Thăm xóm dây thừng
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:05, 16/07/2017
Bãi đất trống thật rộng với những luống cỏ dại mọc đầy. Nhiều hàng cọc, giá đỡ được trồng thẳng hàng, cách nhau hàng chục mét. Trên những giá đỡ là những sợi dây cước mong manh được một người kéo từ trong nhà ra và gát lên đó...
Xóm nghèo rộn tiếng cười
"Xóm dây thừng" nằm ở cuối khu dân cư Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, TP.HCM) trên một thửa đất khá rộng. Nơi đây là 14 căn hộ tuềnh toàng, xiêu vẹo, trống trước hở sau được xây dựng sát nhau thành hàng ngang.
Trên khoảnh đất trống, mỗi đường dây kéo thẳng từ nhà đến cuối thửa đất. Có tất cả 14 đường dây của 14 gia đình chuyên sản xuất dây thừng.
Căn nhà đầu tiên chúng tôi bước vào là của vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Phương và chị Trần Thị Mỹ Chi (đều 49 tuổi, quê quán Thoại Sơn, An Giang). Anh Phương gầy nhưng rắn rỏi với gương mặt sạm nắng.
Anh trải lòng với chúng tôi: "Từ đây (anh chỉ vào chiếc máy se dây) tôi kéo cước đi thẳng về phía trước chừng 160m gát lên giá đỡ rồi quay trở lại 160m nữa nối đầu dây vào máy.
Một lần cả đi và về là 320m, một ngày tôi đi khoảng 20 lần như thế thì quãng đường lên đến 6,4km rồi thì làm sao mà mập nổi? Bất chấp nắng mưa - chỉ trừ lúc mưa lớn phải dừng lại, chúng tôi làm việc từ 5 giờ sáng đến 17 giờ chiều mới nghỉ".
Kéo dây
Anh vừa nói vừa kéo dây đi. Chị Chi ngồi trước những cuộn cước giữ cho khỏi rối. Chị vừa làm vừa trò chuyện.
Chị kể: "Nghề này có nguồn gốc từ Chợ Mới (An Giang). Những năm đầu của thập niên 1990, vài người bỏ xứ tìm lên Sài Gòn về vùng đất này bện dây thừng. Thấy làm có ăn, nhiều người kéo lên thuê đất để làm rồi hình thành xóm dây thừng lúc nào không hay".
Chị nói tiếp: "Miếng đất hiện nay rộng chưa đầy 1ha được chủ cho thuê với giá 15tr/tháng. Chúng tôi chia nhau mỗi người hơn 1 triệu, trong đó có căn nhà và khoảnh đất để kéo dây.
Cuộc sống chúng tôi không giàu nhưng rất hạnh phúc. Cả xóm này đều như thế. Có lẽ nhờ vào đặc tính của nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến cuộc sống.
Công đoạn làm dây thừng loại vừa. Ở dưới cùng là dây thừng thành phẩm
Theo đó, suốt ngày chúng tôi chạy dây, se dây mà chạy dây đòi hỏi phải tỉ mỉ và kiên nhẫn nên dần dần tính cách chúng tôi cũng điềm đạm hơn và cư xử với nhau rất hòa nhã. Có lẽ do vậy mà cuộc sống ở đây luôn rộn tiếng cười".
"Nghề này đặc biệt hơn các nghề khác là không cần nhiều nhân công. Chỉ hai vợ chồng cùng làm là đủ. Vì thế, bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu ân tình cũng chỉ vợ chồng sẻ chia cùng nhau nên càng lúc càng đậm đà tha thiết hơn", chị nói.
Chị Chi giữ cước để không bị rối
Lúc này, anh Phương đã quay về. Chị bước ra cùng với anh nối đầu dây vào máy se rồi bật công tắc điện. Tiếng máy chạy rè rè...
Chỉ sợ chủ thu hồi đất
Máy se chạy một lát thì kết thúc, trên giá đỡ bây giờ là những sợi dây thừng đã hoàn chỉnh. Anh và chị cùng gỡ đầu dây đưa vào máy cuốn. Máy cuốn chạy và mẻ dây mới lại bắt đầu. Chị lại ngồi vào những cuộn cước, anh tiếp tục kéo dây...
Kéo dây xong, anh chị cột đầu dây vào máy se.
"Chúng tôi xây dựng gia đình sớm, có 2 con. Cháu gái lấy chồng sinh được 3 con. Căn nhà này giờ đây vui vẻ với 3 thế hệ cùng chung sống. Các con em đều đi làm ngoài. 3 đứa cháu ngoại đến trường. Giờ rảnh chúng quây quần cùng bọn trẻ trong xóm... ".
Chị kể tiếp: "Chúng tôi cũng có tuổi rồi không thể vào làm công ty xí nghiệp được nên phải chọn nghề này. Theo định kỳ, công ty kinh doanh dây thừng đổ xuống mỗi nhà một lượng cước nguyên liệu nhất định.
Tùy theo từng nhà, kích cỡ dây thừng được quy định để sản xuất. Làm cho đến khi nào hết cước thì công ty đến nghiệm thu. Mỗi kg thành phẩm như thế họ trả công 4000 đồng.
Vậy mà một tháng vợ chồng tôi cũng như bà con quanh đây ai cần cù đều có thể kiếm được 10 - 11triệu/tháng, cũng đủ đắp đổi cho cuộc sống.
Chị Chi thu thành phẩm từ máy cuốn
Hiện nay thị trường nhà đất ngày một nóng lên. Mảnh đất này lại nằm trong quận nội thành nên chúng tôi rất ngại chủ đất thu hồi để bán hoặc xây dựng công trình.
Thú thật ở thành phố này mà tìm được một miếng đất rộng bỏ không, không phải là chuyện dễ".
Rời xóm dây thừng, chúng tôi ngang qua một căn nhà bỏ trống với nhiều bé trai gái đang quây quần vui đùa bên nhau. "Các con là con cháu của những gia đình làm dây thừng phải không?". Một tiếng "Dạ" đồng loạt vang lên trong buổi chiều thật đẹp...
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 15/07/2017
https://vietnamnet.vn/muc-thu-nhap-bat-ngo-cua-nhung-gia-dinh-song-tren-bai-dat-bo-khong-383953.html