Khách Trung Quốc trở lại, khách sạn tại Đông Nam Á đắt chưa từng có
Du lịch online - Ngày đăng : 00:20, 12/03/2023
Theo báo cáo, giá phòng trung bình hàng ngày của Hilton tăng 8% trong quý 4 năm 2022, so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, giá phòng trung bình tại hệ thống khách sạn, resort của Marriott và IHG trên toàn cầu tăng giá 13%, còn Hyatt tăng 14%.
Đó là thống kê trên toàn cầu. Tại các khu vực của Châu Á Thái Bình Dương, giá khách sạn thậm chí còn tăng cao hơn.
Watts cho rằng hoạt động du lịch ở châu Á Thái Bình Dương bùng nổ đến mức trở thành “hiện tượng”. Dữ liệu về giá phòng khách sạn cho thấy điều này đặc biệt đúng ở những nơi du khách Trung Quốc đến. Giá khách sạn trung bình trên khắp Đông Nam Á đã tăng hơn 10% kể từ năm 2022, theo dữ liệu từ Traveloka.
Ông Joydeep Chakraborty, giám đốc chiến lược của Traveloka, cho biết giá phòng đã tăng hơn 45% tại các điểm đến đang thu hút nhiều du khách Trung Quốc nhất. Theo đó, mức tăng đáng kể nhất được ghi nhận ở Bali, Bangkok, Phuket và Singapore. Trong đó Bangkok đứng đầu với giá phòng khách sạn tăng hơn 70% và Singapore với 40%.
Còn theo Ctrip, website đặt dịch vụ du lịch hàng đầu ở Trung Quốc, giá phòng khách sạn trung bình ở Bangkok đã tăng khoảng 70% vào cuối tháng 1.
Thống kê cho thấy du khách Trung Quốc ngày càng có nhu cầu nghỉ tại khách sạn cao cấp. Một báo cáo do Morgan Stanley công bố vào ngày 7.2 cho thấy mức độ quan tâm của du khách Trung Quốc đối với việc ở khách sạn sang trọng đã tăng từ 18% lên 34% từ năm 2022 đến năm 2023.
Một báo cáo của công ty nhận dạng dữ liệu Adara vào cuối tháng 2 cũng cho thấy du khách Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn đáng kể cho phòng khách sạn. Ít khách du lịch đặt phòng dưới 100 USD một đêm, trong khi số người đặt phòng có giá từ 400 USD trở lên tăng gần gấp ba.
Ngoài ra, hoạt động du lịch quốc tế phần lớn chỉ giới hạn ở những du khách có khả năng chi trả khi giá vé máy bay đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong bối cảnh đường bay quốc tế đến Trung Quốc vẫn chưa khôi phục. Chỗ ngồi hạn chế khiến giá vé đắt đỏ chưa từng có. Ví dụ, chuyến bay khứ hồi chặng San Francisco - Thượng Hải vào tháng 3 của United Airlines, vé hạng phổ thông có giá gần 4.000 USD và vé hạng thương gia là hơn 18.000 USD, theo Reuters.
Tuy nhiên, chuyên gia dự đoán xu hướng tăng giá phòng khách sạn có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn — hoặc có thể tăng giảm thất thường - khi ngành du lịch ở Châu Á-Thái Bình Dương cố gắng hồi phục. Theo nền tảng đặt phòng Kayak, giá khách sạn trên toàn khu vực đang có xu hướng tăng, tuy nhiên một số khách sạn trung bình có giá phòng cao nhất đã bắt đầu giảm.
Trung bình, giá phòng khách sạn mỗi đêm giảm 36% ở Bangkok từ tháng 1 đến tháng 2 và ở Singapore là 33%. Nhưng khi so sánh cùng kỳ hai tháng, giá phòng trung bình mỗi đêm tăng 70% ở Hong Kong (Trung Quốc) và 73% ở Tokyo. Phát ngôn viên của Kayak đánh giá điều này có thể cho thấy “nhu cầu tổng thể” của du khách có thể làm tăng giá dịch vụ.
Giám đốc Chakraborty của Traveloka nhận định giá cả tăng đang giúp các khách sạn bù đắp khoản lỗ đáng kể trong ba năm qua và có tiềm năng “thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Nhưng ở chiều ngược lại, du khách sẽ phải chi tiêu nhiều hơn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt vốn cũng tăng và lạm phát.
Nhưng tăng giá có thể không thành vấn đề với du khách Trung Quốc. Lạm phát tại Trung Quốc ở mức tương đối kiềm chế so với phương Tây, với mức lạm phát giá tiêu dùng vào cuối năm nay dự kiến chỉ cao hơn một chút so với mức 2% trung bình hàng năm từ 2013 đến 2019, theo một bài đăng trên Mastercard Data & Services vào tháng trước.
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy giá phòng khách sạn hạng sang tăng sau khi Trung Quốc mở cửa du lịch quốc tế trở lại, do vai trò của nước này trước đại dịch là nguồn chi tiêu lớn nhất của khách du lịch ra nước ngoài trên toàn cầu. Đặc biệt là đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch, ví dụ như Thái Lan”, David Mann, chuyên gia kinh tế đứng đầu Viện Kinh tế Mastercard nói.