Cô giáo ở Mỹ giúp thay đổi cuộc đời 150 học sinh "không thể dạy được"
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 08:30, 08/03/2023
Erin Gruwell, 54 tuổi, là một giáo viên người Mỹ nổi tiếng với phương pháp giảng dạy độc đáo của mình. Cô trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi cùng các học sinh của mình xuất bản cuốn sách Nhật ký của các nhà văn tự do trong đó cô và 150 học sinh từ trường trung học Woodrow Wilson ở Long Beach, California, Mỹ, đã chia sẻ về bản thân và thế giới xung quanh họ.
Phụ trách nhóm các học sinh được coi là "không thể dạy được", những học sinh sống trong những khu vực ngập tràn ma túy, băng đảng, bạo lực, nghèo đói và căng thẳng chủng tộc, Erin Gruwell sớm nhận ra các phương pháp giảng dạy truyền thống không hiệu quả.
Erin Gruwell đã biến 150 học sinh này thành nhà văn tự do. Sau đó tất cả các em đều tốt nghiệp trung học và nhiều người tiếp tục theo học đại học.
Là nữ giáo viên truyền cảm hứng, Erin Gruwell đã trở thành nhân vật chính trong bộ phimNhững nhà văn tự do (công chiếu năm 2007), với sự tham gia của ngôi sao từng giành giải Oscar Hilary Swank trong vai Erin Gruwell.
Cô giáo Erin Gruwell cũng là chủ đề của bộ phim tài liệu năm 2019 mang tên Những nhà văn tự do: Những câu chuyện từ trái tim.
Giáo viên Erin Gruwell từng là sinh viên xuất sắc, thạc sĩ của Đại học California State, Mỹ. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, cô từng muốn trở thành một luật sư nhưng khi chứng kiến các cuộc bạo loạn ở Los Angeles, Mỹ, vào năm 1992, cô quyết định chuyển nghề sang làm giáo viên vì cô tin rằng, việc giáo dục học sinh có thể tạo ra nhiều khác biệt hơn.
Sự nghiệp giáo viên của Gruwell bắt đầu vào năm 1994 tại trường trung học Woodrow Wilson ở Long Beach, California. Cô được chỉ định dạy nhóm các học sinh có thành tích thấp trong trường.
Erin Gruwell nói: "Nhiều học sinh là những đứa trẻ da màu sống trong khu phố của người da trắng. Không phải lúc nào chúng cũng được chào đón và không phải lúc nào chúng cũng được yêu thương.
Vì thế, chúng tôi học cách biến lớp học thành một nơi an toàn. An toàn trước những tệ nạn xã hội bên ngoài, định kiến chủng tộc, thành kiến".
Gruwell đã chuyển sang một phương pháp giảng dạy khác và biến 150 học sinh "không thể dạy được" này thành những nhà văn tự do, một nhóm học sinh có những câu chuyện đã khởi xướng cho một cuốn sách, một phong trào và các bộ phim.
Được xuất bản lần đầu vào năm 1999, cuốn sách là tuyển tập các bài luận chân thực, gai góc, ra đời trong lớp học của Gruwell khi cô nhận ra cuộc sống mà các học sinh của mình đang trải qua có những điểm tương đồng nghiệt ngã với những người trẻ tuổi lớn lên giữa chiến tranh và bạo lực.
Thay vì dạy học sinh cách vượt qua các bài kiểm tra, Gruwell đã tìm ra cách khác để giáo dục học sinh. Cô thậm chí làm thêm hàng loạt các công việc phụ để có đủ tiền đưa các diễn giả khách mời đến lớp học và cho học sinh tham gia các chuyến đi thực tế.
Cô giáo tận tâm này đã cho học sinh đọc những cuốn sách về những người trẻ tuổi khác đã cố gắng sống sót sau chiến tranh và bạo lực như Nhật ký của Anne Frank và Nhật ký của Zlata: Cuộc sống của một đứa trẻ ở Sarajevo.
