Mỏi mòn chờ bồi thường oan sai sau 40 năm mang thân phận bị can
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:52, 09/03/2023
Tháng 8/2022, TAND cấp cao tại TPHCM tuyên buộc VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường cho ông (62 tuổi, ngụ Bình Dương) 2,6 tỷ đồng (bản án đã có hiệu lực).
Sau nhiều tháng đi "gõ cửa" yêu cầu thi hành phán quyết trên, ông Dũng vẫn chưa nhận được tiền bồi thường oan sai.
Ông Dũng là nạn nhân cuối cùng trong kỳ án Dân trí từng phản ánh chưa nhận được bồi thường.
Ông Dũng cho biết, đầu tháng 10/2022, ông liên hệ với VKSND tỉnh Tây Ninh để yêu cầu bồi thường theo bản án nhưng cơ quan này không tiếp nhận đơn, yêu cầu liên hệ cơ quan thi hành án để giải quyết theo trình tự, thủ tục. Ông gửi đơn đến Cục thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương, đã được cơ quan này tiếp nhận.
Ngày 14/10/2022, Cục thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương ban hành quyết định thi hành án. Ngày 17/2 vừa qua, quyết định trên "bất ngờ" bị thu hồi.
Cho rằng thu hồi quyết định thi hành án là trái luật nên ông Dũng có đơn khiếu nại. Trong đơn, nạn nhân từng mang thân phận bị can suốt 40 năm cho rằng suốt 4 tháng, kể từ ngày ban hành quyết định thi hành án nhưng Cục thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương không thi hành rồi thu hồi nhằm né tránh trách nhiệm.
"Tôi là nông dân, không hiểu biết pháp luật, chỉ biết chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết. Phải mất hơn 40 năm tôi mới được minh oan, giờ lại phải chờ đợi để được bồi thường mà chưa biết đến bao giờ mới nhận được tiền", ông Dũng nói và bày tỏ mong muốn được giải quyết sớm để có tiền chữa bệnh và trang trải cuộc sống.
Ông Dũng đã nhờ luật sư, người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho ông trong thời gian qua, liên hệ với các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết.
Theo nội dung vụ án, tối 26/7/1979, nhà máy xay lúa ở xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) xảy ra vụ cướp. Sau đó, công an bắt giữ một người tình nghi. Từ lời khai của người này, ông Nguyễn Văn Dũng cùng cha, mẹ, chị gái và 4 người khác lần lượt bị bắt.
Bị tạm giam 4 năm, cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Dũng và 7 người còn lại nên trả tự do. Quyết định đình chỉ điều tra các bị can được ban hành nhưng ông Dũng và những người liên quan không nhận được.
Sau nhiều năm "gõ cửa" cơ quan chức năng kêu cứu, tháng 4/2019, ông Dũng và những người liên quan mới nhận được quyết định đình chỉ bị can và giải oan.
VKSND tỉnh Tây Ninh lý giải rằng, các quyết định này đã bị "bỏ quên", sau đó mới tìm thấy. Cuối năm 2019, VKSND tổ chức xin lỗi công khai nhưng cha của ông Dũng đã qua đời trước khi được minh oan.
Trong vụ án, có 7 người (nhiều người đã qua đời) đồng ý nhận bồi thường thiệt hại, riêng ông Dũng không đồng ý mức bồi thường thời điểm đó. Do việc thương lượng không thành nên ông khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương.
Nguyên đơn yêu cầu cơ quan gây oan sai phải bồi thường gần 11 tỷ đồng, gồm thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, chi phí kêu oan, mất thu nhập...
Tại tòa sơ thẩm, ông Dũng thay đổi yêu cầu bồi thường gần 11 tỷ đồng xuống 3,6 tỷ đồng nhưng HĐXX chỉ chấp nhận hơn 1 tỷ đồng.
Không đồng ý phán quyết trên, ông Dũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và được TAND cấp cao tại TPHCM chấp nhận một phần kháng cáo, tăng số tiền bồi thường lên 2,6 tỷ đồng.