Liverpool đại chiến Man Utd: Nguồn cơn thù hận nhuốm màu mafia xứ Sicilia
Bóng đá quốc tế - Ngày đăng : 08:41, 10/03/2023
Sự đương đầu Liverpool và Manchester United mang tầm vóc siêu kinh điển như Barcelona và Real Madrid, những đội bóng giàu truyền thống nhất quốc gia. Nhưng ngoài ra, giữa Liverpool và Manchester còn nhuốm màu thù hận theo chủ nghĩa bộ lạc, hay được ví là sự hận thù theo kiểu mafia ở Sicilia.
Chủ nhật ngày 5/3, 19h20 (giờ địa phương), nhà ga Liverpool Lime Street. Khoảng một giờ đồng hồ đã trôi qua kể từ khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc tại Anfield và nếu trận đấu diễn ra theo kịch bản được chờ đợi, sân ga này đầy tiếng hô hào huyên náo và sặc mùi thù hận.
Có các chuyến tàu đi Manchester Piccadilly vào 19h25 và 19h29, tới London Euston lúc 19h43 và các điểm đến khác trên khắp miền Bắc nước Anh và xa hơn nữa. Thông thường những ngày này, sân ga đông đặc người hâm mộ của hai đội và chỉ cần tia lửa nhỏ cũng có thể bùng nổ cả cuộc chiến theo kiểu bộ lạc nguyên thủy.
Bởi vậy, cảnh sát được bố trí khắp mọi nơi để ngăn chặn bất kỳ căng thẳng nào leo thang thành hành động nghiêm trọng hơn.
Nhưng lần này, không có nguy cơ xung đột nổ ra. Cổ động viên (CĐV) đôi bên đều sốc vì những gì diễn ra tại Anfield. 7-0, Liverpool không chỉ giành chiến thắng cách biệt lớn nhất trong suốt lịch sử 129 năm đụng độ giữa hai đội, mà còn tái lập thất bại nặng nề nhất trong lịch sử Man Utd, đội bóng ra đời vào năm 1878.
Kết quả là không tưởng và bầu không khí bên trong sân ga Lime Street phản ảnh sự bàng hoàng, ngơ ngác, ngỡ ngàng.
Một nhóm người hâm mộ Liverpool, đâu đó trong độ tuổi 20 và đang trên đường trở về nhà, họ gặp nhau bên ngoài quán café, tất cả trầm trồ nhìn nhau vì cơn địa chấn vừa xảy đến: "Ôi trời, thật tuyệt! Thật không thể tin nổi! Tớ đã nói chúng ta sẽ thắng, phải không? Nhưng không phải là 7-0. Không thể tin nổi! Không thể tin nổi!".
Một vài cái bóng lủi thủi bước đi trong cô quạnh. Họ lấy khăn trùm kín mặt để che giấu những khuôn mặt đầy u ám và bàng hoàng hơn là che chắn cơn gió lạnh đầu xuân. Đó là fan Man Utd, những người vẫn chưa thôi kinh hãi vì những gì vừa xảy ra với đội bóng yêu quý của họ.
Không có sự xô đẩy để lên tàu trở về Piccadilly và không cần đến dải phân cách đến sát đường ray của cảnh sát. Hóa ra, nhiều CĐV của Man Utd đã lên tàu trở về Manchester từ trước khi trận đấu kết thúc.
Ai lại trách cứ người hâm mộ Quỷ đỏ vì rời Anfield trước khi trận đấu kết thúc. Không phải họ không yêu Man Utd mà họ không muốn hoặc không thể chịu đựng thêm phút nào của sự sỉ nhục ấy.
Thất bại tại Anfield sẽ là một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất lịch sử Man Utd, hay có thể ví là "thảm họa" như lời thủ thành David De Gea. Điều đáng nói, trận thua nhục nhã này lại đến vào thời điểm không nên hay không thể đến nhất.
Man Utd từng thua 6 bàn trước Man City chỉ mới hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng thời điểm đó Quỷ đỏ chưa hồi sinh, người hâm mộ Man Utd chưa mộng mơ. Thất bại tại Anfield đau đớn và ám ảnh gấp bội phần.
