Ông nội, bà ngoại... vào trường mầm non ở TPHCM để dạy học
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 12:18, 09/03/2023
Ở khu vực giữa sân Trường mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3, TPHCM, một ông bố đang hướng dẫn trẻ cắm hoa, viết thiệp. Tại đây, một ông bố khác đang tổ chức chơi kéo mo cau cho các bé.
Phía ngoài, một vài bà mẹ dẫn trẻ đi vườn nấm, chia sẻ các kiến thức về nấm, những bà mẹ khác chỉ dẫn trẻ làm vườn, chăm sóc cây cối...
Ở các phòng chức năng, các bà mẹ đang hướng thực trẻ thực hành chế biến sinh tố, nước ép. Phòng bên cạnh, trẻ đang thực hành steam, làm thí nghiệm hóa học... do phụ huynh chỉ dẫn.
Đó là những hoạt động trong chuyên đề: "Phối hợp với cha mẹ học sinh trong công tác giáo dục trẻ" cấp thành phố.
Ông bà cũng... đứng lớp
Bà Vũ Đỗ Thúy Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Thơ 7 chia sẻ phụ huynh vào lớp dạy học cùng giáo viên là hoạt động được tổ chức thường xuyên ở trường.
Phụ huynh làm trong lĩnh vực nào sẽ được mời tham gia giảng dạy, hướng dẫn trẻ về lĩnh vực đó. Phụ huynh là bác sĩ đến dạy học về chăm sóc sức khỏe, cấp cứu; phụ huynh là nghệ sĩ đến hỗ trợ các bộ môn năng khiếu; chủ shop hoa dạy trẻ cắm hoa; đầu bếp dạy trẻ ở phòng nấu ăn; các nhà khoa học, kỹ sư hướng dẫn trẻ về kiến thức ăn toàn, thí nghiệm...
Không chỉ bố mẹ mà ông bà của các bé cũng sẵn sàng đứng lớp. Mới đây, bác sĩ Lưu Đình Trứ là ông nội của bé Lưu Đình Khánh Đông đến dạy trẻ về chăm sóc sức khỏe, bà Mai Quỳnh Hương là bà ngoại của bé Nguyễn Phúc Duy ôm chó đến trường để dạy các bé về chủ đề động vật...
Nhiều trẻ không khỏi bất ngờ khi thấy bố mẹ, ông bà xuất hiện ở trường trong vai trò là giáo viên. Họ khoe bạn bè rối rít.
"Rất nhiều nội dung, chủ đề, phụ huynh dạy tốt hơn cả những giáo viên giỏi nhất mà chúng tôi có", bà Hiền thẳng thắn.
Với cách này, trường đã thu hút được nhiều bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia đến giảng dạy, đem lại nhiều lợi ích cho cả gia đình, nhà trường và đặc biệt là đối với trẻ.
Khi tham gia vào các hoạt động dạy học, phụ huynh hiểu và chia sẻ với công việc của các cô giáo mầm non hơn. Đến quan sát và trực tiếp đứng lớp, cha mẹ cũng thấy rõ con mình đang được chăm sóc trong điều kiện thế nào. Bố mẹ và giáo viên cũng dễ dàng trao đổi về những đặc điểm của trẻ để phối hợp giáo dục hiệu quả hơn.
Giáo viên học được từ phụ huynh thêm các kiến thức trong nhiều lĩnh vực, phụ huynh cũng học thêm được từ cô các phương pháp giáo dục... Hai bên hiểu nhau, hỗ trợ nhau giúp cho việc giáo dục trẻ hiệu quả hơn.
Ngoài ra, theo bà Hiền việc cha mẹ hỗ trợ giáo dục, quản lý trẻ còn góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực và căng thẳng trong công việc cho giáo viên.
Hết cảnh "đóng góp theo phong trào"
Không chỉ tham gia vào hoạt động giáo dục, sự hợp tác của phụ huynh còn giúp nhà trường trong việc xây dựng, đảm bảo an toàn trường học.
Bà Vũ Đỗ Thúy Hiền chia sẻ câu chuyện lâu nay trường phải trả mỗi tháng hơn 34 triệu đồng tiền nước do đường nước có vấn đề, gây thất thoát. Trường đã gọi nhiều người kỹ sư, thợ nước đến kiểm tra nhưng ai nấy đều lắc đầu.
Hệ thống nước nếu muốn làm lại phải có phương án đập phá, ngưng hoạt động để sửa chữa rất tốn kém. Mới đây, một phụ huynh của trường đã dành hai ngày cuối tuần đến kiểm tra, sữa chữa và kết quả là không còn tình trạng thất thoát nước.
Một người khác giúp nhà trường làm nhà nấm với chi phí gốc cực kỳ rẻ. Đến nay, nhà nấm của trường ngoài việc cung cấp thêm khẩu phần ăn cho trẻ còn có để đem bán.
Nhiều ông bố khác đến giúp giáo viên sửa chữa vật dụng trong lớp, kiểm tra lại cái quạt, ổ điệm để đảm bảo an toàn hơn. Với những công trình lớn, phụ huynh có thể giúp trường giới thiệu những nơi làm chất lượng với chi phí tốt nhất.
Với việc tham gia thiết thực của phụ huynh, theo bà Hiền, hơn 2 năm nay, trường không còn những cuộc vận động mang tính phong trào, đồng loạt, không còn xảy ra việc phụ huynh đóng góp vật liệu, giấy vụn, chai nhựa... mà sau đó giáo viên không biết phải làm gì.
Thêm một điều đặc biệt vị hiệu trưởng nhận thấy phương thức "huy động nhân lực" này thu hút rất nhiều ông bố nhiệt tình tham gia vào hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ chứ không "khoán trắng" cho các bà mẹ.
Xã hội hóa không chỉ là... tiền
Ông Lương Trọng Bình, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận 3, TPHCM cho hay, lâu nay các hoạt động gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh thường tổ chức theo cách nhà trường, giáo viên tạo hoạt động rồi mời bố mẹ đến xem. Phụ huynh nào rảnh thì đến dự, không thì thôi.
Phụ huynh đến xem vài lần như vậy sẽ không còn hứng thú, giảm dần sự quan tâm. Họ cho rằng mình đến cũng được, không đến cũng không sao.
Nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Giờ đây họ trực tiếp là người đứng lớp, tổ chức hoạt động, thể hiện trách nhiệm của mình với vai trò và tâm thế hoàn toàn khác.
"Đây chính là xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa không phải là cứ đóng bằng tiền, không phải đại gia hay những phụ huynh có tiền mới có thể tham gia. Mọi phụ huynh từ anh thợ mộc, chú thợ điện, bác sửa xe, chị công nhân... đều có thể đóng góp vai trò vào hoạt động dạy học của lớp bằng sở trường, tay nghề, thời gian của mình", ông Bình bày tỏ.
Với việc đóng góp này, phụ huynh thể hiện được tâm thế, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con. Chính họ nhìn thấy rõ nhất sự thiết thực, hữu ích của hoạt động đóng góp của mình.
Chưa kể, việc phụ huynh tham gia tổ chức hoạt động dạy học, ông Bình cho rằng sẽ góp phần giúp xã hội thay đổi nhận thức về bậc học mầm non. Trẻ mầm non đến trường được học rất nhiều thứ chứ không chỉ là ăn là ngủ.