Quân sự thế giới hôm nay (8-3): Mỹ tăng ngân sách quốc phòng

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 13:33, 08/03/2023

Quân sự thế giới hôm nay (8-3) có những thông tin đáng chú ý: Lầu Năm Góc đề xuất tăng ngân sách quốc phòng, tập trung vào mua sắm và nghiên cứu, phát triển vũ khí mớí; Belarus sẽ có học thuyết quân sự mới; Nhật Bản tăng cường sức mạnh cho Lực lượng phòng vệ biển.

* Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tăng ngân sách quốc phòng, tập trung vào mua sắm và nghiên cứu, phát triển vũ khí mới. Bloomberg đưa tin ngày 9-3 Tổng thống Joe Biden sẽ đệ trình lên Quốc hội một đề án ngân sách quốc phòng lớn nhất trong thời bình từ trước đến nay. Đề án ngân sách quốc phòng được đệ trình lần này sẽ có 170 tỷ USD dành cho mua vũ khí và 145 tỷ USD dành cho nghiên cứu và phát triển vũ khí mới. Tổng ngân sách quốc phòng theo đề án này sẽ là 835 tỷ USD, tăng hơn so với mức 816 tỷ USD đã được Quốc hội chuẩn chi cho năm tài khóa hiện tại.

F-35 là một trong những hệ thống vũ khí chính chịu tác động của đề xuất ngân sách quốc phòng mới của Lầu Năm Góc. Ảnh: Không quân Mỹ.

Theo ông Mark Cancian, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng yêu cầu hiện đại hóa vũ khí của Lầu Năm Góc hiện nay cho thấy một “ngân sách vẫn tập trung chủ yếu vào phát triển vũ khí cho các cuộc chiến trong tương lai hơn là mua sắm vũ khí cho các cuộc chiến có thể xảy ra trong ngắn hạn”.

Một trong những hệ thống vũ khí chủ chốt sẽ chịu tác động từ đề xuất ngân sách mới là chiến đấu cơ F-35. Ngân sách mới sẽ dành ra 13,5 tỷ USD để trang bị và tiếp tục phát triển, nâng cấp dòng máy bay chiến đấu này. Theo đó, Lầu Năm Góc sẽ đặt mua thêm 83 F-35, tăng 22 chiếc so với đề xuất trước đây. Số lượng máy bay chiến đấu này sẽ bao gồm các phiên bản cho Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến, trong đó có 48 chiếc cho Không quân.

Như vậy, so với đề xuất trước đây, Lầu Năm Góc tăng thêm 8 tỷ USD dành cho mua sắm và khoảng 5 tỷ USD dành cho nghiên cứu và phát triển vũ khí mới.

* Belarus đang nghiên cứu một học thuyết quân sự mới. Theo TASS, Ủy ban An ninh Belarus đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng nước này trong vòng một tháng phải phát triển một học thuyết quân sự mới nhằm đối phó với “leo thang căng thẳng chính trị toàn cầu”.

Khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Ảnh: Reuters .

TASS không nêu thông tin chi tiết về học thuyết quân sự mới này cũng như những gì học thuyết mới sẽ liên quan mà chỉ cho biết học thuyết quân sự mới sẽ hướng đến thực hiện các biện pháp “bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hiến pháp khỏi các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài”.

Trước đó, vào tháng 2-2022, Tổng thống Belarus Lukashenko đã ra quyết định thành lập lực lượng quân sự tình nguyện gồm 150.000 người.

* Nhật Bản đưa thêm khinh hạm lớp Mogami vào biên chế Lực lượng phòng vệ biển. Military Leak ngày 8-3 đưa tin Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã tổ chức lễ thượng cờ cho khinh hạm JS Mikuma. JS Mikuma được đặt tên theo tàu khu trục hạng nặng Mikura của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai và là khinh hạm lớp Mogami thứ tư được đưa vào biên chế Lực lượng phòng vệ biển.

Khinh hạm tàng hình đa nhiệm lớp Mogami của Nhật Bản có chiều dài 130m, rộng 16m, lượng choán nước tiêu chuẩn 3.900 tấn và lượng choán nước đủ tải 5.500 tấn. Được trang bị động cơ tua-bin khí Rolls-Royce MT30, khinh hạm JS Mikura có thể đạt vận tốc tối đa hơn 30 hải lý/giờ (56km/h). Công nghệ tàng hình của tàu được phát triển dựa trên công nghệ của chiến đấu cơ thế hệ thứ năm thử nghiệm của Nhật Bản Mitsubishi X-2 Shinshin. Ngoài khả năng tàng hình trước các hệ thống radar, khinh hạm lớp Mogami còn được trang bị các hệ thống tự động hóa ở mức tối đa.

Lễ thượng cờ cho khinh hạm JS Mikuma. Ảnh: Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.

Hệ thống vũ khí trên tàu gồm súng pháo Mk 45, 2 ụ súng điều khiển từ xa phía trên đài chỉ huy, hệ thống tên lửa Mk 41 16 ống, 8 tên lửa đối hạm, một hệ thống phòng thủ tên lửa SeaRAM, một trực thăng SH-60L và hệ thống phóng thủy lôi và mồi bẫy. Ngoài ra, tầu có thể triển khai phương tiện dưới nước không người lái (UUV) và phương tiện mặt nước không người lái (USV).

* Trung Quốc tăng tốc nghiên cứu và phát triển máy bay trực thăng quân sự mới. Thông tin này được ông Wu Ximing, người thiết kế mẫu trực thăng tấn công Z-10. Theo ông Wu, “sản phẩm mới đang ở giai đoạn tạo hình và thiết kế và tôi hy vọng có thể tăng tốc quá trình phát triển sản phẩm này”. Ông Wu không tiết lộ thiết kế của sản phẩm mới thuộc loại trực thăng nào. Tuy nhiên, Hoàn cầu thời báo nhấn mạnh vai trò của trực thăng mới trong thúc đẩy hoạt động dân sự của trực thăng quân sự, nghĩa là mẫu trực thăng mới sẽ là “lưỡng dụng”.

Năm 2019, Quân đội Trung Quốc giới thiệu mẫu máy bay trực thăng quân sự mới Z-20 dựa trên trực thăng Sikorsky UH-60 Black Hawk và dự định sẽ thay thế một loạt trực thăng hạng trung đã già cỗi của mình. Tuy nhiên, năm 2022 báo chí Trung Quốc lại cho biết có thể PLA sẽ phát triển một mẫu trực thăng hoàn toàn mới với tính năng tàng hình và khả năng bản concept của nó đã được hoàn thành và đã bay thử thành công.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)