Học sinh ở đâu khi các phụ huynh bị lừa con đang cấp cứu, cần tiền mổ gấp?
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:09, 07/03/2023
Sáng 7/3, thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, chiều muộn 6/3, tiếp tục có một phụ huynh liên hệ đến đường dây nóng báo việc bị một số điện thoại lạ gọi, yêu cầu chuyển hàng chục triệu đồng để đóng tiền cho con bị tai nạn nặng.
May mắn, vị phụ huynh đã cập nhật tin tức và nhận ra việc lừa đảo ngay từ đầu. Khi anh cho biết chỉ có tiền mặt, muốn hẹn gặp để đưa trực tiếp nhằm tìm cách cho kẻ xấu lộ diện, liền tắt máy và chặn số.
Biết phụ huynh sẽ không xác minh được ngay?
Trong ngày 6/3, đã ghi biên bản tiếp nhận 8 trường hợp phụ huynh "tìm con đang cấp cứu", trong đó có 4 nạn nhân đã bị lừa chuyển tổng số tiền 320 triệu đồng vào các tài khoản lạ. Trước đó vào ngày 3/3, hai phụ huynh khác cũng mất oan 70 triệu đồng với kịch bản tương tự.
Trước sự việc nhiều người bị lừa chuyển số tiền lớn sau khi nhận tin con đang nguy kịch, cần chi phí để mổ gấp, câu hỏi đặt ra là vì sao các phụ huynh không thể xác minh được trẻ ở đâu trong thời điểm này và trở thành nạn nhân.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh N. (ngụ quận Tân Bình), cha của bé M.K., học tại một trường quốc tế cho biết, mình là nạn nhân đã chuyển 200 triệu đồng cho kẻ lừa đảo, khi sáng 6/3 nhận thông tin con bị tai nạn phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đáng nói, khi anh tìm cách xác minh với giáo viên chủ nhiệm thì không liên lạc được ngay.
Với tâm lý hoảng loạn, lo lắng cho con, anh đã chuyển tiền mà không suy nghĩ gì nhiều. Sau đó, anh mới biết con vẫn đang học bình thường.
"Thời điểm bị hối chuyển tiền, tôi không liên hệ được với trường, nên rất bị động. Tôi rất bối rối, không hiểu vì sao họ có thông tin cá nhân của tôi và con. Phải có rò rỉ thông tin. Rất khó để đòi lại tiền, giờ chỉ thông tin cho mọi người biết để không bị lừa", anh N. nhận định.
Còn vợ chồng anh T.D. (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng đã chuyển 50 triệu đồng cho một tài khoản có tên Nguyễn Duy Thái, vì lo lắng con lâm nguy nếu không được mổ gấp. Anh D. kể, khoảng hơn 1h chiều 6/3, vợ anh đang ở Long An nhận cuộc gọi báo con bị tai nạn nguy kịch. Sau đó là các tin nhắn liên tục hối thúc chuyển tiền đóng viện phí.
"Người gọi xưng là giáo viên phụ trách y tế của trường, nói rõ tên, lớp, trường bé đang học, sau đó thông báo cháu chơi bị té cầu thang, vừa chuyển gấp lên Chợ Rẫy, đang bất tỉnh. Tôi có gọi cho giáo viên chủ nhiệm ngay để kiểm tra thì cô không bắt máy", anh D. kể.
Tinh vi hơn, đối tượng tiếp tục chuyển điện thoại cho một người tự xưng là bác sĩ, nói con phải mổ gấp, yêu cầu tạm ứng ngay kẻo không kịp. Lúc này, trong giây phút hoảng loạn, vợ anh D. đã chuyển tiền ngay. Tuy nhiên khi đối tượng bảo chưa nhận được và tiếp tục cung cấp số tài khoản thứ 2, yêu cầu chuyển lại, anh D. bắt đầu nghi ngờ.
"Tôi chạy tới Chợ Rẫy để kiểm tra thì không có cháu. Khoảng 30 phút sau, cô giáo gọi lại cho biết bé vẫn đang học bình thường. Lúc này, "cô giáo y tế" cũng tắt máy, còn vợ báo đã bị lừa.
Tôi nghĩ họ đã tính toán thời gian gọi, vì đó là thời điểm bắt đầu giờ học chiều, nên giáo viên thường sẽ không nghe máy, trong khi học sinh không được sử dụng điện thoại trong trường nên cũng không xác minh với con được. Vợ chồng tôi chỉ làm nhân viên văn phòng, 50 triệu đồng kiếm không dễ, bằng mấy tháng lương...", anh D. tâm sự.
Không bị lừa vì... nhà kế bệnh viện
Tương tự, chị P., người thân của bé B.N., học tại Trường THCS Hoàng Diệu (quận Tân Phú) đã chuyển 50 triệu đồng cho thầy giáo "dỏm" đóng tiền cấp cứu cho con, vì không liên lạc được sớm với giáo viên. Đến khi biết bé vẫn ở trường thì tiền cũng "không cánh mà bay". Chị cũng thắc mắc thông tin của gia đình mình vì sao bị lộ và đã trình báo công an.
Anh Q.H. (ngụ quận 10, TPHCM) là một trong số ít người may mắn "thoát nạn", vì đã phát hiện sự thật trước khi chuyển tiền cho kẻ xấu. Theo lời phụ huynh này, con anh học trường Quốc tế Á Châu. Khoảng hơn 10h sáng 6/3, một người phụ nữ có số máy lạ gọi xưng là giáo viên bộ môn, báo con anh gặp nạn.
Anh H. thắc mắc sao giáo viên chủ nhiệm của bé không gọi, thì được cho biết giáo viên chủ nhiệm đang bận đứng lớp. Sau đó, điện thoại được chuyển cho một người đàn ông xưng là bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, nói con anh H. bị thương rất nặng.
"Tôi hỏi ngay con nằm ở khoa nào, thì người xưng cô giáo ấp úng, nói sẽ đứng ở trước khu vực cấp cứu đợi, hỏi tôi khi nào qua tới. Tôi đáp nhà mình sát bệnh viện, 5 phút là đến rồi chạy luôn. Đến nơi, bác sĩ nói sáng giờ đã có 3-4 người bị lừa giống tôi rồi...
Thú thật lúc đó, tôi chỉ muốn gặp con ngay, chứ không quá quan tâm đến vấn đề tài chính. Tôi để ý rằng họ cố hỏi mình ở đâu, qua bệnh viện nhanh không. Thời điểm họ gọi là giờ học, và con tôi cũng không được xài điện thoại ở trường, nên khó xác minh liền", anh H. nhận định.
Sau khi tiếp nhận nhiều phụ huynh đến tìm con, phía Bệnh viện Chợ Rẫy đã hướng dẫn các nạn nhân trình báo sự việc đến Công an phường 12, quận 5. Công an TPHCM cũng đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo.
Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo, qua sự việc lần này, cần xem lại sự kết nối thông tin giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên, phòng giáo vụ nhà trường.
Về quy trình thủ tục, thạc sỹ Hiển khẳng định, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn luôn nắm bắt thời gian vàng trong cấp cứu. Nếu trường hợp nào nặng, ảnh hưởng đến tính mạng sẽ được thực hiện can thiệp điều trị khẩn, dù thời điểm đó bệnh nhân có mang tiền hay không.
Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo đến các phụ huynh, nếu nhận cuộc gọi lạ báo con đang cấp cứu có thể liên hệ đến tổng đài bệnh viện (số điện thoại 028.3855.4137, nhấn phím 0), báo tổng đài viên kết nối đến khoa phòng điều trị để xác minh.