Cô giáo 'đóng cửa đi trốn' để không phải nhận quà 8/3
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 16:00, 07/03/2023
"Cô không có nhà, các em đừng tới"
Chia sẻ với Dân trí, cô N.L. (giáo viên tại một trường cấp 2 ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hàng năm, không chỉ riêng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 mà ngay cả các dịp lễ khác như Tết âm lịch, ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10, ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11, cá nhân phụ huynh học sinh và ban phụ huynh của lớp lại chuẩn bị các loại quà "từ nhỏ đến lớn" để đem tới nhà riêng tặng cô.
Đã có kinh nghiệm từ trước, vậy nên cô L. thường "rào trước" học trò rằng:"Cô không có ở nhà đâu, các em đừng tới".
Chồng cô L. biết chuyện, thắc mắc tại sao cô cứ kiên quyết từ chối và khổ sở tính bài "chuồn" để phụ huynh và học sinh khỏi đến nhà chơi dịp lễ.
Cô L. giải thích, đó chỉ là lời nói dối vụng về, "nhắc khéo" phụ huynh và học sinh để họ đừng tới tặng quà, khiến cô rơi vào thế khó xử bởi "nhận cũng không được mà không nhận cũng chẳng xong".
Mặc dù đã được cô giáo "đánh tiếng" trước là thế, nhưng một số phụ huynh vẫn chở con tới nhà để tìm cô L. cho bằng được.
Không còn cách nào khác, để cho "an toàn", cứ đúng vào các ngày lễ, cô L. đành đóng cửa nhà đi "di tản" đến một nơi khác chơi cho tới muộn mới về để không phải tiếp khách.
Cũng có trường hợp, do không đợi và gặp được cô L. tại nhà riêng nên đã trực tiếp tặng quà cô trên lớp. Nhưng cô L. vẫn kiên quyết từ chối không nhận vì muốn giữ đúng nguyên tắc làm nghề của bản thân và "tránh tạo thói quen xấu cho phụ huynh".
Vì sao cô giáo "sợ" quà?
Giải thích về việc lo ngại vấn đề quà cáp, cô L. bày tỏ: "Tôi thích quà và thích được tặng quà. Nhưng đó là những món quà nhỏ xinh không nặng về vật chất và đầy ắp ý nghĩa.
Bởi chủ nghĩa vật chất làm biến tướng ý nghĩa của việc thể hiện sự quan tâm đến nữ giáo viên vào 8/3 nói riêng và các ngày lễ khác nói chung.
Thay vì tặng quà để tri ân thì một số phụ huynh lại tặng quà vì nghĩa vụ, theo trào lưu và điều đó khiến tôi cảm thấy bị tổn thương lòng tự trọng".
Cô L. cũng thẳng thắn thừa nhận đã từng nhận những bó hoa có cài phong bì bên trong nhưng vì cả nể mà không dám trả lại. Tuy nhiên, sau này, cô đã quyết định dứt khoát, không nhận phong bì từ phụ huynh và học sinh nữa.
"Tôi lo lắng việc phụ huynh tặng quà giá trị đôi khi là nhằm đổi chác lấy sự quan tâm đặc biệt từ giáo viên, để kết quả học tập, rèn luyện của con cái họ được đánh giá theo cách cả nể và làm mất đi sự công bằng.
Nhận quà thì sẽ dễ bị há miệng mắc quai. Vì vậy, tôi nghĩ bất cứ quà tặng nào mà vì lợi ích thì không nên nhận", cô L. bộc bạch.
Cô L. cũng nêu quan điểm, chuyện tặng quà thầy cô như trên đã là tiền lệ từ lâu và vẫn đang tiếp tục tiếp diễn, chính vì vậy mà làm xấu đi hình ảnh cao quý của nghề giáo.
"Với tư cách là giáo viên có nhiều năm đứng trên giảng đường, có thời gian tiếp xúc gần gũi và nhận được nhiều tình cảm của học sinh, theo tôi, cả phía giáo viên và gia đình nên chú trọng việc giáo dục để các em có thể hiểu được đúng bản chất của những ngày lễ và bày tỏ lòng biết ơn với cách thức nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn như gửi tặng các bài thơ, thư tay hoặc tranh. Tuy đơn giản nhưng các giáo viên đều sẽ hạnh phúc.
Đối với tôi, chỉ cần học sinh trở thành con ngoan trò giỏi, phong trào nói lời hay làm việc tốt đó chính là những bông hoa sắc màu mà tôi mong muốn nhận được nhất vào mỗi dịp lễ", cô L. tâm sự.