Bất chấp dòng chảy thời cuộc nhiều chuyển biến của bóng đá Anh kể từ khi Premier League ra đời tròn 30 năm về trước, với Arsenal và Chelsea thách thức ngôi cao của Man Utd và gần đây là sự thống trị của đế chế Man City, cuộc thư hùng giữa Man Utd đấu với Liverpool vẫn giữ vị thế độc tôn trong làng cầu xứ sở sương mù.
Trong cuốn "Red on Red" viết về cuộc đối đầu giữa hai đội bóng Liverpool và Manchester United, ký giả thể thao Phil McNulty và Jim White đều gọi đây là "cuộc đối đầu gay gắt nhất trong thế giới bóng đá".
Nhận định này dĩ nhiên sẽ gây nhiều tranh cãi, nhưng không ai có thể phủ nhận sự mãnh liệt trong cuộc ganh đua giữa hai CLB giàu truyền thống nhất Anh quốc. Còn theo cây bút Stuart Maconie, người sinh ra và lớn lên ở Merseyside, giữa Liverpool và Man Utd là "sự thù hằn, ganh đua dữ dội và máu me theo kiểu Sicilia", cái nôi của mafia Italy.
Tháng 5/2022, Man City và Liverpool đua tranh cho chức vô địch Premier League. Ở vòng đấu hạ màn, khi Man City bị Aston Villa dẫn trước 2-0 và trận đấu chỉ còn 20 phút nữa là kết thúc, chiếc cúp đang đến gần với Liverpool, đội bóng đang đánh bại Wolves tại Anfield. Đó sẽ là lần đăng quang giải vô địch quốc gia (VĐQG) thứ 20 của The Kop, cân bằng kỷ lục của Man Utd.
Stephen Howson, thành viên Stretford Paddock, hội CĐV cuồng nhiệt bậc nhất của Man Utd, thổ lộ "hầu hết người hâm mộ MU đã cổ vũ cho Man City trong ngày hôm ấy. Kết quả là sự nhẹ nhõm, viễn cảnh ác mộng 2020 không xảy ra.
"Tôi luôn nói rằng sự ganh đua với Liverpool luôn là quan trọng nhất", Howson tiếp tục. "Tôi ví cuộc chiến này với Real Madrid đương đầu Barcelona. Cho dù không gắn nhãn hiệu như El Clasico, nhưng cuộc đối đầu này không cần tên để vĩ đại nhất nước Anh".
Howson thừa nhận theo năm tháng, ông già đi và cùng những thất bại của MU thời hậu Sir Alex nên trông hơi ủ rũ, nhưng ông đã thù ghét Liverpool lâu tới nỗi chẳng nhớ từ bao giờ và sự căm hận ấy không bao giờ suy chuyển.
John Gibbons, thành viên The Anfield Wrap, hội CĐV có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa của Liverpool, cũng đồng quan điểm với Howson.
Gibbons nhớ lại, lần đầu tiên ông có được tấm vé cả mùa của Liverpool là mùa giải 1992/93, như ông nói, "là khởi đầu cho sự thống trị của Man Utd, vì vậy những năm tháng thiếu niên của tôi là thời gian ám ảnh vì đại kình địch giành được mọi thứ". Và trong khi Man Utd có thêm vài kình địch lẻ tẻ như Leeds, Arsenal hay Chelsea, Gibbons nhấn mạnh rằng "không ai ở Liverpool có quyền thù hận đội bóng nào khác ngoài Man Utd".
"Nếu ai đó hỏi tôi, 'Trận derby của Liverpool là gì?', tôi sẽ nói, 'Everton'," Gibbons nói. "Nhưng tôi hiểu tại sao Liverpool - Man Utd bây giờ được coi là một trận derby, bởi vì mọi thứ bây giờ đều mang tính toàn cầu.
Và đó không chỉ là cuộc so tài giữa hai câu lạc bộ giàu thành tích nhất nước. Mọi chuyện càng trở nên căng thẳng hơn vì khoảng cách giữa hai thành phố (sân Anfield của Liverpool và sân Old Trafford của Man Utd cách nhau 46km theo đường chim bay), nơi mà chúng tôi va chạm với nhau khá nhiều trong cuộc sống hàng ngày".
