Thời hoàng kim của Vũ Linh: Cát-xê đếm tới sáng, khán giả dúi tiền vào tay
Dòng chảy - Ngày đăng : 16:14, 06/03/2023
Nghệ sĩ Vũ Linh qua đời tại nhà riêng hôm 5/3 sau thời gian bạo bệnh, hưởng thọ 65 tuổi. Sinh thời, ông có 40 năm gắn bó với sân khấu, được khán giả, đồng nghiệp nhớ đến như là "tượng đài", ngôi sao sáng trong làng cải lương cuối thập niên 80, đầu thập niên 90.
Cát-xê đếm từ đêm tới sáng, ký tặng đĩa nhận cả ngàn đôla
Thời đỉnh cao sự nghiệp, NSƯT Vũ Linh vang danh với những vở tuồng cổ kinh điển như: Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Nữ tướng Ngọc Kỳ Lân, Xử án Bàng Quý Phi, Thần Nữ dâng Ngũ Linh kỳ...
Các bầu đoàn hát khi đó truyền tai nhau rằng "sân khấu nào có Vũ Linh thì sống khỏe". Cái tên Vũ Linh là "bảo chứng" cho các đêm diễn, được xem là "thần tài" của các sàn diễn cải lương. Để mời được ông, có đoàn hát còn chấp nhận chia Vũ Linh hưởng một nửa doanh thu. Cát-xê nam nghệ sĩ nhận về không có thời gian để đếm, cứ vứt vào tủ, có khi tràn ra chân giường.
Trong video được ca sĩ Hồng Phượng - cháu gái ruột Vũ Linh - đăng tải hồi tháng 6/2021, Vũ Linh kể lại những kỷ niệm thời vàng son, những buổi diễn hàng ngàn khán giả theo dõi. Đó là quãng thời gian mà sân khấu cải lương còn là loại hình giải trí được đông đảo khán giả miền Nam yêu thích.
Nghệ sĩ nhớ lại, có hôm đi diễn ở Đầm Môn (Phú Yên), băng rôn treo hình Vũ Linh, Thoại Mỹ, Lý Hùng... nhưng đến nơi không thấy khán giả. Vũ Linh nói: "Tôi bực bội không muốn bước vô, vì nghĩ không có ai. Nhưng vén màn thì muốn xỉu. Có tới 12.000 khán giả luôn! Tôi hỏi mấy người ở hậu trường, họ nói nếu tôi tới sớm thì sẽ thấy cảnh tượng khán giả kéo tới như một rừng đuốc vậy. Khán giả phải đi từ đồi bên kia qua bên đây mới xem được cải lương".
Nam nghệ sĩ cho biết sự nhiệt tình của khán giả khiến bản thân ông cũng ngỡ ngàng. Để xem được buổi diễn, bà con thậm chí không ngần ngại mang thêm một bộ quần áo, lội qua con suối cao gần nửa người vì điểm diễn khá xa.
Vũ Linh cho biết thêm, một buổi diễn năm 1992 của ông tại Bạc Liêu bán vé 15.000 đồng. "Buổi diễn đó người ta thu được 99 triệu đồng, thì tưởng tượng xem biết bao nhiêu là khán giả. Cát-xê của tôi khi đó 15 triệu đồng, nhưng họ gửi luôn 25 triệu đồng, còn tặng thêm sợi dây chuyền nữa", "ông hoàng tuồng cổ" hào hứng kể lại.
"Khán giả mỗi lần thấy rạp hát cải lương là chen nhau nườm nượp, có người bắc thang, leo hàng rào, xin vào nhà dân để kiếm đường đến sân khấu. Có lần tôi đứng từ xa mà không vào rạp được luôn. Thời ấy chưa có băng đĩa nên khán giả hiếm khi thấy nghệ sĩ, có dịp là họ đi xem ngay. Các buổi diễn của tôi có 7.000, 8.000 người xem là chuyện bình thường. Có lần đến Sóc Trăng, khán giả kéo đến xem cỡ 10.000-11.000 người. Vé bán có 10.000 đồng/vé thôi, mà cát-xê đếm từ đêm tới sáng mới xong", nghệ sĩ chia sẻ.
"Ông hoàng cải lương" từng đắt show đến mức lượng quần áo, phục trang quá nhiều, 2 thợ may thay nhau làm vẫn không kịp. Đỉnh điểm, nghệ sĩ từng diễn liên tục 21 ngày, làm từ sáng đến đêm không nghỉ. Ông kể lại: "Lần diễn ở Đà Lạt, tôi cần 40 cái áo sơ mi, thợ may may liên tục trong 3 ngày rồi mang thẳng đến Đà Lạt cho tôi".
