Cách cai nghiện điện thoại, tivi có 'một không hai' ở Ấn Độ
Tin thế giới - Ngày đăng : 18:15, 07/03/2023
Theo SCMP, hầu hết các ngôi nhà trong làng Mangaon, bang Maharashtra của Ấn Độ đều không đủ lớn để trẻ em có phòng học riêng. Vì vậy, khi các thành viên trong gia đình sinh hoạt chung trong một không gian thì trẻ em dễ bị phân tâm bởi điện thoại di động, bởi bộ phim truyền hình yêu thích của bố mẹ chiếu trên tivi. Từ đó ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung học của trẻ.
Trưởng hội đồng làng Mangaon, ông Raju Magdum cho hay ông cảm thấy đáng sợ với hình ảnh mọi người dán mắt vào màn hình điện thoại hay tivi mỗi tối.
“Thành viên trong gia đình không nói chuyện với nhau, trẻ em không tập trung làm bài tập, hàng xóm không dừng lại hỏi thăm hay tám chuyện trên phố”, ông nói.
Vì vậy, một chiến dịch đặc biệt sẽ được áp dụng vào 8/3 tới. Vào lúc 7 giờ tối, làng sẽ vang lên tiếng còi báo động để nhắc nhở rằng đây là thời gian cai nghiện thiết bị điện tử. Sau hơn 2 tiếng, tức vào 8 giờ 30, tiếng còi sẽ vang lên lần nữa để báo hiệu thời gian cai nghiện đã kết thúc.
Người dân có quyền tuân thủ hoặc không. Tuy nhiên, nếu một hộ dân liên tục phớt lờ tiếng còi thì chính quyền địa phương sẽ tăng thuế đất của họ để công bằng với những hộ dân khác.
Ông Magdum nói rằng đang có ngày càng nhiều người dân trong khu vực sẵn sàng làm theo yêu cầu này.
Ý tưởng này vốn xuất hiện đầu tiên tại quận Sangli, quận tiếp giáp với làng Mangaon vào năm ngoái. Năm ngôi làng trong quận áp dụng biện pháp cai nghiện thiết bị điện tử vì lo ngại sự thiếu tương tác xã hội và sự suy giảm khả năng tập trung học tập ở trẻ em.
Hiệu quả của biện pháp trên được ông Jitender Dudi, quan chức chính phủ giám sát sự phát triển của quận Sangli, xác nhận. “Tôi bắt gặp nhiều cuộc trò chuyện hơn và nghe nhiều tiếng cười hơn, thành viên trong gia đình tương tác bằng mắt với nhau nhiều hơn và sự tương tác xã hội cùng tăng lên”, ông nhận định.
“Cả bầu không khí lúc 7 giờ tối trở nên nhộn nhịp nhưng điều đó không làm bọn trẻ mất tập trung nhiều như điện thoại và tivi. Mọi người kết nối với nhau và đó là mục đích của lệnh cấm này”, ông nói thêm.
Vào năm 2021, cộng đồng người theo đạo Jain cũng đã phát động thử thách “nhịn” thiết bị số nhằm kéo người trẻ ra khỏi màn hình điện thoại. Hơn 2.000 người đã đồng ý tham gia, tránh xa màn hình điện thoại 12 giờ mỗi ngày trong 50 ngày liên tiếp để “gột rửa” tinh thần.
Hoài Thanh