Điểm tin kinh doanh 9/3: Giảm mạnh, giá vàng trong nước thấp nhất 5 tháng qua

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 09/03/2023

Giảm mạnh, giá vàng trong nước thấp nhất 5 tháng qua; Sau thông tin Thế Giới Di Động tạm ngưng hợp tác F88, cổ phiếu đỏ lửa

- Giảm mạnh, giá vàng trong nước thấp nhất 5 tháng qua

Giá vàng SJC hôm 8/3 giảm thêm 200.000 đồng/lượng, về mức thấp nhất 5 tháng qua là 65,8 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, lúc 15h ngày 8/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá mua vào đối với vàng miếng SJC là 65,8 triệu đồng/lượng, giá bán ra là 66,5 triệu đồng/lượng; giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán so với chiều qua.

Sau phiên giảm mạnh này, giá vàng trong nước đã chạm đáy 5 tháng qua (kể từ tháng 10 năm ngoái). Nếu so với cách đây một tháng, giá vàng miếng SJC đã giảm gần 1 triệu đồng một lượng.

Giá vàng tại các thương hiệu lớn như PNJ, DOJI chiều 8/3 cũng chung xu hướng đi xuống, về 65,8 – 66,5 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Với nhẫn tròn trơn - vốn là mặt hàng được nhiều người quan tâm - giá còn điều chỉnh mạnh hơn. Tại PNJ, giá mua bán vàng nhẫn giảm 350.000 đồng cả hai chiều, xuống 53,1 - 54,1 triệu đồng. So với đầu tháng 2, mỗi lượng vàng nhẫn đã giảm 1,5-1,7 triệu đồng một lượng.

Giá vàng trong nước điều chỉnh theo diễn biến thế giới, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát đi thông điệp "diều hâu". Jerome Powell cho biết Fed có khả năng tăng lãi suất cao hơn dự kiến và sẵn sàng đẩy nhanh tốc độ.

Lúc 15h hôm 8/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.813 USD/ounce, giảm 33 USD/ounce (tương đương mức giảm gần 800.000 đồng/lượng) so với chiều qua.

- Sau thông tin Thế Giới Di Động tạm ngưng hợp tác F88, cổ phiếu đỏ lửa

Trong phiên giao dịch chứng khoán sáng 8/3, thị trường chứng kiến xu hướng giằng co kéo dài phần lớn thời gian. Riêng các mã cổ phiếu ngành bán lẻ nhuốm sắc đỏ, nguyên nhân được cho là ảnh hưởng bởi thông tin liên quan Thế Giới Di Động và F88.

Ngay từ đầu phiên 8/3, nhiều nhà đầu tư mua - bán cổ phiếu với giá thấp khiến các chỉ số trên toàn thị trường giảm điểm. Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index trên sàn HoSE giảm 3 điểm, còn 1.034 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 237 mã giảm và 77 mã đứng giá; khối lượng giao dịch đạt mức thấp - 191 triệu cổ phiếu. Chỉ số HNX-Index trên sàn HNX giảm 0,9 điểm, còn 206 điểm. Sàn UpCom giảm 0,1 điểm xuống 76,03 điểm.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ giảm điểm 1,3%. Riêng giá MWG (cổ phiếu Thế Giới Di Động) lúc 11 giờ 30 phút đỏ lửa khi giảm 1,8%, từ 39.700 đồng/cổ phiếu xuống còn 38.950 đồng/cổ phiếu.

Một số nhân viên môi giới chứng khoán cho rằng sau khi Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (chủ hệ thống Thegioididong.com và Điện máy Xanh) thông báo tạm ngưng hợp tác làm trung gian kết nối giữa Công ty CP Kinh doanh F88 và người vay tiền, nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo lắng và giảm nắm giữ cổ phiếu MWG.

- Việt Nam ‘bắt tay’ Nhật Bản làm tổ hợp chế biến thịt bò 500 triệu USD

Ngày 8/3, Tổ hợp chăn nuôi và Chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo với tổng quy mô đầu tư 3.000 tỷ đồng do Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) hợp tác cùng Tập đoàn đa ngành Sojitz (Nhật Bản) chính thức được khởi công tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đây là dự án đầu tiên trong kế hoạch đầu tư, hợp tác giữa các tập đoàn hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao - chăn nuôi và chế biến bò thịt với tổng giá trị lên đến 500 triệu USD.

Dự án tổ hợp Vinabeef Tam Đảo được triển khai trên tổng diện tích 75,6 ha tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tổ hợp gồm 2 phân khu chính là trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10.000 con và Nhà máy chế biến thịt bò mát với công suất 30.000 con/năm (10.000 tấn sản phẩm/năm). Quy mô hợp tác về vốn đầu tư giữa Vinamilk - thông qua công ty thành viên là Vilico, với tập đoàn Sojitz xấp xỉ 3.000 tỷ đồng trong giai đoạn 1, trong đó tổng mức đầu tư xây dựng cho cụm trang trại, nhà máy tại Tam Đảo là 1.670 tỷ đồng. Dự án dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024 với sản phẩm thịt bò mát được chế biến theo công nghệ Nhật Bản mang thương hiệu Vinabeef.

- Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Quảng Tây vẫn là thị trường trọng điểm

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc, đối với hàng nông sản, một số mặt hàng thế mạnh, có truyền thống được Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là: gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt điều. Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu mạnh rau quả, phân bón các loại và gỗ.

Đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò tỉnh Quảng Ninh với Quảng Tây trong quan hệ thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết Quảng Tây là thị trường trọng điểm cho xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam, chiếm gần 50% trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc.

Đây là khu vực có lượng hàng hóa nhập khẩu lớn, chiếm tới 47,5% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc. Về xuất khẩu qua Quảng Ninh sang Quảng Tây Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa, chiếm 15,4% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

- Nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Theo Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner, thế giới đang đối mặt hàng loạt khủng hoảng do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá lương thực và nhiên liệu tăng. Trong khi đó, lạm phát cũng đẩy chi phí lãi suất cho vay lên cao khiến các quốc gia phải vật lộn để theo kịp các khoản thanh toán nợ.

Đây là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia đang nỗ lực ổn định khả năng tài chính sau đại dịch Covid-19 và làm chậm lại lộ trình hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững cũng như các hành động chống biến đổi khí hậu. Do đó, UNDP kêu gọi cộng đồng quốc tế xóa 30% nợ nước ngoài phát sinh trong năm 2021 cho 52 nước đang đối mặt với khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, hiện các khoản nợ song phương chính thức mà những nước nghèo nhất thế giới phải trả đã tăng 35% so với năm 2021. Như vậy, các chính phủ sẽ phải trả thêm 1.100 tỷ USD cho tổng nợ toàn cầu vào năm 2023. Số tiền này cao gấp hơn 4 lần khoản đầu tư ước tính hằng năm là 250 tỷ USD cho việc thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu một nền kinh tế đang phát triển đi vay với lãi suất 12 - 14% và dành hơn 20% thu nhập mỗi năm chỉ để trả nợ thì cơ hội đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển hầu như bị đóng băng.

Việt Báo (Tổng hợp)