Các chuỗi bán lẻ công nghệ 'loay hoay' tìm cách sinh tồn

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 16:32, 08/03/2023

Trong bối cảnh thị trường công nghệ ảm đạm, các doanh nghiệp bán lẻ ngành này đang phải đưa ra những giải pháp như giảm giá sâu, thắt chặt chi phí vận hành.
thi truong am dam anh 1

Đại diện các chuỗi bán lẻ cho biết thị trường công nghệ đang chứng kiến mức suy giảm được đánh giá là "thảm họa" bởi việc người dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm.

"Thông thường doanh số các sản phẩm công nghệ bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi bước vào cuối hoặc giữa tháng 3, sau đó duy trì nhịp độ giảm đều trong quý II. Xu hướng này sẽ kéo dài đến hết quý III khi một số mẫu flagship ra mắt vào dịp cuối năm", đại diện một chuỗi bán lẻ có thị phần lớn nhận định.

Cắt lỗ, kích cầu thị trường

Nhằm kích cầu thị trường và tăng doanh thu, các chuỗi bán lẻ đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại ngay trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm 2022 và dịp Tết Âm lịch 2023. Tới hiện tại, các chuỗi vẫn đang tiếp tục triển khai thêm nhiều chương trình khuyến mại mới. Nhiều sản phẩm đã giảm 30-50% so với giá niêm yết lúc mở bán.

Theo một chuyên gia trong ngành hàng bán lẻ công nghệ, iPhone là mẫu máy đóng góp 25-30% doanh số trên thị trường smartphone, tại một số chuỗi bán lẻ, con số này có thể 50-90%. Các mẫu iPhone luôn đứng đầu cả về doanh số lẫn doanh thu tại thị trường Việt Nam.

thi truong am dam anh 2
Các chuỗi bán lẻ đang có nhiều chương trình giảm giá đối với dòng smartphone để kích cầu thị trường. Ảnh: DĐV.

Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2022 các nhà bán lẻ liên tục gặp bất lợi khi nguồn hàng iPhone 14 hạn chế ngay thời điểm ra mắt, nhu cầu trên thị trường lớn. Việc này đã khiến các chuỗi buộc phải nhập iPhone 14 theo dạng "bia kèm lạc" với giá cao để đảm bảo số với Apple và có máy trả hàng cho người dùng.

Sau Tết Âm lịch, nguồn hàng đã trở nên ổn định nhưng nhu cầu trên thị trường không cao đã khiến các chuỗi phải giảm giá, cắt lỗ để thu hồi vốn.

Vị này nhận định tuy giá smartphone đã hạ nhiệt nhưng mức thu nhập, chi tiêu khách hàng cũng giảm nhiều khiến doanh số nhóm sản phẩm này không được như kỳ vọng. Xu hướng này diễn ra không chỉ với nhóm máy tầm thấp, trung mà còn cả với cả nhóm máy cao cấp.

Hiện doanh thu nhiều ngành hàng công nghệ sụt giảm còn 60% so với các tháng cuối năm. Thậm chí, doanh thu một số chuỗi bán lẻ còn giảm xuống dưới điểm hoà vốn.

"Các chuỗi bán lẻ đang bán hàng với mức lợi nhuận âm do áp lực thu hồi vốn. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh giá thành trên thị trường khiến cho một số chuỗi chịu mức lỗ lớn hơn cả những tháng đóng cửa do dịch Covid-19", vị này tiết lộ.

Ngoài ra theo nguồn tin của Zing, một số chuỗi bán lẻ lớn đã ghi nhận doanh thu lỗ trong cả 2 tháng đầu năm. Dự kiến tình hình kinh doanh ảm đảm của thị trường sẽ tiếp tục kéo dài tới hết quý III.

Đại diện một chuỗi bán lẻ có thị phần đáng kể trên thị trường cho biết không riêng các chuỗi bán lẻ, các hãng smartphone mà cả các nhà phân phối đều đang gặp vấn đề về chi phí, dòng tiền. Ngoài ra, các chuỗi bán lẻ đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi doanh số thị trường sẽ không có dấu hiệu khởi sắc cho tới hết quý II và phải đưa ra các chương trình khuyến mại, cắt lỗ để kích cầu thị trường.

"Việc này vô hình trung làm tăng chi phí và không thể đảm bảo lợi nhuận. Các nhà bán lẻ đang phải chấp nhận mức lỗ 10-15% cho nhiều mẫu điện thoại", người này chia sẻ thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện truyền thông Viettel Store, cũng nhận định tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dùng đang tác động trực tiếp đến toàn ngành bán lẻ di động. Nhìn chung, nhu cầu mua sắm có thay đổi ở từng phân khúc giá, một phần nguyên nhân vì dịp mua sắm cuối năm (âm lịch) rơi vào tháng 1.2023.

