Những 'chiến binh' ngâm mình trong nước đen ngòm để lột xác kênh rạch ở TP.HCM
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:25, 09/03/2023
Sau bữa sáng với ổ bánh mì, các bạn trẻ nhóm Sài Gòn Xanh mặc đồ bảo hộ, mang găng tay và bắt tay vào dọn rác ở kênh. Nhóm phân công mỗi người mỗi việc và phối hợp khá nhịp nhàng, như người cào rác, người hốt rác, người kéo rác lên bờ và những người còn lại gom rác nổi trên bề mặt kênh.
Anh Nguyễn Lương Ngọc (27 tuổi, TP.HCM) - Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh cho biết, đến nay nhóm được thành lập gần 4 tháng. Mục đích của nhóm là dọn dẹp sạch rác trên các kênh, rạch ở TP.HCM.
Lấy cảm hứng từ nhóm Padawara ở Indonesia, 4 tháng trước, anh Ngọc và anh Hồ Văn Vỹ quyết định thành lập nhóm Sài Gòn Xanh. Ban đầu nhóm chỉ dọn rác ở trên đường, sau khi để ý thấy các kênh, rạch có nhiều rác thải, nhóm mới bắt đầu kế hoạch dọn sạch kênh.
Anh Ngọc cho hay, thời gian đầu có một số ý kiến trái chiều, thậm chí có những lời xúc phạm đến các thành viên trong nhóm, nhưng với quyết tâm vì cộng đồng nên mọi người đều bỏ ngoài tai, vẫn chung tay thực hiện "trend biến hình" cho kênh, rạch.
"Chúng tôi nghĩ mình cần có hành động để bảo vệ môi trường. Do đó, chúng tôi đã thành lập nhóm Sài Gòn Xanh để cùng nhau dọn rác trên các kênh ở TP.HCM. Sau gần 4 tháng nhóm đã dọn được khoảng 20 đoạn kênh rạch", anh Ngọc nói.
Ban đầu, các thành viên trong nhóm dùng chính số tiền của mình kiếm được từ các công việc đầu bếp, chạy xe ôm, văn phòng... để mua đồ bảo hộ, dụng cụ dọn dẹp. Để tổ chức một buổi ra quân, các thành viên phải sắp xếp giữa công việc hiện tại và hoạt động của nhóm. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng thấy được thành quả những con kênh hôi thối, đầy rác trở nên sạch hơn, cả nhóm lại càng quyết tâm hơn.
"Ban đầu chúng tôi tự bỏ tiền túi để trang bị quần áo, giày bảo hộ, chích ngừa các loại vaccine để bảo vệ các thành viên. Đến thời điểm này, thỉnh thoảng cũng có nhiều người ủng hộ nhóm để nhóm trang bị thiết bị bảo hộ", anh Ngọc cho hay.
Trong quá trình làm việc, anh Ngọc đã nảy ra ý tưởng quay lại các hoạt động hàng ngày của nhóm và đăng tải nên nền tảng TikTok nhằm lan tỏa hành động đẹp này đến với nhiều người hơn.
“Thật bất ngờ khi mỗi video đăng tải nhóm nhận được rất nhiều sự chú ý từ phía người xem, từ vài nghìn lượt tương tác, đến nay đã có cả trăm nghìn lượt xem và yêu thích. Đặc biệt, nhờ vào những video đó mà nhóm đã thu hút thêm nhiều bạn trẻ đăng kí tham gia hàng tuần”, anh Ngọc nói.
Theo anh Ngọc, sắp tới nhóm sẽ kết nối với nhiều thành viên khác để dọn rác ở nhiều tỉnh, thành chứ không chỉ riêng TP.HCM.
Anh Nhân, một thành viên quản trị truyền thông của nhóm cho hay, trong quá trình làm việc, nhóm nhận được nhiều sự yêu thương, giúp đỡ của những người dân sinh sống xung quanh nơi nhóm dọn dẹp như hộp bánh, chai nước... Những sự quan tâm từ mọi người và sự hưởng ứng của nhiều bạn trẻ đã giúp nhóm Sài Gòn Xanh có thêm động lực để cố gắng hơn mỗi ngày. Từ những việc làm ý nghĩa, nhóm mong muốn sẽ trở thành một làn sóng thức tỉnh tinh thần bảo vệ môi trường sống của người dân.
“Chúng mình mong rằng sẽ có thêm thật nhiều các bạn trẻ tiếp nối việc làm nhân văn ý nghĩa này, vì sức trẻ cống hiến được nhiều là một điều tuyệt vời”, anh Nhân chia sẻ.
Là một trong những thành viên của nhóm, Lê Ngọc Hà (sinh viên năm 2, Trường Đại học Tài chính - Marketing) kể về “cú sốc” đầu tiên tại kênh Hy Vọng với thời gian dọn rác hơn 12 tiếng.
“Lần đó con kênh rất đen và hôi, mặc dù đã đeo 2 khẩu trang nhưng mình vẫn buồn nôn. Tuy nhiên, qua thời gian, tiếp xúc hoài, những khó khăn như ngày đầu không còn nữa. Nhiều người hỏi tại sao nhóm không đi quét đường, dọn rác ở trên bờ cho đơn giản. Nếu chúng mình không xuống thì ai làm, ai tình nguyện xuống dọn rác”, Ngọc Hà nói.
Điều khiến các bạn trăn trở nhất là tình trạng tái ô nhiễm của những dòng kênh sau khi đã dọn dẹp. Con kênh Hy Vọng, lần dọn dẹp huy động gần 100 bạn tình nguyện viên để xử lý hơn 15 tấn rác, nhưng sau đó không lâu nhóm phải ghé lại để dọn thêm một lần nữa vì kênh nhanh chóng bị ô nhiễm.
"Đã làm thì phải làm cho sạch, nếu dọn chỉ để "làm màu" sẽ mất lòng tin của mọi người, của chính quyền địa phương. Vì thế, sau khi dọn sạch, nếu rác thải lại xuất hiện thì nhóm quay trở lại dọn tiếp", Ngọc Hà tâm sự.