McNulty và White mô tả khái quát về hai thành phố: "độc lập tư tưởng, phong phú văn hóa" với "nhiều nguyên tắc chung: về chính trị cấp tiến và chủ nghĩa tập thể, về hoạt động của tổ chức công đoàn và các giá trị chung khác". Cả hai thành phố đều có cộng đồng người Ireland nhập cư đông đúc, đều chứng kiến sự chia rẽ gay gắt giữa người giàu và người nghèo, và đều có tiềm năng phát triển rất lớn.
"Cả hai thành phố đều là hòa chung nhịp đập sáng tạo của quốc gia: âm nhạc, nghệ thuật, phát minh và cách mạng công nghiệp của họ nổi tiếng trên toàn thế giới."
Lịch sử cho thấy, Manchester là thành phố cấp tiến hơn: Tham gia Liên minh lập pháp thị trường tự do cho ngũ cốc (Anti-Corn Law League), phong trào chống chế độ nô lệ, phong trào Chartism (cải cách chính trị và xã hội) và ủng hộ Emmeline Pankhurst lãnh đạo phong trào nữ quyền.
Trong khi đó, sự giàu có và thịnh vượng của Liverpool vào thế kỷ 18 được xây dựng dựa trên việc khai thác nô lệ. Giai đoạn hậu Thế chiến II, thành phố này là thành trì của Đảng Bảo thủ. Đến cuối thập niên 1960, khi nền kinh tế suy thoái lại xuất hiện phong trào phản đối đảng Bảo thủ. Từ năm 1979 đến nay, không một đơn vị bầu cử nào tại thành phố Liverpool chứng kiến nghị sĩ đảng Bảo thủ được bầu lên.
Cảm giác chống chính quyền tại thành phố cảng này càng được thúc đẩy bởi thảm họa Hillsborough năm 1989 , vụ việc khiến 97 cổ động viên Liverpool thiệt mạng do không kiểm soát được đám đông. Bi kịch nối tiếp bằng một trò hề, nhiều năm che đậy của cảnh sát và giới chức, nhiều năm che đậy lỗi thiết kế sân vận động để đổ lỗi cho những CĐV. Song, CĐV Man Utd đã chộp lấy những lời bôi nhọ từ tờ The Sun để bêu rếu đại kình địch, ngay cả khi các nhà chức trách xác minh lời lẽ ấy là sai. Đối với người hâm mộ Quỷ đỏ, họ vẽ Liverpool như một "thành phố tự thương hại". Bất kể sự gắn kết nào từng tồn tại trong quá khứ giữa hai thành phố lân cận này dường như đều bị xóa tan trước bàn thờ của chủ nghĩa bộ lạc.
Ngay trước Hillsborough, thành phố Liverpool đã cảm thấy bị đàn áp bởi chính phủ do bà Margaret Thatcher đứng đầu. Hoài nghi này được chứng minh vào năm 2011, khi những hồ sơ của ông Geoffrey Howe, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nhiệm kỳ bà Thatcher làm Thủ tướng được công bố. Các tài liệu tiết lộ ông Howe tham mưu cho bà Thatcher không chi đầu tư công cho "vùng đất ngang ngạnh" Merseyside vì việc đó chẳng khác nào "cố bắt nước chảy ngược dòng". Thay vào đó, ông đề xuất cho Liverpool một "tùy chọn suy thoái được quản lý".
Liverpool phản đối chính phủ Thatcher, ủng hộ 'Khuynh hướng quân phiệt' ở cánh tả của Đảng Lao động. Năm 1983, Derek Hatton, gương mặt lôi cuốn và gây tranh cãi của Đảng Lao động được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng thành phố Liverpool, thay vì thực hiện các khoản cắt giảm chi tiêu của chính phủ, họ thiết lập các ngân sách bất hợp pháp. Các Hội đồng thành phố khác, bao gồm cả Manchester, ban đầu tham gia cùng Liverpool trong việc phản đối các khoản cắt giảm, nhưng có mức giới hạn để không sa vào cuộc chiến với chính phủ.
Vì vậy về cá tính của hai thành phố, như cựu nghị sĩ đảng Lao động Andy Burnham, người sinh ra tại Liverpool và hiện là thị trưởng của Manchester chia sẻ trong cuốn sách "Red On Red": "Theo kinh nghiệm của tôi, Liverpool hiếm khi sẵn sàng nhượng bộ, trong khi Manchester giàu tính thực dụng. Mọi thứ diễn ra với Hội đồng thành phố Liverpool (vào thập niên 1980), tôi nghĩ Manchester đã nhìn vào và nghĩ hành động ấy thiếu hiệu quả. Vì vậy, Manchester chủ ý không đi theo con đường tương tự. Cách tiếp cận của Manchester dựa trên sự hợp tác nhiều hơn là đối đầu".