"Hậu Covid-19, người tiêu dùng sẽ cân nhắc kỹ hơn trước kia mua một sản phẩm công nghệ. Nhìn chung, hiện tại có thể thấy nhu cầu thắt chặt chi tiêu của khách hàng rõ rệt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên đối với tập khách hàng có kinh tế ổn định, nhóm sản phẩm flagship vẫn được ưa chuộng", ông Khuê nhận định.

Số liệu tổng hợp mới nhất về thị trường smartphone toàn cầu quý IV/2022 của International Data Corporation (IDC) chỉ ra đây là giai đoạn "mang tính thảm hoạ". Tổng doanh số smartphone bán ra thị trường 3 tháng cuối năm 2022 giảm 18,3% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức sụt giảm lớn nhất trong một quý kể từ năm 2013.

Đối sách của các chuỗi bán lẻ

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra vào đầu tháng 1 vừa qua, các lãnh đạo công ty CP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) chia sẻ chiến lược để giúp đơn vị này quay lại đà tăng trưởng sau năm 2022.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, nhận định tình hình kinh tế vĩ mô được nhiều chuyên gia đánh giá là không quá tươi sáng nhưng việc doanh nghiệp này lỗ trong quý đầu năm là rất khó xảy ra.

Tuy nhiên, ông Tài cũng cho rằng 2023 khó có thể là một năm khởi sắc. Vị này cho hay nhanh nhất là tới quý III thị trường bán lẻ tại Việt Nam mới có thể xuất hiện những dấu hiệu tích cực, muộn hơn có thể đến quý IV.

thi truong am dam anh 3
Các doanh nghiệp bán lẻ đang phải thắt chặt chi tiêu. Ảnh: CPS.

"Những đồ giá trị cao sẽ bớt được ưa chuộng hơn. Ở thời gian trước, điện thoại mới ra là người dân sẽ thi nhau đổi. Ngoài ra, những loại TV 75 inch hay 90 inch cũng rất nhiều người mua. Tuy nhiên bây giờ họ sẽ cân đo đong đếm rất nhiều vì đồ ở nhà vẫn còn dùng tốt", ông Tài nói.

Cũng theo vị này đây không chỉ là vấn đề tiền trong túi mà người tiêu dùng cũng cảm nhận được không còn có thể kiếm tiền dễ như trước. Khác với những ngành hàng thiết yếu, nhóm sản phẩm công nghệ sẽ gặp nhiều vấn đề trong việc tìm kiếm nguồn cầu.

Với những khó khăn đã nêu trên, việc đóng/mở cửa hàng sẽ đi theo chiến lược mới. Người đứng đầu MWG lấy ví dụ nếu một cửa hàng trong hệ thống cần công ty phải bù lỗ sẽ được xem xét. Trong trường hợp cửa hàng gặp vấn đề ngắn hạn, có thể có lời trở lại trong tương lai sẽ duy trì, nếu không sẽ rời sang địa điểm khác.

Để đối phó với tình hiện hiện tại, CellphoneS cũng đã tạm dừng việc mở rộng các cửa hàng. Dự kiến 2 quý đầu năm, chuỗi sẽ không mở thêm cửa hàng và sẽ duy trì số lượng cửa hàng hiện có.

Bên cạnh đó, các biện pháp cắt giảm chi phí được ưu tiên hàng đầu cho sự tồn tại của hệ thống tương tự như giai đoạn giãn cách xã hội khi dịch Covid -19 bùng nổ vào quý II-III/2021.

Doanh nghiệp đã dừng việc tuyển mới nhân sự, cắt giảm giờ công đối với người lao động tại các cửa hàng có doanh số yếu và các khung giờ vắng khách. Ngoài ra các khoản chi phí điện nước, văn phòng phẩm sẽ được tiết kiệm một cách tối đa để giảm các chi phí.

Dự kiến, CellphoneS sẽ làm việc với các chủ mặt bằng để có sự hỗ trợ về chi phí cho thuê trong thời gian thị trường sụt giảm nghiêm trọng như hiện nay.

Bên cạnh đó, chuỗi bán lẻ này cũng đang làm việc với hãng, nhà phân phối và các đối tác để có những sự hỗ trợ qua lại, cùng nhau phối hợp đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi bán hàng nhằm giảm lượng thiết bị tồn kho trong hệ thống cũng như trên thị trường, chia sẻ chi phí để có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong khoảng thời gian tới.

"Lãi suất tăng cao, hàng tồn kho nhiều dẫn đến việc doanh nghiệp bị thiếu hụt về dòng tiền. Vì vậy, chuỗi đang phải triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá sâu 30-40%, tặng thêm dịch vụ bảo hành, trợ giá dịch vụ thu cũ đổi mới nhằm thu hút khách hàng. Mục đích duy nhất là để giảm bớt tồn kho, thu hồi dòng tiền sớm", ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, chia sẻ.