Sau đó, cô Erin Gruwell khuyến khích học sinh của mình viết về cảm xúc và trải nghiệm của chính họ và Nhật ký của các nhà văn tự do ra đời, phát triển thành một ấn phẩm bán rất chạy tại Mỹ.
Những học sinh được coi là cá biệt của Erin Gruwell khiến mọi người bất ngờ khi tất cả 150 em đều tốt nghiệp trung học và nhiều người tiếp tục theo học đại học.
Năm 1998, Gruwell rời trường trung học Wilson và trở thành giáo viên xuất sắc tại Đại học Bang California, Long Beach, Mỹ. Gruwell sau đó thành lập tổ chức Nhà văn tự do, mong muốn truyền bá phương pháp giáo dục của mình trên khắp đất nước Mỹ.
Cô cũng viết một cuốn tự truyện về những trải nghiệm của mình, có tựa đề Dạy bằng trái tim: Bài học tôi học được từ các nhà văn tự do, được xuất bản cùng thời điểm phát hành bộ phim Những nhà văn tự do.
Triết lý giảng dạy của Erin là đề cao sự hợp tác giữa học sinh và giáo viên. Cô tin rằng "giáo dục là công cụ cân bằng tuyệt vời" và khả năng lắng nghe của cô là công cụ quan trọng giúp cô phá bỏ các rào cản và giành được sự tin tưởng của học sinh.
Niềm tin của Erin Gruwell vào học sinh giúp học sinh của cô dần bớt đi sự tự ti và là chất xúc tác quan trọng cho sự thay đổi của họ.
Đối với Erin, công cụ thay đổi là một cây bút. Đối mặt với những định kiến và bạo lực, Erin khuyến khích học sinh dùng bút chia sẻ những câu chuyện. Với công cụ này, Erin mang đến cho học sinh của mình cơ hội được là người trung thực, chính trực và dám thay đổi.
Chương trình giảng dạy của Erin rất đổi mới nhưng hành trình tạo ra nó không hề dễ dàng. Đối mặt với một hệ thống trường học từng tin rằng học sinh của cô "không bao giờ có thể học được", cô đã phải tự mình nỗ lực rất nhiều.
Cô Erin Gruwell từng nhận công việc bán thời gian tại khách sạn và cửa hàng bách hóa để có tiền xuất bản cuốn sách nói về thực tế cuộc sống của học sinh và xây dựng một mô hình học tập mới, nhấn mạnh đến sự tự thể hiện bản thân, lòng khoan dung và sự tích cực của học sinh trong quá trình học tập.
Cô Erin Gruwell đã truyền cảm hứng cho học sinh bằng các chuyến đi thực tế đến bảo tàng, các trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên và mang những diễn giả như Elie Wiesel tới với lớp học. Phương pháp của cô ấy hiệu quả đến mức các học sinh cũng gây quỹ để mời diễn giả đến lớp học.
Nhật ký của các nhà văn tự do nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của Thời báo New York, Mỹ, và tiền bán sách được sử dụng để trợ cấp cho việc học đại học của các học sinh. Cô Erin Gruwell luôn mong các học sinh của mình mạnh mẽ vượt qua khó khăn, bắt đầu lại, chịu trách nhiệm về cuộc sống và việc học của chính mình.
Gruwell đã nuôi dưỡng một triết lý giáo dục coi trọng và thúc đẩy sự đa dạng của học sinh. Cô khuyến khích những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thay đổi niềm tin cứng nhắc về bản thân và xem xét các quyết định để có thể vẽ lại tương lai của họ.
Trở thành người nổi tiếng và bận rộn sau khi ra mắt cuốn sách Nhật ký của các nhà văn tự do, Erin vẫn luôn dành sự quan tâm sâu sắc nhất cho các học sinh.
Theo cô Erin, không đứa trẻ nào xứng đáng bị bỏ lại phía sau. Cô mong rằng các thầy cô sẽ toàn tâm toàn ý giáo dục tất cả các học sinh của mình và giữ suy nghĩ: "Phải dạy cho học sinh chứ không chỉ yêu cầu chúng làm bài kiểm tra".