Đề nghị "không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư"
Nhịp sống - Ngày đăng : 23:30, 09/03/2023
Chiều 9/3, Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức hội thảo góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Thời hạn sở hữu nhà chung cư tiếp tục là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý.
Tại dự thảo lần 5 của Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng vẫn đưa ra hai phương án về sở hữu chung cư. Một là sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Hai là không quy định niên hạn (phương án trong luật hiện hành).
Quan điểm của cơ quan soạn thảo nghiêng về phương án 1 với định hướng cần thiết quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Nhưng nhìn nhận ở một góc độ khác, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng cơ quan soạn thảo cần đánh giá cẩn trọng, kỹ càng tác động từ quy định này.
Theo ông Tuấn, thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Trong hai phương án được đưa ra, ông Tuấn đề nghị cân nhắc chọn phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Trước đó, khi phản biện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội thảo do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cũng phản đối quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Ông đánh giá căn cứ xây dựng đề xuất này của cơ quan soạn thảo thiếu cơ sở thực tiễn.
Theo phân tích của ông Đường, nhà chung cư hiện nay được xác lập quyền sở hữu dựa trên mua bán sòng phẳng theo cơ chế thị trường và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp. "Đây là khối tài sản rất lớn của người dân, lẽ nào vì một điều khác hoàn toàn với thực tiễn mà Nhà nước ra mệnh lệnh chấm dứt quyền sở hữu đơn giản như thế", ông Đường nêu vấn đề.
Chung quan điểm, PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh cần tiến hành đánh giá tác động quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư một cách kỹ lưỡng, tránh ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.
Theo ông, Luật sửa đổi cần nghiên cứu, nhấn mạnh hơn khía cạnh về bảo đảm quyền có chỗ ở, sở hữu nhà của công nhân và bổ sung các quy định bảo đảm quyền của cá nhân, nhóm yếu thế trong xã hội về nhà ở.
Ông Tuấn cho biết kinh nghiệm ở một số nước cho thấy các quốc gia chủ yếu điều chỉnh khía cạnh về chuẩn mực tối thiểu nhà ở, nhà ở xã hội và hỗ trợ nhóm yếu thế về nhà ở; hoặc kiểm soát mua bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này chưa quy định về sở hữu các loại hình bất động sản mới xuất hiện trong thời gian gần đây bao gồm: Bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại (shophouse)… Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị cần xem xét điều chỉnh quan hệ sở hữu của các loại nhà ở, bổ sung các quy định về sở hữu những loại hình nhà ở mới này.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật sửa đổi đã tăng hơn 13 điều; bãi bỏ 7 điều trong Luật hiện hành; giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều…