Tắm sao cho đúng để phòng ngừa đột quỵ?

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:02, 09/03/2023

Các bác sĩ cho biết việc tắm quá muộn, tắm quá lâu, nước tắm quá nóng hoặc quá lạnh... có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc như liệt mặt, chóng mặt, đột quỵ, ngưng tim… lúc nửa đêm.
thay-dau-hieu-nay-truoc-khi-tam-nen-dung-ngay-keo-chet-luc-nao-khong-biet-tam-15876044623891683508124-1597944447-790-width600height375.jpeg
Tắm không đúng cách dễ gây đột quỵ - Ảnh: Internet

Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hương - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 - cho biết nhiệt độ sáng sớm hoặc ban đêm thường hạ thấp, nếu tắm gội vào những lúc này thì cơ thể chúng ta sẽ tự điều chỉnh bằng cách co mạch hoặc giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt.

Khi mạch máu bị co lại đột ngột sẽ dễ gây ra đột quỵ do nhồi máu não hoặc mạch vành co thắt đột ngột có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp, nhất là trên những người có tiền sử bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh lý tim mạch khác...

Dựa vào cơ chế gây nên bệnh đột quỵ kể trên chúng ta có thể thấy việc gội đầu (tắm) sớm hoặc khuya đều tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe.

Theo khuyến cáo, để phòng tránh những rủi ro nêu trên, chúng ta nên tạo thói quen tắm sớm, nhất là những ngày nắng nóng cơ thể dễ mệt mỏi, giảm sức đề kháng.

Thời điểm tốt nhất để tắm gội nên vào buổi sáng hoặc buổi tối trước 20 giờ (đối với những người đã có tiền sử đột quỵ hoặc đau thắt ngực do co thắt mạch vành nên tắm gội sau 9 giờ sáng và trước 16 giờ chiều, khi trời còn nắng ấm).

Tuyệt đối không tắm gội sau 23 giờ khuya, từ 19 giờ trở đi nếu có gội đầu nên gội bằng nước ấm và sấy tóc thật khô trước khi đi ngủ.

Khi tắm tránh dội nước lên người hoặc trên đầu xuống một cách đột ngột vì sẽ khiến cơ thể bị hạ nhiệt đột ngột dễ gây nguy cơ đột quỵ.

Còn bác sĩ Mai Đức Thảo - khoa thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội - cho hay việc tắm quá muộn, tắm quá lâu, nước tắm quá nóng hoặc quá lạnh... có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc như liệt mặt, chóng mặt, đột quỵ, ngưng tim… lúc nửa đêm.

Dưới đây là một số nguyên tắc để tắm phòng ngừa đột quỵ:

1. Nên tắm trước 21h

Bất kể là mùa đông hay mùa hè thì cũng không nên tắm sau 21h để phòng ngừa một số ảnh hưởng xấu cho sức khỏe bất kỳ ở lứa tuổi nào.

Bởi buổi tối nhiệt độ thường xuống thấp hơn, người trẻ thường chủ quan tắm muộn sau thời gian này có thể khiến mạch máu bị co lại.

Điều này có thể dẫn tới một số ảnh hưởng như làm cản trở lưu thông máu, làm máu bị cô đặc hơn bình thường nên có thể gây ra một số ảnh hưởng như: khả năng nhiễm cảm lạnh, đau đầu, đột quỵ…

2. Chỉ nên tắm 1 lần trong ngày

Nhiều người nghĩ rằng việc tắm nhiều lần là cách để làm sạch da và bảo vệ sức khỏe tốt hơn nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

Để tốt hơn cho sức khỏe thì các bạn nên tắm mỗi ngày và tắm 1 lần/ngày. Tắm rửa mỗi ngày giúp các bạn có thể làm giảm căng thẳng, mệt mỏi, đào thải độc tố trong cơ thể được tốt hơn.

Đối với những người huyết áp cao thì việc tắm mỗi ngày còn có thể giúp các bạn ổn định huyết áp. Tuy nhiên, đừng vì những điều này mà các bạn tắm quá nhiều lần trong ngày, bởi nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.

3. Không nên tắm quá lâu

Thời gian lý tưởng cho việc làm sạch cơ thể mỗi ngày là khoảng 10 phút.

Bởi nếu tắm quá lâu có thể làm ảnh hưởng đến độ pH tự nhiên trên da, gây ra một số bệnh về da. Thậm chí, có thể gây ra tình trạng cảm cúm, nhiễm lạnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc.

luu-y-song-con-khi-t.jpeg
Thời gian tắm không nên quá 10 phút để đảm bảo sức khỏe - Ảnh: Internet

4. Không dùng nước tắm quá nóng

Tắm nước quá nóng không phải là cách tắm đúng để bảo vệ sức khỏe.

Bởi tắm nước quá nóng làm ảnh hưởng đến da, đặc biệt là làm da khô đi, mất độ ẩm tự nhiên và xấu dần, đẩy nhanh tiến trình lão hóa da.

5. Nên tắm đúng trình tự, tránh đột ngột

Để tắm đúng trình tự thì các bạn cần thực hiện luân phiên các bước như sau:

Đầu tiên là rửa mặt, rồi sau đó tắm xuống toàn thân từ trên xuống và cuối cùng là gội đầu.

Thực hiện đúng những bước này giúp bạn làm cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể được tốt hơn, thúc đẩy tuần hoàn máu và làm giãn nở lỗ chân lông.

6. Không dùng dung dịch tắm nhiều bọt, không nên kì cọ mạnh

Khi dùng các loại bông tắm có nhiều bọt trong thời gian dài cùng với việc kì cọ mạnh sẽ làm mất đi lớp dầu và lớp biểu bì tự nhiên giúp bảo vệ da.

Hệ quả của tình trạng này có thể làm cho da dễ bị khô, mẩn ngứa tạo điều kiện cho các loại nấm, vi khuẩn gây hại tấn công vào sâu bên trong da hình thành bệnh lý về da.

7. Không nên tắm, gội ngay sau khi ăn

Đây là điều cấm kỵ mà các bạn không nên làm để bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Bởi sau khi ăn dạ dày và ruột hoạt động rất mạnh, lượng máu được tập trung ở những cơ quan này sẽ nhiều nhất.

Chính vì thế tắm sau khi ăn no có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm hạ đường huyết và dễ ngất xỉu.

8. Dùng kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm

Không phải khi thấy da khô chúng ta mới dùng kem dưỡng ẩm, mà hãy dùng kem dưỡng ẩm sau khi tắm xong là cách tốt nhất.

Bởi đây là lúc lỗ chân lông mở rộng nhất có thể hấp thụ được dưỡng chất tốt hơn, vì thế làn da của bạn sẽ đẹp hơn khi dùng kem dưỡng ẩm vào thời điểm khác.

ANH ĐÀO