Bệnh viện 'mách' cách đối phó với 'con đang cấp cứu'
Tin Y tế - Ngày đăng : 19:19, 07/03/2023
Không có chuyện đóng tiền trước mới cấp cứu
Ngày 7/3, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay trong thời gian chưa đầy một giờ, từ 15h - 16h ngày 6/3, khoa cấp cứu bệnh viện đã nhận liên tiếp hai cuộc gọi từ phụ huynh của ba em học sinh.
Các phụ huynh này đều có con đang theo học tại các trường phổ thông quốc tế trên địa bàn TP và gọi điện đến để xác nhận thông tin có phải con, cháu đang điều trị tại khoa cấp cứu hay không.
Thông tin về ba trường hợp trên đều là lừa đảo, giả mạo nhằm lừa gạt để gia đình các em chuyển tiền nhưng bất thành.
Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo các bậc phụ huynh khi nhận được những cuộc gọi tương tự nên liên lạc với nhà trường hoặc bệnh viện qua các đường dây nóng để kiểm định tính xác thực của thông tin.
Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tuyệt đối không bao giờ có chuyện yêu cầu bệnh nhân hoặc gia đình phải đóng tiền trước rồi mới cấp cứu.
"Bệnh viện luôn đặt tính mạng người bệnh lên trên hết và trước hết. Vì vậy, người bệnh bao giờ cũng được điều trị cấp cứu trước tiên, việc đóng tiền viện phí tính sau.
Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bệnh viện sẽ xem xét miễn hoặc giảm viện phí từ nguồn trợ giúp xã hội hoặc các quỹ từ thiện", Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết .
Còn Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) mách phụ huynh nếu gặp trường hợp như trên, phụ huynh có thể liên hệ đến tổng đài qua số điện thoại 028.3855.4137, nhấn phím 0.
Sau đó, báo tổng đài viên kết nối đến khoa/phòng điều trị có liên quan để xác nhận thông tin người nhà nằm viện, các khoản viện phí, số tài khoản thanh toán của bệnh viện trước khi chuyển khoản.
Cũng trong ngày 7/3, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết vừa ghi nhận 4 trường hợp phụ huynh đến tìm con vì nhận được thông tin "con chấn thương sọ não cần cấp cứu".
Trong đó đã có 2 trường hợp chuyển 50 triệu đồng đến số tài khoản do kẻ mạo danh cung cấp.
Bệnh viện khuyến cáo để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, người nhà có thể liên hệ đến tổng đài bệnh viện 18006767 xác nhận lại thông tin người nhà nằm viện, các khoản viện phí, số tài khoản thanh toán của bệnh viện trước khi chuyển khoản.
Nhà trường phải tăng tương tác với phụ huynh
Trao đổi với chúng tôi, một phụ huynh có con đang theo học trường quốc tế tại TP.HCM cho biết cũng đã nhận được được cuộc gọi mạo danh giáo viên trường con đang theo học.
Người này thông báo gấp gáp rằng con đang trong tình trạng nguy kịch, được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn.
“Cuộc gọi điện thoại rất hốt hoảng nói hẳn họ tên phụ huynh và học sinh. Và cho biết hiện nay bé bị ngã cầu thang, đầu chảy máu rất nhiều nhà trường đang đưa bé đến bệnh viện.
Do đó cần phải chuyển tiền ngay lập tức để phẫu thuật sớm. Công an cần sớm vào cuộc để điều tra, cảnh giác cho phụ huynh”, vị phụ huynh này kể.
Trước thực trạng này, nhiều các trường đại học quốc tế, liên tục phát đi cảnh báo với các phụ huynh về cảnh báo lừa đảo liên quan tới phụ huynh và học sinh.
Theo các trường này kẻ gian lợi dụng tâm lý lo lắng, hoang mang của phụ huynh khi nghe thông tin con có tai nạn thương tích để yêu cầu chuyển tiền ngay cho con phẫu thuật, nhập viện.
“Nhà trường luôn liên hệ với phụ huynh về tình hình học tập, sức khỏe, của học sinh thông qua bộ phận giáo vụ, giáo viên chủ nhiệm hoặc SMS của nhà trường.
Nếu phụ huynh nhận được bất kỳ thông tin nào không đến từ các số điện thoại được nhà trường giới thiệu, vui lòng liên hệ lại với nhà trường để xác nhận thông tin”, Trường quốc tế Việt-Úc tại TP.HCM đưa ra cảnh báo.
Sau khi nhiều phụ huynh bị “sập bẫy” Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị giáo dục trên địa bàn rà soát, kiểm tra các điều kiện để đảm bảo an toàn thông tin của học sinh, sinh viên, giáo viên; rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình.
Đặc biệt sở đề nghị các trường phải công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của đơn vị mình, đảm bảo được sự kết nối, liên lạc thông tin giữa nhà trường và gia đình học sinh, sinh viên.
Các cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến cha mẹ học sinh, học sinh - sinh viên, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin tránh trường hợp thông tin sai sự thật.