Giáo viên chủ nhiệm lâu năm chỉ ra: 4 kiểu trẻ em có sức chịu đựng thất bại tốt nhất, ra đời sẽ rất vững vàng trước sóng gió!

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 15:40, 07/03/2023

Bằng cách cho con cơ hội thích hợp để đối mặt với những thách thức, học các kỹ năng thích ứng, bạn đang dần trang bị cho chúng những hành trang cần thiết để trưởng thành một cách độc lập và phát triển toàn diện về sau.

Là cha mẹ, khi nhìn lại quá trình trưởng thành của mình, hẳn bạn sẽ nhận thấy có một kiểu người thoạt nhìn có vẻ bình thường, không sinh ra trong gia đình danh giá, ngoại hình không nổi bật, học lực bình thường, nhưng vẫn có thể đi "ngược dòng", trở thành người có sự nghiệp đáng ngưỡng mộ. Thông thường, để chạm tới được thành công này, họ phải trải qua nhiều chông gai hơn. Và một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công đó chính là sức chịu đựng.

Kiên cường là thước đo khác của sự thành công, nó đòi hỏi khả năng phục hồi, dám dấn thân vào những thách thức, trở ngại. Như tiến sĩ Kenneth Ginsburg, tác giả cuốn sách "Xây dựng khả năng phục hồi ở trẻ em và thiếu niên", thì "nét tính cách này nói về sự phục hồi ngay cả khi ở trong thời điểm khó khăn. Những người kiên cường không chỉ hồi phục nhanh mà còn phát triển mạnh trong thời điểm tốt nhất".

Theo kinh nghiệm quan sát hơn mười năm của một cô giáo chủ nhiệm tên Dương Lâm (Trung Quốc), bốn kiểu trẻ em sau đây thường có sức chịu đựng thất bại và có khả năng phục hồi tốt nhất.

Giáo viên chủ nhiệm lâu năm chỉ ra: 4 kiểu trẻ em có sức chịu đựng thất bại tốt nhất, ra đời sẽ rất vững vàng trước sóng gió!-1

1. Trẻ đọc nhiều

Một số trẻ em thích đọc sách từ khi còn nhỏ, bất kể là sách lịch sử, tiểu thuyết trinh thám hay tiểu sử danh nhân,... Trẻ em như vậy sẽ hấp thụ năng lượng tích cực từ tất cả các loại sách, không chỉ có phạm vi kiến thức rộng hơn mà còn dần dần học cách suy luận, khả năng học tập và khả năng tư duy của chúng dần được cải thiện.

"Đọc sách là cách nói chuyện thành thật nhất với những người thuộc những thế hệ đã qua". Những gì được đúc kết, cô đọng lại trong từng trang sách sẽ giúp cho chúng ta có được một kho tàng tri thức ở nhiều lĩnh vực mà đỡ phải mất thời gian trải nghiệm thực tế từ cuộc sống.

Những kinh nghiệm đó có thể không có tính thực dụng ngay nhưng khi tình huống tương tự xảy ra, trẻ sẽ biết ngay mình cần phải làm gì.

2. Trẻ thích thử thách khó khăn

Một số trẻ thích cuộc sống bất biến, không thích thử thách, khi gặp khó khăn có tư tưởng bỏ cuộc hoặc tìm đến sự giúp đỡ của cha mẹ, thầy cô. Trong khi một số trẻ dường như bẩm sinh đã là những kẻ hiếu chiến, luôn thích đón nhận thử thách.

Ví dụ, để tìm kết quả cho một bài toán khó, một số em không hỏi giáo viên hoặc không xem đáp án tham khảo mà tự vắt óc suy nghĩ, dù một hai ngày các em vẫn phải kiên trì. Nhờ vậy, năng lực học tập sẽ ngày càng mạnh mẽ dù xuất phát điểm có thể không quá nổi bật.

Để rèn tính chịu đựng cho trẻ, bố mẹ cần cho trẻ trải qua một số tình huống khó khăn. Khi trẻ lớn lên, bố mẹ nên lùi lại và để đứa trẻ điều hướng trải nghiệm của mình. Trong trường hợp con cái gặp thất bại, cha mẹ tuyệt đối không nên làm hộ con mà phải dạy chúng biết chịu trách nhiệm, biết giải quyết để vượt qua và vươn lên. Trẻ có thể vấp ngã 1-2 lần, thậm chí nhiều hơn nữa nhưng sau thất bại trẻ sẽ đứng lên được và học được các giá trị từ bài học.

3. Trẻ lạc quan, nhiều bạn bè

Một số trẻ tính cách hướng ngoại, vô tư, ham học hỏi từ người khác nên rất dễ kết bạn tốt. Trong quá trình học hỏi lẫn nhau, các em không chỉ được tận hưởng niềm vui của tình bạn, mà còn khiến bản thân trở nên tốt hơn.

Điều quan trọng là những đứa trẻ lạc quan sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc, ngay cả với những điều rất nhỏ. Ngoài ra, những trẻ có suy nghĩ tích cực thường có xu hướng giải quyết các vấn đề một cách êm đẹp. Do đó, phụ huynh được khuyến khích nên tập cho trẻ thói quen nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực.

4. Trẻ có mối quan hệ tốt với cha mẹ

Có mối quan hệ hòa hợp và nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ là động lực để trẻ vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc sống.

Sự kết nối đáng tin cậy giữa người lớn – trẻ em cho trẻ một "không gian an toàn", một môi trường trẻ được bảo vệ để phát triển và học hỏi. Quá trình quan sát và đưa ra ý kiến của cha mẹ như những "giàn giáo" kiên cố để hỗ trợ trẻ trong quá trình xây dựng các kỹ năng cần thiết và quản lý những áp lực trong cuộc sống. Những kỹ năng đó bao gồm khả năng tập trung, sự chú ý, khả năng lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, kiểm soát bản thân và điều chỉnh để "thích ứng" khi tình thế thay đổi.

"Cha mẹ quan tâm, chu đáo là sự bảo vệ mạnh mẽ nhất đối với trẻ em", Ann Masten, giáo sư tâm lý học tại Đại học Minnesota, Mỹ và là người tiên phong trong việc nghiên cứu khả năng kiên cường ở trẻ em, cho biết.

Theo Phụ nữ Việt Nam