ChatGPT được đưa vào đề học sinh giỏi văn ở TPHCM

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 16:48, 07/03/2023

Trí tuệ nhân tạo, thể hiện bản thân, khủng hoảng bản sắc, áp lực đồng trang lứa... là các vấn đề được đưa vào đề thi học sinh giỏi môn văn ở TPHCM sáng nay, 7/3.

Sáng 7/3, hơn 5.000 học sinh TPHCM tham dự kỳ thi lớp 12 năm học 2022-2023. Với chủ đề Gọi chữ vào trong chữ, đề thi này được nhiều học sinh, giáo viên đánh giá cao.

ChatGPT được đưa vào đề học sinh giỏi văn ở TPHCM - 1

Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 sáng 7/3 (Ảnh: Y.H).

Trong đó, ở câu số 1đưa ra những vấn đề: trí tuệ nhân tạo (ChatGPT, robot…), thể hiện bản thân, khủng hoảng bản sắc, khoảng cách thế hệ, thể hiện bản thân, hội nhập toàn cầu, phải - trái, đúng - sai, áp lực đồng trang lứa, lựa chọn nghề nghiệp.

Từ dữ liệu đó, đề yêu cầu thí sinh lựa chọn một số từ ngữ ở trên, kết nối ý tưởng để tạo thành một vấn đề nghị luận mà mình quan tâm và viết bài bàn luận về vấn đề ấy.

Ở câu 2, đề dẫn đoạn trích:

Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hưởng dương đang bay hay lửa sao trong một vùng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu gộp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh "bóng hồng vàng" của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ... (Pautovsky, Bụi quý).

Từ chủ đề Gọi đời vào trong chữ và ý kiến trên, đề thi đặt câu hỏi thí sinh suy nghĩ gì giữa mối quan hệ giữa đời và chữ.

Sau buổi thi, nhiều thí sinh tại TPHCM đánh giá đề thi này "đọc là thấy nhột" vì mỗi học sinh sẽ thấy vấn đề mình đang quan tâm hoặc mình gặp phải trong đó. Đề đưa ra nhiều vấn đề xã hội gần gũi, gắn liền với giới trẻ như ChatGPT, áp lực đồng trang lứa...

Hơn nữa, thí sinh có thể lựa chọn chủ đề mà mình quan tâm để thể hiện góc nhìn, quan điểm, không bị giới hạn trong nội dung, khuôn mẫu nhất định.

Nói về đề thi này, một giáo viên dạy môn văn tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM, chia sẻ, cuộc sống hiện đại luôn đặt ra nhiều vấn đề khiến con người phải trăn trở, suy tư. Đưa ra chủ đề Gọi đời vào trong chữ, đề thi muốn học sinh dùng những con chữ để bày tỏ nghĩ suy của mình trước những vấn đề thời đại và văn chương.

Đề thi có hai câu: nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Điều này thể hiện đề thi có sự tích hợp kiểm tra kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, kĩ năng lập luận của học sinh.

Giáo viên văn đánh giá đây là đề thi mở, mỗi học sinh có thể có một lựa chọn khác nhau, tùy vào suy nghĩ riêng của mình, miễn sao bài viết phải thể hiện góc nhìn của tuổi trẻ và mang hơi thở của thời đại. Đây là cách để môn văn tiệm cận với đời sống.

Điều đặc biệt là đề thi tôn trọng vùng quan tâm của mỗi thí sinh, không bắt buộc học sinh phải bàn chung về một hiện tượng xã hội.

Ở câu nghị luận văn học, đề thi trích một đoạn trong tác phẩm Bụi quý của Pautovsky rồi yêu cầu học sinh bàn về mối quan hệ giữa đời và chữ - một vấn đề văn chương muôn thuở mà hẳn người yêu văn nào cũng quan tâm.

Với đề thi này, học sinh có thể thể hiện năng lực lí giải vấn đề và năng lực cảm thụ tác phẩm của mình - điều rất cần thiết để đánh giá một học sinh có thực sự giỏi văn hay không.

ChatGPT được đưa vào đề học sinh giỏi văn ở TPHCM - 2

Đề thi Văn học sinh giỏi lớp 12 năm học 2022-2023 của TPHCM (Ảnh: L.L).

"Với đề thi này, người ra đề mong muốn học sinh thêm yêu văn chương và xem văn chương như một công cụ để bày tỏ những nghĩ suy và tình yêu mến đối với cuộc sống hôm nay", giáo viên văn đưa ra góc nhìn.

Ngoài nội dung, theo giáo viên này, hình thức đề thi có sự sáng tạo, mới mẻ, khơi gợi cảm hứng cho học sinh.

Thầy Lê Duy Tân, giáo viên dạy môn văn, Trường THPT Gia Định (TPHCM) đánh giá đề thi khơi gợi được sự hứng thú cho học sinh bởi những vấn đề vừa cũ vừa mới. Hình thức, dữ liệu được thể hiện một cách mới mẻ nhưng không xa lạ với học trò.

Theo thầy Tân, câu nghị luận xã hội đưa ra những vấn đề thời sự nóng đang được học sinh quan tâm, tạo điều kiện để học trò thể hiện quan điểm cũng như định vị bản thân. Câu nghị luận đặt ra vấn đề sâu sắc của văn học, đòi hỏi học sinh có khả năng cảm thụ, trải nghiệm và biết cách thể hiện.

Hoài Nam