tại khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Tham dự buổi lễ có nguyên lãnh đạo Lữ đoàn công binh 83 Hải quân; các cựu chiến binh, cựu quân nhân đã từng công tác, chiến đấu tại quần đảo Trường Sa và thân nhân các gia đình liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma…
Cùng nhiều người thân khác đến dự lễ tưởng niệm, ông Lê Văn Xuân (bố liệt sĩ Lê Văn Xanh) cho biết, 35 năm trước, anh Xanh về ăn Tết cùng gia đình, hứa khi trở về sẽ cưới vợ. Tuy nhiên, lời hứa ấy mãi dang dở, khi anh cùng 63 đồng đội anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Ngồi trên xe lăn, mẹ Lê Thị Lan (80 tuổi, trú quận Cẩm Lệ), mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc chi sẻ, con trai mẹ hy sinh năm 21 tuổi, sau hơn một năm nhập ngũ. Năm nào mẹ cũng có mặt tại lễ tưởng niệm để thắp nén nhang cho 64 liệt sĩ.
“Những ngày này, đi đâu mẹ cũng như thấy hình bóng của Lộc. Sáng nay mẹ nhờ con bắt taxi đến đây để thắp nén nhanh cho Lộc cùng 63 liệt sĩ. Còn sức khỏe là mẹ còn đi…”, mẹ Lan nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng (giai đoạn 1984-1988) chia sẻ, đau thương, mất mát với thân nhân các gia đình liệt sĩ.
“Chủ quyền quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm. 35 năm qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những người lính quả cảm. Sự hy sinh của họ đã được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm, không ai được phép lãng quên", ông Tấn nhấn mạnh.
Ngay sau lễ tri ân, đồng đội của các liệt sĩ Gạc Ma đã thả mô hình tàu HQ-604, hoa đăng, vòng hoa tưởng niệm xuống sông Hàn.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa lực lượng tàu chiến hùng hậu đến tấn công, xâm chiếm đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa), sát hại 64 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo.
Gạc Ma đã đi vào trang sử bi tráng của dân tộc với hình ảnh những người lính siết chặt tay cầm cờ Tổ quốc mặc cho pháo đạn dội vào. Các anh nằm xuống đã kết thành “vòng tròn bất từ” mãi khắc ghi trong sử sách, viết nên bản hùng ca bi tráng về tinh thần quyết tử, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của lịch sử dân tộc Việt Nam.