Bảo tồn, phát huy nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 09:22, 11/03/2023
Mỗi hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm đều mang ý nghĩa riêng biệt, do các nghệ nhân sáng tạo ra. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Tháng 2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum).
Điều này mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con.
Giúp người dân có cuộc sống ổn định
Tổ hợp tác thôn Đăk Triêng Kơ Tu (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) được thành lập từ năm 2016 với 40 thành viên là bà con dân tộc thiểu số Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Bahnar), trong đó có 22 thành viên dệt thổ cẩm, 18 thành viên nghề đan lát.
Nghệ nhân Y Thút (sinh năm 1954, tổ trưởng tổ dệt thổ cẩm) cho biết thông thường các thành viên trong tổ sẽ chủ động dệt tại nhà, tránh trường hợp dệt tập trung sẽ ảnh hưởng đến các công việc khác của mỗi người.
Sau khi dệt xong, thổ cẩm sẽ được tập trung lại và bán cho các khách hàng, chủ yếu là trong tỉnh.
Mỗi tấm thổ cẩm để làm được một bộ quần áo sẽ có giá từ 500.000-1 triệu đồng.
Các thành viên trong tổ trung bình mỗi tháng sẽ dệt được khoảng 3-4 tấm, thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng trở lên. Nghề truyền thống đã giúp họ nuôi sống bản thân và gia đình nên họ rất phấn khởi.
Nghệ nhân Y Thút bên khung dệt. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Nghệ nhân Y Thúy (sinh năm 1972, trú thôn Đak KRăk, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) là một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm “gạo cội” trong cộng đồng dân tộc thiểu số Bahnar.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm, năm 13 tuổi, chị Thúy được mẹ truyền dạy cho nghề dệt. Từ đó đến nay, chị xem đây là nghề chính của mình.
Nghệ nhân Y Thúy cho biết mỗi tháng chị dệt được khoảng 3-4 tấm thổ cẩm dài hơn 4m, rộng 1m.
Với những tấm thổ cẩm có hoa văn bình thường, chị sẽ bán được khoảng 1 triệu đồng. Những tấm thổ cẩm có hoa văn phức tạp sẽ có giá cao hơn, khoảng 1,6 triệu đồng.
Không giống như những ngành, nghề khác, dệt thổ cẩm không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết.
Các nghệ nhân có thể tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để làm việc nên không quá vất vả. Nhờ dệt thổ cẩm cùng với làm nông nghiệp, gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định.
Theo nghệ nhân Y Thúy, tinh túy của nghề dệt thổ cẩm truyền thống là mỗi một hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm đều được các nghệ nhân sáng tạo từ những thực thể ngoài cuộc sống.
Các họa tiết thể hiện hình ảnh của núi, sông, hạt lúa... được cách điệu, đưa vào thổ cẩm bởi bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân.
Càng lâu năm, các nghệ nhân càng có nhiều kinh nghiệm để sáng tác hoa văn, họa tiết. Những tấm thổ cẩm có họa tiết phức tạp thường có giá thành cao.
Nghệ nhân Y Thúy là một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm gạo cội tại Kon Tum. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Chị Thúy chia sẻ chị rất vui bởi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Bahnar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này sẽ giúp nhiều người biết đến thổ cẩm Bahnar hơn, giúp những nghệ nhân dệt có thêm động lực tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm thổ cẩm với những hoa văn tinh xảo, có giá trị cao, mang những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Bahnar.
Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Những tấm thổ cẩm của dân tộc Bahnar được bán ra với giá cao chính là động lực để các nghệ nhân tiếp tục gắn bó với nghề và truyền thụ cho con, cháu.
Nghệ nhân Y Thúy đã tích cực truyền lại nghề dệt thổ cẩm cho các con. Đến nay, cả hai con gái chị đã biết dệt và có những sản phẩm được đưa ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Em Rơ Manh Minh Thư (sinh năm 2006, con gái thứ hai của nghệ nhân Y Thúy) chia sẻ em được mẹ dạy dệt thổ cẩm từ năm 12 tuổi.
Sản phẩm đầu tiên em làm được là những chiếc vỏ gối có họa tiết đơn giản. Dần dần, dưới sự chỉ dẫn của mẹ, em đã làm được những sản phẩm phức tạp hơn như áo, túi... và được khách hàng lựa chọn, sử dụng.
Giờ đây, khi đang học lớp 11 (Trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh), em vẫn tranh thủ dịp cuối tuần được về nhà hoặc thời gian nghỉ hè để học dệt thổ cẩm, với hy vọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Em Rơ Manh Minh Thư đang được mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Theo ông A Kân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đăk Triêng Kơ Tu, thôn có 147 hộ với hơn 900 khẩu. Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm đã mang lại thêm nguồn thu nhập cho người dân.
Ngoài những nghệ nhân lấy dệt làm nghề chính, một số hộ dân khác tranh thủ sáng đi làm đồng, chiều và tối về dệt thổ cẩm. Nhờ đó, thu nhập của các hộ khá ổn định.
Đến nay, thôn chỉ còn 3 hộ nghèo; là thôn điểm trong phát triển kinh tế của xã Đăk La, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng xã nông thôn mới.
Ông A Kân cho biết thêm nhận thấy hiệu quả kinh tế từ dệt thổ cẩm, các nghệ nhân lớn tuổi đã truyền dạy cho con, cháu trong làng.
Thậm chí, các làng lân cận còn mời họ về để dạy dệt thổ cẩm. Nhờ đó, nghề dệt truyền thống của dân tộc sẽ không bị mai một.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ngành văn hóa nói chung và cộng đồng dân tộc Ba Na trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Qua đó, nhận thức của cán bộ, người dân về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể được nâng cao, từ đó có những định hướng để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong cộng đồng.
Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Kon Tum đã ban hành kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2030, từng bước đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống và nghề dệt truyền thống.
Ông Phan Văn Hoàng nhấn mạnh Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều chương tình, sự kiện trình diễn thổ cẩm; tuyên truyền, vận động học sinh, công chức người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống nhằm giữ gìn, lan tỏa nét đẹp của thổ cầm truyền thống trong cuộc sống.
Công tác bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống đã giúp bà con tăng thu nhập, phát triển kinh tế./.
Nghệ nhân Y Thúy, thôn Đak KRăk, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum là một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm “gạo cội” tại Kon Tum. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Nghệ nhân Y Thút (sinh năm 1954, tổ trưởng tổ dệt thổ cẩm thôn Đăk Triêng Kơ Tu) bên khung dệt. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Mỗi hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm đều mang ý nghĩa riêng biệt, do các nghệ nhân sáng tạo ra. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Em Rơ Manh Minh Thư (sinh năm 2006, con gái của nghệ nhân Y Thúy) đang được mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)