Gần 52 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường: Chuyên gia nói gì?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 17:33, 07/03/2023

Bàn luận về việc 51,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chỉ sau 2 tháng đầu năm, các chuyên gia vẫn chỉ ra nhiều điểm sáng.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định đây là một con số không hề nhỏ, nhưng cũng không phải quá lo ngại, thậm chí còn có mặt tích cực. Đó là điều chứng tỏ doanh nghiệp trong nước đang tái cấu trúc, sẵn sàng cho bước phát triển mới.

Ông Thịnh tin rằng, đến cuối năm, số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp đã xin ngừng hoạt động ở khoảng thời gian này cũng có thể sẽ "hồi sinh".

Niềm tin này không phải không có cơ sở khi mà từ nay đến cuối năm, nền kinh tế thế giới sẽ có nhiều tín hiệu tích cực, lạm phát giảm nhanh, lúc đó, giá cả hàng hóa khi chúng ta nhập về sẽ ổn định hơn.

Đồng thời, người dân trên thế giới quay trở lại nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp trên thế giới lại tăng lượng nhập hàng thì tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước cũng sẽ tốt lên.

Gần 52 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường: Chuyên gia nói gì? - 1

Tổng Cục Thống kê cho biết, 51,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chỉ sau 2 tháng đầu năm 2023. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ sự lạc quan: “Con số hơn 51.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có thể là tín hiệu tích cực. Điều đó thể hiện giữa lúc khó khăn, các doanh nghiệp đang co cụm lại để đi tìm định hướng mới, sau đó, họ sẽ tái cơ cấu để phù hợp với hoàn cảnh kinh doanh mới cả ở trong và ngoài nước".

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc phá sản là xu hướng có tính quy luật hàng năm. "Thông thường, quý 1 hàng năm có số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường luôn cao hơn các quý khác trong năm. Người kinh doanh khi muốn ngừng kinh doanh, chuyển đổi kinh doanh, kết thúc một chu kỳ kinh doanh đều có tâm lý chọn giai đoạn sang năm mới, đó chính là quý I. Nếu các tháng hay quý sau mà tiếp tục diễn ra tình trạng này thì mới là tín hiệu rất đáng lo ngại ”, ông Tuấn nói.

Một điểm tích cực khác được TS Lê Đăng Doanh, Nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chỉ ra đó là trên thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản vẫn đang khởi sắc.

Gần 52 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường: Chuyên gia nói gì? - 2

Đồ họa: Báo Công Thương

Vì sao DN rút lui hàng loạt?

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến việc số lượng doanh nghiệp xin rút lui khỏi thị trường lớn tăng đột biến, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói:

“Sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, chúng ta có hơn 1 năm phục hồi kinh tế. Trong hơn 1 năm đó, nền kinh tế cơ bản phục hồi tốt nhưng có một số lĩnh vực không tránh khỏi việc gặp trở ngại nhất định, buộc doanh nghiệp phải tái cơ cấu để tiếp tục tồn tại. Con số hơn 51.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm phần nào thể hiện quá trình tái cấu trúc. Cần phải có một khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp dừng lại, thay đổi và tái cấu trúc".

Ông Thịnh dẫn chứng: Có một số ngành nghề bây giờ đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể hoạt động bình thường và buộc phải xin phá sản. Karaoke là một ví dụ điển hình.

Hay như các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi giới kinh doanh bất động sản cũng gặp khó, khi mà thanh khoản trên thị trường hiện không có, giá bất động sản vẫn cứ tăng. Rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải xin ngừng hoạt động, thậm chí phá sản.

Hay một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng đối diện với thử thách khi xuất khẩu sụt giảm. Không xuất khẩu được thì sản xuất buộc phải dừng, doanh nghiệp cũng buộc phải đóng cửa.

Gần 52 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường: Chuyên gia nói gì? - 3

Chuyên gia cho rằng, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang tái cấu trúc để thích ứng với điều kiện mới. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân thứ hai theo ông Thịnh đó là trong lúc này, nguồn vốn hạn chế đang là một khó khăn cực kỳ lớn với doanh nghiệp.

“Thứ nhất, khó khăn về vốn xuất phát từ thị trường chứng khoán xuống dốc, cổ phiếu mất giá khiến vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp giảm mạnh. Ví như cổ phiếu của một doanh nghiệp trước đây có giá 50.000 đồng mà bây giờ chỉ còn khoảng 10.000 đồng thì đương nhiên nguồn vốn của doanh nghiệp cũng đi xuống, dẫn đến giá trị tài sản đảm bảo để vay nợ giảm xuống, gây khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Thứ hai, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang rất nhiều vấn đề. Từ tháng 4,5/2022 trở đi doanh nghiệp gần như không thể phát hành trái phiếu. Kênh huy động vốn này gần như đóng băng. Chưa kể những trái phiếu đã phát hành, đến hạn, doanh nghiệp phải trả cho trái chủ thì không còn tiền để kinh doanh nữa”, ông Thịnh phân tích.