Hoặc, như Steve Rotheram, thị trưởng của Liverpool, diễn đạt ngắn gọn hơn: "Về cơ bản thì cá tính thành phố bắt nguồn từ điều này: chúng tôi hiếu chiến hơn, đúng không?"
Trên huy hiệu của Man Utd, kể cả Man City, đều có hình ảnh một con tàu. Đó là biểu tượng của kênh đào Mancherster Ship, ra đời năm 1894, chạy từ cửa sông Mersey ngay cạnh thành phố Liverpool đến bến cảng Salford, cách sân Old Trafford chừng 2km.
Trong những năm qua, nhiều nhà sử học bóng đá đề xuất rằng sự thù hận giữa Liverpool và Man Utd có thể bắt nguồn từ việc xây dựng kênh đào, bắt nguồn từ ý chí của các nhà công nghiệp Manchester, những người quyết tâm tránh các mức phí cầu đường quá cao do các chủ cảng ở Liverpool đặt ra vào cuối thế kỷ 19.
Con kênh đã cung cấp cho Manchester một tuyến đường trực tiếp đến Biển Ireland - cả bên trong và bên ngoài. Điều đó có nghĩa là cảng của Liverpool bị loại bỏ và gây nên sự kích động. Theo nhiều học giả, sự việc này đặt nền móng cho những tranh chấp dân sự gay gắt nhất giữa hai thành phố đồng thời là phương tiện để giải thích nguồn cơn sự hận thù giữa hai CLB lớn của hai thành phố. Một giai đoạn hấp dẫn và kịch tính.
Nhưng như nhà thơ Dave Scott, một Mancunian đưa ra quan điểm trong "Red On Red", "Tất cả những thứ liên quan đến kênh đào này, ngày nay không ai quan tâm đến điều đó nữa. Thật tuyệt vời cho một câu chuyện, nhưng không ai thực sự quan tâm. Sự kình địch giữa Liverpool và Man Utd ngày nay khủng khiếp hơn gấp bội phần".
Lý thuyết Manchester Ship cũng bị phủ nhận trong cuốn sách của McNulty và White. Liverpool là một trong những đội bóng đầu tiên hỗ trợ Man Utd sau thảm họa hàng không Munich vào năm 1958. Mối quan hệ giữa hai câu lạc bộ đã đủ thân thiết trong những năm đầu và giữa thập niên 1970 để Martin Buchan, thủ lĩnh hàng phòng ngự Man Utd, cảm thấy an toàn khi đứng trên khán đài Kop tại Anfield để xem các trận đấu của Liverpool vào những ngày nghỉ của mình.
"Có rất nhiều sự tôn trọng giữa hai câu lạc bộ vào những ngày tháng ấy," White cho biết. "Bill Shankly và Sir Matt Busby là những người bạn thân thiết. Mọi thứ bắt đầu thay đổi là sau khi hai HLV này nghỉ hưu, đặc biệt là khi bạo lực bắt đầu trở thành vấn nạn trong bóng đá Anh".
"Đây là hai đội bóng vĩ đại nhất, với lượng CĐV đông đảo nhất, vì vậy một phần thử thách là cố gắng chứng tỏ sự vĩ đại từ trong ra ngoài sân cỏ. Có một thời điểm vào năm 1971, khi Man Utd bị cấm thi đấu tại Old Trafford (vì một số vụ bạo loạn) và ai đó nảy ra ý tưởng thi đấu với Arsenal tại… Anfield. Người hâm mộ Liverpool không chấp nhận điều này. Vì thế họ đã đến sân quấy phá và xảy ra vụ ẩu đả khổng lồ trên khán đài. Từ đó mọi thứ ngày càng tồi tệ. Câu chuyện kênh đào chẳng liên quan nhiều. Sự thù hận được thúc đẩy bởi bóng đá. Ngày nay CĐV Man Utd và Liverpool nói về nhau bằng ngôn từ xúc phạm, nhưng tôi tin chắc động cơ đều là bóng đá".
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên
10/03/2023