Ngày 8/3 ở nơi những người phụ nữ mang sức vóc đàn ông
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:20, 08/03/2023
Khi Thủ đô chìm sâu vào giấc ngủ thì cũng là lúc mà hàng ngày, những người phụ nữ làm nghề cửu vạn ở chợ Long Biên (Hà Nội) chuẩn bị đẩy, gánh, kéo, … những thùng hàng nặng đến các điểm tập kết cho thương lái, chủ hàng. Dường như đối với họ, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 chỉ mong kéo thêm thật nhiều chuyến xe kiếm tiền nuôi gia đình bé nhỏ…
Từ 10h đêm, những tiểu thương ở chợ Long Biên vẫn miệt mài với hoạt động đón xe chở hàng từ nơi khác đổ về. Buổi đêm, mặt hàng chủ yếu là trái cây, rau quả và thủy hải sản, còn ban ngày chủ yếu là cửa hàng tạp hóa mở cửa hoạt động.
Những việc nặng nhọc như thế này tưởng chừng như chỉ để dành cho giới đàn ông sức dài vai rộng. Thế nhưng, một nghịch lý là lượng lao động hành nghề cửu vạn tại đây chiếm đa số lại là phụ nữ.
Vốn dĩ là công việc vất vả, với phụ nữ càng trở nên khó khăn gấp nhiều lần, thường xuyên tím người, trẹo cổ, phù vai vì kéo xe liên tục. Tuy phải chịu đau vì tay chân bị thương, sưng phồng, vai đau nhức... nhưng những người phụ nữ nơi đây luôn phải gắng gồng hết sức mình để có thêm thu nhập lo cho gia đình và con cái. Những chiếc lưng còng lên kéo xe chở hàng, những bước chân vội vã, đêm nào họ cũng cố tìm thật nhiều nguồn hàng để tăng thêm thu nhập.
|
Một nữ cửu vạn gồng mình kéo xe hàng tại chợ Long Biên
|
|
Vì đã quen với sức nặng nên dù xe hàng nặng cả tấn nhưng dường như chị Liên quê Hà Nam lại không hề cảm thấy mệt mỏi. Bước chân thoăn thoắt, chị lao nhanh ra xe giao cho chủ để kịp lấy cho mình chuyến hàng tiếp theo.
|
|
Dáng người nhỏ bé, tấm lưng gầy nhưng mỗi chuyến xe đến, những nữ cửu vạn này lại vác trên vai vài trăm cân là chuyện thường.
|
|
Khi xe hàng đến, các chị em cửu vạn đã tập trung hết ở chợ, ùa nhau chạy đến xem các chủ hàng có nhu cầu thuê người khuân hàng. Mỗi một sọt nặng 10kg sẽ được 3.000 đồng. Ở đây nếu không nhanh tay hoặc may mắn thì khéo công cốc cả đêm, không có thu nhập, đặc biệt là trong đợt hàng khan hiếm như hiện nay.
|
|
Đa phần họ là những người tỉnh lẻ lên thành phố làm nghề bốc vác thuê kiếm sống, chủ yếu ở ở Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Vĩnh Phúc…
|
|
Gạt vội đi những giọt mồ hôi trên trán sau những cuốc xe kéo, chị Nguyễn Thị Hoa quê ở Phủ Lý (Hà Nam) vẫn dõi theo chiếc xe đang chuẩn bị bốc hàng. Với chị Hoa, ngày nào may mắn có thể kiếm được 400.000 đồng, nhưng cũng có ngày, chị chỉ kiếm được hơn 150.000 đồng.
|
|
Nghề này cũng có sự “cạnh tranh” khốc liệt. Làm cửu vạn cũng đã được ngót chục năm nay nhưng đây là lúc cô Hạnh (Hà Nam) cảm thấy khó khăn nhất. “Mặc dù việc vẫn có để làm nhưng tìm mối khó lắm cũng chỉ túc tắc lúc được lúc không, đợt này hàng khan hiếm gần như tôi không có việc để làm, chẳng biết gửi tiền đâu để gửi cho con đóng học, lo gì đến mùng 8/3 đâu”, cô Hạnh nói.
|
|
“Đối với những người làm nghề cửu vạn như chúng tôi, ngày lễ tết chả cần quà chỉ cần có thêm thật nhiều chuyến xe hàng, kiếm thật nhiều tiền lo cho con cái học hành đầy đủ thế là món quà quý giá nhất đối với tôi rồi”, một nữ cửu vạn chợ Long Biên chia sẻ.
|
|
Ít ai nghĩ người phụ nữ với dáng hình nhỏ nhắn lại có thể kéo chiếc xe nặng hàng trăm kg. Công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành cho những người đàn ông sức dài vai rộng, nhưng vì miếng cơm manh áo mà những người phụ nữ này không quản ngày đêm, miệt mài "vắt sức".
|
|
Phút giải lao của những người đã gánh trên vai hàng tấn hàng chạy băng băng cả đêm.
|
|
Dáng vẻ vội vã, khuôn mặt hốc hác chạy ngược, chạy xuôi là hình ảnh quen thuộc của những người phụ nữ làm nghề kéo hàng ở chợ Long Biên. Bất kể kiện hàng nặng, nhẹ đang mang trên vai hay sau xe kéo, đôi chân của những nữ cửu vạn bước đều bước thoăn thoắt không một chút nản chí. Bởi ai cũng cố gắng về đích trước để còn nhanh chóng quay lại kéo chuyến hàng tiếp theo. Bởi với những người phụ nữ nơi đây, món quà ý nghĩa nhất ngày 8/3 là có nhiều thật nhiều việc làm và thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình được đủ đầy hơn. |
Minh Như