Theo ông Thịnh, nhiều doanh nghiệp đã cầm cự cả 2 năm COVID-19, đến năm vừa rồi lại gặp phải hàng loạt khó khăn như vậy nên bây giờ đến thời điểm họ buộc phải xin ngừng hoạt động là điều dễ hiểu. “Con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường quá nhiều như vậy là cũng đáng lo, nhưng không quá lo, vì tạm ngừng rồi sẽ hoạt động trở lại”.

Phân tích về con số 51,4 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu dự đoán, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, môi giới bất động sản là những lĩnh vực góp phần lớn nhất trong tổng số doanh nghiệp giải thể sau 2 tháng đầu năm. Ngành bán lẻ có thể cũng góp con số lớn, dễ dàng nhận thấy trên thực tế, ở các trung tâm thương mại hầu như đang rất vắng vẻ, nhiều quầy cho thuê bỏ trống.

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong hai tháng qua chủ yếu là doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ, cũng là lực lượng doanh nghiệp chính của Việt Nam. Vì thế, ông Tuấn nhận định, đây cũng là con số cũng đáng báo động, khi mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít hơn nhiều so với số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Nguyên nhân lớn nhất khiến doanh nghiệp gặp khó là hiệu ứng tiêu cực từ giai đoạn dịch bệnh COVID- 19 chưa xong thì những tác động từ thế giới đã ập đến. Việt Nam vốn là một nền kinh tế có độ mở cao nên không thể đứng ngoài vòng xoáy này”, ông Tuấn nói.

Nêu quan điểm của mình, T.S Lê Đăng Doanh đặt vấn đề: Việc hơn 51 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm buộc chúng ta phải phân tích xem còn có những nguyên nhân khác nữa hay không để tìm cách xử lý. Ví dụ như do các gói hỗ trợ kinh tế còn chưa đến được với tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn. Hay lãi suất đang quá cao cũng là một vấn đề lớn khiến nhiều doanh nghiệp giải thể.

Gần 52 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường: Chuyên gia nói gì? - 4

Chuyên gia nhấn mạnh cần thiết phải hỗ trợ bất động sản vì đây là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Con số hơn 51 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm phần nào thể hiện quá trình tái cấu trúc. Cần phải có một khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp dừng lại, thay đổi và tái cấu trúc

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh

Hỗ trợ doanh nghiệp cách nào?

Về giải pháp giúp doanh nghiệp trong nước hoạt động tốt, để số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường tăng lên và số lượng doanh nghiệp thất bại giảm, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải có thêm các gói hỗ trợ bổ sung.

Ngoài ra, cũng cần phải sớm có chính sách điều chỉnh lãi suất giảm xuống đến một mức nào đó mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được và phải kèm theo một chương trình hỗ trợ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình khi cho rằng phải có các biện pháp mạnh như gói hỗ trợ lãi suất 2% phải được thực hiện một cách nhanh chóng.

“Riêng đối với ngành bất động sản, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phải được nhanh chóng ban hành với mức lãi suất thấp hơn lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đang xem xét (thấp hơn 2% dưới lãi suất thị trường). Mức lãi suất này vẫn còn rất cao. Lãi suất thị trường đang khoảng 12- 15%, nếu giảm 2% cũng chẳng đáng kể. Do đó, nếu gói hỗ trợ này được ưu đãi với lãi suất 5% mới mong có được tác động mạnh vào thị trường bất động sản”, ông Hiếu đề xuất.

Ông Đậu Anh Tuấn thông tin, phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thường xuyên nhận được phản ánh từ phía các doanh nghiệp. Bằng nhiều kênh khác nhau, VCCI đã chuyển tải các vấn đề của doanh nghiệp lên Chính phủ, bộ ngành. Định kỳ, VCCI công bố nhiều điều tra thực tế về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, các khuyến nghị với Nhà nước, Chính phủ. Với sự vào cuộc như vậy, VCCI hy vọng những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt hiện nay chỉ là ngắn hạn.

"Chính phủ đã nhận rõ nhiều vấn đề và đang có nhiều giải pháp quyết liệt. Nếu Chính phủ kịp thời tháo gỡ các rào cản hiện nay, tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ, ban hành nhiều chính sách thúc đẩy kinh doanh và chú trọng tổ chức thực thi tốt thì sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế Việt Nam là hoàn toàn có căn cứ", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 51,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, sau hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 37,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công Hiếu - Phạm Duy