Giải pháp nào cho vấn nạn câu view, quảng cáo xấu, độc
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 15:26, 08/03/2023
Câu view bất chấp: cần quyết liệt xử lý
Cuối năm 2020 2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về việc xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền. Văn bản nêu rõ: "Trên mạng xã hội tràn lan những video có nội dung nhảm nhí, giật gân, nhằm mục đích lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền. Đáng ngại là những video nhảm nhí này đã thu hút hàng triệu người, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách của trẻ em, phần nào kéo văn hóa nghe - xem của xã hội đi xuống. Thế nhưng vì nhiều lý do, những nội dung này vẫn xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát". Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý vấn đề trên.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây nhiều người đã tự dàn dựng, quay các video clip sau đó đăng tải lên kênh YouTube hay mạng xã hội Facbook cá nhân của mình nhằm mục đích câu view (thu hút người xem), câu like (tăng số lượng người tương tác trên tài khoản mạng xã hội). Qua đó, kiếm tiền, thậm chí nhiều tiền thông qua việc quảng cáo. Đáng nói, rất nhiều video phản cảm, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam hoặc tuyên truyền những thói hư, tật xấu đối với giới trẻ, kể cả trẻ em.
Theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện việc cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc… bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, YouTube, Facebook gỡ bỏ một số nội dung phản cảm, xấu độc trên nền tảng ứng dụng của mình. Kết quả, đã có rất nhiều video bị gỡ bỏ.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, các cơ quan chức năng cần có chế độ kiểm duyệt chặt chẽ hơn đối với các trang mạng xã hội. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của cả xã hội vì nếu các trang mạng xã hội xấu độc này bị người dùng "tẩy chay" thì sẽ không còn "đất sống", đặc biệt với trách nhiệm xã hội của mỗi nhà báo, cần tuyên truyền, viết bài, thể hiện quan điểm lên án, phê phán thẳng thắn đối với hiện tượng "xấu xí" trên không gian mạng nói trên.
Chấn chỉnh quảng cáo xuyên biên giới
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát hoạt động quảng cáo do một số mạng lưới quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới cung cấp trên môi trường mạng (báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tin điện tử) như: Google Adsense, MGID, Adchoices...
Kết quả quả rà soát cho thấy, các mạng lưới quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới thực hiện cung cấp quảng cáo trên môi trường mạng theo phương thức phổ biến là dẫn đường link.
Các đường link quảng cáo này dẫn người tiếp nhận quảng cáo đến trang tin điện tử có nội dung vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo như: Quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thần dược, sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, lợi dụng lời nói, hình ảnh được cho là của giáo sư, bác sĩ, tiến sỹ, dược sỹ, bệnh nhân, người nổi tiếng,...Không có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, cấm kinh doanh.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan báo chí có loại hình báo điện tử, tạp chí điện tử có biện pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo do mạng lưới quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới cung cấp. Đồng thời triển khai các biện pháp kỹ thuật kiểm soát, ngăn chặn các quảng cáo vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, thận trọng trong việc lựa chọn mạng lưới quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới để hợp tác nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Khi thực hiện phát hành quảng cáo do các mạng lưới quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới cung cấp, cần tăng cường công tác kiểm soát nội dung, vị trí, ngôn ngữ quảng cáo, nhất là đường link quảng cáo do mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp.
Cần công khai các nhãn hàng, nền tảng quảng cáo trên mạng có sai phạm
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi Nghị định 70 năm 2021 về quản lý quảng cáo xuyên biên giới được ban hành, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý cơ bản vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới như tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn Nghị định; thanh, kiểm tra nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo trong nước có hợp tác doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức làm việc gần 45 doanh nghiệp, nhãn hàng có vi phạm và đã xử phạt 15 doanh nghiệp với 210 triệu đồng; công bố 73 trang trang thông tin điện tử vi phạm quy định pháp luật...
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, quảng cáo trên mạng hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài còn chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ cho cơ quan quản lý; YouTube, Facebook cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.
Các công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo cũng chưa bảo đảm hiệu quả. Cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc bảo đảm an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật. Cơ chế xử lý và khắc phục vi phạm còn chưa triệt để.
Với các nhãn hàng, đại lý quảng cáo thì chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan, trên các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng. Không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm (Black List).
Hậu quả là, trên không gian mạng đang có thực trạng các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, sai sự thật; khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục; giật gân, câu view, vi phạm bản quyền ở rất nhiều video xấu độc trên YouTube, Facebook…