Thách thức chờ đợi tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Tin thế giới - Ngày đăng : 11:41, 11/03/2023

Tân Thủ tướng Lý Cường được các chuyên gia và giới doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng, trong bối cảnh Trung Quốc đứng trước hàng loạt thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại.
thu tuong trung quoc anh 1

Từ khi được lựa chọn là nhân vật đứng thứ hai trong đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2022, ông Lý Cường đóng vai trò dẫn dắt nỗ lực dỡ bỏ chính sách zero Covid-19, tập trung vào tái khởi động nền kinh tế.

Những động thái trên dấy lên sự lạc quan của giới doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các nhà phân tích chính trị về một nhà lãnh đạo thực dụng, linh hoạt, theo Wall Street Journal.

Dấu ấn đầu tiên

Tại Bắc Kinh, sau Chủ tịch Tập Cận Bình, người có ảnh hưởng lớn nhất lên hệ thống chính trị Trung Quốc là ông Lý Cường.

Ông Lý từng có thời gian là Bí thư thành ủy Thượng Hải, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Tân thủ tướng Trung Quốc được biết đến là người sẵn sàng thực thi các chính sách một cách quyết liệt theo sự chỉ đạo, tuy nhiên cũng thực dụng và ủng hộ sự phát triển của giới doanh nghiệp.

Trong quá khứ, các thủ tướng Trung Quốc đều tạo ra những ảnh hưởng nhất định vời nền kinh tế đất nước tỷ dân.

Chu Dung Cơ, thủ tướng giai đoạn 1998-2003, đã thu hẹp quy mô khối doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo không gian phát triển cho nền kinh tế thị trường cởi mở hơn. Ông cũng góp phần đưa Trung Quốc gia nhập WTO.

thu tuong trung quoc anh 2
Ông Lý Cường. Ảnh: Reuters.

Tuy vậy, ảnh hưởng của vị trí thủ tướng đã trở nên mờ nhạt hơn trong những năm gần đây, nhất là dưới thời cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Không giống những người tiền nhiệm, ở tuổi 63, ông Lý Cường là một trong những thủ tướng trẻ nhất và chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong nội các. Thiếu kinh nghiệm quản lý ở cấp quốc gia khiến một số chuyên gia hoài nghi đặt dấu hỏi về ông Lý trong bộ máy chính quyền trung ương.

"Tôi tin ông ấy sẽ làm theo những gì được chỉ đạo, nhưng không có nghĩa sẽ không có dấu ấn riêng", George Magnus, chuyên gia về Trung Quốc Đại học Oxford, nhận định.

Tuần trước, Trung Quốc thông báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5%, cho thấy nước này không còn đơn thuần ưu tiên mở rộng quy mô nền kinh tế, theo Reuters.

Mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn được đưa ra sau khi nền kinh tế Trung Quốc chỉ có mức tăng trưởng 3% trong năm 2022, mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ, do tác động của Covid-19 và các lệnh phong tỏa với khối tư nhân.

Ông Lý Cường là người đi đầu một số quyết định quan trọng nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc trong vài tháng qua. Theo một số nguồn tin, ông Lý là người dẫn đầu nỗ lực dỡ bỏ chính sách Zero Covid-19, giúp giảm thiểu thiệt hại mà chính sách này gây ra.

Thông thường, quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đảm đương các trách nhiệm mới sau khi chức danh trong chính phủ của họ được phê chuẩn. Nhưng từ cuối năm ngoái, ông Lý đã bắt đầu đảm nhiệm một số công việc liên quan chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc.

Không lâu sau khi kết thúc đại hội XX đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lý tiếp nhận chức chủ tịch tổ công tác Covid-19 quốc gia thay ông Lý Khắc Cường. Khi đó, Chủ tịch Tập đã đồng ý mở cửa trở lại đất nước, dù vẫn còn cảnh giác về tốc độ mở cửa.

Lo sợ các lệnh phong tỏa lặp đi lặp lại có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và lâu dài cho nền kinh tế Trung Quốc, ông Lý Cường và một số quan chức cấp cao đã vận động hành lang để đẩy nhanh xóa bỏ Zero Covid-19.

Lập luận chính của nhóm này là Zero Covid-19 khiến Trung Quốc mất khả năng cạnh tranh với Mỹ. Bằng chứng là bức thư mà Terry Gou, lãnh đạo tập đoàn công nghệ Foxconn, gửi tới giới lãnh đạo Bắc Kinh cảnh báo Zero Covid-19 đe dọa vị trí trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bắc Kinh sau đó cho phép Quảng Đông thử nghiệm nới lỏng kiểm soát Covid-19, tương tự chính sách ông Lý Cường từng theo đuổi trong thời gian ngắn mùa xuân 2022 ở Thượng Hải trước khi phải từ bỏ do dịch bệnh lan rộng.

Chính sách này giữ cho thành phố hoạt động tối đa có thể, giảm thiểu gián đoạn kinh tế, chỉ phong tỏa giới hạn ở các khu vực có mức độ lây lan cao.

Thách thức chờ đợi tân thủ tướng

Trong nỗ lực dỡ bỏ Zero Covid-19, ông Lý Cường cho thấy khả năng phối hợp nhịp nhàng với các lãnh đạo cấp cao khác, điều sẽ hữu ích trong nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, một nguồn tin nhận định.

Về chính sách kinh tế vĩ mô, ông Lý tranh thủ sự hỗ trợ của Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Hà Lập Phong soạn thảo một bản kế hoạch nhằm tháo gỡ các rào cản quy định để khuyến khích tăng trưởng kinh tế.

Tháng 11/2022, chính phủ Trung Quốc thi hành hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nguồn cung cũng như nhu cầu nhà ở, trong đó có nới lỏng các giới hạn về cho vay, theo CNN. Hai ông Lý và Hà cũng kêu gọi nới lỏng một số quy định với các công ty Internet nhằm tăng cường lòng tin.

thu tuong trung quoc anh 3
Ông Lý Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua.

Các quan chức thân cận với nhóm của ông Lý đã tiếp cận giới doanh nghiệp, bảo đảm chính phủ Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ khối tư nhân, đồng thời thuyết phục những doanh nghiệp đã rời nước này trong đại dịch quay trở lại.

Tuy vậy, ông Lý vẫn tiếp tục tuân thủ một số chính sách khiến giới doanh nghiệp quan ngại, như yêu cầu đạt mục tiêu xây dựng xã hội "khá giả toàn diện". Chính sách này hướng tới xây dựng một Trung Quốc có mức sống bình đẳng hơn, nhưng các chuyên gia tin rằng nó sẽ cản trở phát triển kinh tế.

Bất chấp các nỗ lực của ông Lý, một số doanh nghiệp Trung Quốc vẫn hoài nghi các hứa hẹn của chính phủ, họ sợ rằng tân thủ tướng chưa đủ khả năng thúc đẩy toàn diện các thay đổi chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Có những thách thức lớn với nhiệm kỳ thủ tướng của ông Lý Cường. Chính phủ của ông sẽ phải xử lý vấn đề nợ công quá mức của các tỉnh, năng suất tăng trưởng thấp, và tình trạng già hóa dân số.

Thách thức lớn nhất là căng thẳng ngày càng gia tăng với các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong đó có Mỹ và EU. Những ngày qua, các quan chức cấp cao Trung Quốc liên tục cáo buộc phương Tây tìm cách chèn ép Trung Quốc trong các ngành kinh tế chiến lược.

Trên cương vị thủ tướng, ông Lý Cường sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế Bác Ngao, một hội nghị về chính trị và kinh tế do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3. Đây sẽ là cơ hội để ông Lý ra mắt các đối tác quốc tế thông qua hội đàm song phương với lãnh đạo Singapore, Malaysia, Nepal.