Vì sao chuỗi cửa hàng cầm đồ hút vốn ngoại?
Kinh doanh - Ngày đăng : 11:30, 09/03/2023
Công ty cổ phần Kinh doanh F88 đang là doanh nghiệp tâm điểm trên truyền thông sau khi bị Bộ Công An khám xét khẩn cấp trụ sở chính và các chi nhánh để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Đây là công ty đình đám trong lĩnh vực dịch vụ tài chính khi "lớn nhanh như thổi" trong vài năm qua, trở thành chuỗi cầm đồ lớn nhất cả nước. Sự phát triển của doanh nghiệp gắn liền với khả năng huy động vốn dồi dào từ tổ chức nước ngoài cũng như trái chủ trong nước.
Suất sinh lời cao
Đầu năm 2018, F88 bắt đầu đón vốn ngoại khi quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) thông báo hoàn thành một gói đầu tư. Đến tháng 6/2018, quỹ Granite Oak đến từ châu Âu cũng rót vốn vào chuỗi cầm đồ này nhưng không tiết lộ giá trị đầu tư.
Vào ngày 2/3 vừa qua, công ty dịch vụ tài chính này thông báo nhận được khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C từ quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).
Đây là lần đầu tiên VOI đầu tư vào một công ty kinh doanh lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam với giá trị 30 triệu USD (mức cao nhất quỹ này rót cho một thương vụ). Trong khi Mekong Capital đã lần thứ 3 đầu tư vào F88.
Mô hình sinh lời cao, rủi ro thấp của F88 thu hút được nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: F88. |
Công ty còn huy động nguồn lực khổng lồ từ quốc tế với khoản vay 70 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited và Lendable Group. Đây là khoản tín dụng đầu tiên của Lendable tại thị trường Việt Nam.
Với thị trường trong nước, F88 đã thực hiện 32 đợt phát hành đã thực hiện từ năm 2019 đến nay, với lãi suất dao động 9-13%/năm. Hiện công ty vẫn còn 8 lô trái phiếu còn hiệu lực với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
Chỉ trong hơn 5 năm gần nhất, chuỗi cầm đồ hàng đầu cả nước đã huy động được dòng tiền khổng lồ hàng trăm triệu USD từ nhà đầu tư quốc tế và hàng nghìn tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.
Dòng tiền hậu thuẫn cho doanh nghiệp là có cơ sở khi hoạt động kinh doanh và chỉ số tài chính tốt hơn nhiều so với các công ty tài chính. Báo cáo tóm tắt cho thấy F88 lãi gần 17 tỷ đồng năm 2019 và tăng vọt lên 45 tỷ đồng năm 2020.
Theo một báo cáo xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings, mức đòn bẩy tài chính của F88 đo lường bằng tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu khoảng 3,5 lần tại thời điểm giữa năm 2021, cao hơn năm 2020 do tốc độ tăng trưởng nhanh của quy mô hoạt động cho vay.
FiinRatings đánh giá tỷ lệ đòn bẩy tài chính của F88 sẽ tiếp tục được duy trì dưới mức 4 trong trung hạn, đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính cũng như các cam kết đối với các chủ nợ nước ngoài (dưới 5 lần).
Nhưng đến 31/3/2022, tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu đã tăng lên mức 3,95 lần. Công ty có thể sử dụng nguồn vốn từ tài trợ ngoại bảng của CIMB với hạn mức tín dụng lớn, nguồn vốn cổ phần phát hành mới năm 2022 và lợi nhuận giữ lại để giữ được đòn bẩy tài chính ở mức phù hợp.
F88 còn chuyển biến mạnh mẽ về khả năng sinh lời và chất lượng thu nhập. Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2021 là khoảng 18% so với mức 13% năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, khả năng sinh lời vẫn duy trì ở mức cao bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và việc mở rộng quy mô. Tỷ suất ROE ở mức 11,1%, cao hơn nhiều so với mức trung vị của các công ty tài chính ở mức 6,7%.
Chất lượng tài sản của F88 cũng được duy trì ở mức tốt. Tỷ lệ nợ xấu được công bố ở mức 1,2% cuối năm 2021, so với các công ty tài chính khác đến 9%. Tổng chi phí trích lập dự phòng sử dụng cho xóa sổ các khoản nợ xấu chỉ khoảng 8-9%/ năm, thấp hơn nhiều so với các công ty cho vay tiêu dùng khác đến 20-25%/năm.
Về cơ cấu tài chính, F88 đang hướng tới một cơ cấu tài trợ dài hạn và ổn định hơn. Tính đến tháng 3 năm 2022, nợ dài hạn chiếm 37% tổng nợ vay (cuối tháng 6 năm 2021: 28%). Bên cạnh đó, F88 có thể sử dụng vốn từ CIMB qua chương trình hợp tác với ngân hàng cho các hoạt động cho vay.
Nở rộ cửa hàng tài chính
F88 chỉ là cái tên tiêu biểu cho ngành kinh doanh mới nổi ở Việt Nam, đưa dịch vụ cầm đồ từ bóng tối bước ra ngành dịch vụ tỷ đô. Nhiều cái tên khác cũng đang xây dựng được quy mô lớn, theo hướng các cửa hàng tài chính tiện lợi.
Một nghiên cứu bởi Business Times từng cho thấy khoảng 47 triệu người Việt chưa có tài khoản ngân hàng và chưa từng tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng. Nếu mỗi người có nhu cầu vay 10 triệu đồng, quy mô của các thị trường này có thể đạt hơn 23 tỷ USD.
Thị trường này được xem là còn khá phân mảnh và chưa có thương hiệu nào đủ sức chi phối. Mekong Capital từng nhận xét thị trường Việt Nam được thống trị bởi các tiệm cầm đồ truyền thống với 30.000 cửa hàng, chứng tỏ tiềm năng rất lớn để đầu tư.
Nhiều chuỗi cầm đồ hiện đại đang phát triển nhanh tại Việt Nam. Ảnh: NBV |
Thực tế trong vài năm trở lại đây, ngành dịch vụ cầm đồ trở thành tâm điểm với sự tham gia tích cực và mở rộng thị trường của nhiều tên tuổi lớn, mà hầu hết đều có bóng dáng của nhà đầu tư ngoại tham gia góp vốn.
Chẳng hạn, chuỗi cầm đồ Vietmoney cũng từng hút được vốn ngoại khi hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures. Nhóm cổ đông này nắm giữ 30% cổ phần và có chân trong Hội đồng quản trị.
Probus Group đáng nói cũng là cổ đông lớn của chuỗi cầm đồ Srisawad (Thái Lan). Srisawad Việt Nam từng có ý định mua lại công ty cho thuê tài chính I của Agribank và đang có 90 chi nhánh cho vay tại Việt Nam; tập trung nhiều vào cầm cố xe máy, ôtô và cho vay thế chấp.
Còn Vietmoney đã mở được 35 cửa hàng ở miền Nam tính đến đầu năm 2022 và đặt kế hoạch mở mới lên 100 địa điểm. Công ty này nhận cầm cố hầu hết loại tài sản, cho ra mắt cả cửa hàng thanh lý đồ công nghệ hay ứng dụng cầm đồ online đầu tiên tại Việt Nam.
Hay quỹ đầu tư John Galt Ventures (Mỹ) rót vốn vào trang điện tử Camdonhanh.vn với tham vọng đưa hình thức cầm đồ trực tuyến trở thành một hình thức cho vay cầm cố tiện lợi, cạnh tranh trực tiếp với các công ty tài chính cũng như các cơ sở cầm đồ truyền thống.
Chuỗi cửa hàng của T99 Group mới ra mắt năm 2021 nhưng cũng "lớn nhanh như thổi" với hơn 100 phòng giao dịch trên 15 tỉnh thành, mỗi tháng phục vụ hơn 18.000/lượt khách hàng và tiếp nhận gần 30.000 hồ sơ tín dụng có nhu cầu cho vay - cầm cố tài sản.
T99 cũng được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi vốn ngoại khi các nhiều cổ đông nước ngoài. Thành viên lãnh đạo nổi bật có ông Bang Min Kyu, Tổng giám đốc UST Vina và ông Simon Chadwick Jinks, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mỹ Việt.
Hướng đến phân khúc cao cấp, chuỗi cửa hàng Người Bạn Vàng cũng đang phát triển nhanh với quy mô 69 chi nhánh trên toàn quốc. Chuỗi cửa hàng được rót vốn bởi cổ đông chiến lược PNJ chuyên cầm cố trang sức, kim cương hay đồng hồ, túi xách hàng hiệu...