Cũng trong video do ca sĩ Hồng Phượng đăng tải, NSƯT Vũ Linh cho biết những chuyến lưu diễn nước ngoài của ông có rất đông khán giả. Người hâm mộ rất thương Vũ Linh, thường cho tiền, cho đồ ăn mỗi lần gặp được ông.
"Đứng ký tên cho khán giả, một ngày cũng có cả ngàn USD. Có lần tôi ký tặng đĩa từ 8h sáng đến 4h chiều, mỗi lần ký được cho 5 USD (khoảng hơn 100.000 đồng). Khán giả cứ gặp tôi là dúi tiền vào tay, dặn tôi cầm tiền mà đi ăn, vì nhìn tôi khổ quá. Có lẽ tôi hát những bài như Kiếp nghèo, Con nhà nghèo, Chàng lúa... nên họ nghĩ tôi nghèo thật. Thậm chí có lần khán giả thương, mỗi người cho tôi 1.000, 2.000 USD, lúc mang đổi tiền mới biết đang cầm 28.000 USD (khoảng 600 triệu đồng)", nghệ sĩ Vũ Linh nhớ lại.
"Đốt tiền" vào bài bạc, một trận thua mất 3 căn nhà
Ở thời đỉnh cao có cát-xê "khủng", kiếm tiền dễ dàng, Vũ Linh mua được nhiều nhà, xe, cuộc sống rất sung túc. Tuy nhiên, ông từng đánh mất tất cả, suýt chôn vùi sự nghiệp vào sòng bạc.
Trong một cuộc phỏng vấn, nghệ sĩ kể lại thời điểm mẹ qua đời, bạn gái rời bỏ, nhiều chuyện buồn ập đến khiến ông rơi vào cảnh tuyệt vọng, sa vào "kiếp đỏ đen". Có lần, ông thua một canh bạc mà mất cùng lúc 3 căn nhà. Những năm cuối thập niên 90, Vũ Linh nợ gần 1 tỷ đồng. "Nếu không vì trả nợ do bài bạc, tiền tôi cuối đời cũng ăn không hết", nghệ sĩ ngậm ngùi nói.
Vũ Linh từng cho biết, sau khi thức tỉnh và "làm lại từ đầu", ông chấp nhận làm việc cật lực để có tiền trả nợ. Ông nói: "Tôi nhận quay video cải lương, mỗi ngày chỉ ngủ 3 tiếng, còn lại thì giam mình trong phòng thu rồi ra phim trường. Tôi muốn làm lại từ đầu, rũ bỏ tất cả những ký ức đen tối. Lúc đó, tôi mới thấm câu nói của ông bà: Thắng bản thân mình thật khó".
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2009, Vũ Linh cho biết khi khép lại thời đỉnh cao kép hát, ông chuyển sang làm bầu đoàn hát. Thế nhưng, nghiệp làm bầu thất bại khiến ông mấy phen phải bán nhà, bán đất trả nợ.
Như một cách chuộc lại những lỗi lầm trong cuộc đời mình, Vũ Linh lấy công việc từ thiện làm niềm vui. Những năm cuối đời, ông mang bệnh tật, rời xa sân khấu, thi thoảng tái xuất trong các trích đoạn ngắn.
"Trải qua bao nhiêu thăng trầm, có lúc tên tuổi bị lu mờ do nhiều hoàn cảnh, tôi nghiệm ra rằng cuộc sống luôn ban cho mình nhiều cơ hội, con người cần làm việc có ích cho cộng đồng, đó là điều còn lại mãi với thời gian", nghệ sĩ nói.
NSƯT Vũ Linh (SN 1958) tên thật là Võ Văn Ngoan. Nam nghệ sĩ là gương mặt gạo cội của sân khấu cải lương, được nhiều khán giả yêu mến, đồng nghiệp kính trọng. Sự nghiệp của ông gắn liền với những tác phẩm nổi tiếng như: Trảm Trịnh Ân, Thái Tử Đan giả gái, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ…
Sinh thời, nghệ sĩ Vũ Linh được nhiều người yêu mến khi diễn cặp với nghệ sĩ Tài Linh. Không chỉ vậy, anh cũng để lại ấn tượng sâu sắc khi kết hợp với nghệ sĩ Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy...