VPF không có công gì trong 2 trận thắng của tuyển U.20 Việt Nam!

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 09:37, 06/03/2023

Sau khi U.20 Việt Nam giành chiến thắng 2 trận liên tiếp trước Úc và Qatar, Một Thế Giới đã có bài ghi nhận giá trị từ những giải trẻ hệ thống U, đặc biệt là U.19, U.21 trong nước lẫn quốc tế…

Tuy nhiên, điều này khiến có người thắc mắc vậy sao không kể đến công lao của V-League và của VPF. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nhờ VPF “sáng suốt” hoãn V-League để các CLB nghỉ ngơi và tuyển U.20 tập trung được những cầu thủ xuất sắc nhất dự giải.

328484235_514453354005920_4063293695185999297_n.png

Những ý kiến đó, chỉ qua mặt được những người không am hiểu chuyên môn, vì khi phân tích bên trong, chúng ta sẽ thấy và hiểu ngay sự vô lý, ngụy biện vụng về. Trước hết hãy nói về chính những tuyển thủ tạo nên thành tích ban đầu tại Uzbekistan lúc này.

Tiền đạo Nguyễn Quốc Việt của HAGL tuy trong biên chế dự V-League, nhưng thực tế vẫn chưa đóng vai trò trụ cột ở CLB phố núi. HLV Kiatisak mới sử dụng Quốc Việt vỏn vẹn một lần vào sân thay người nửa cuối hiệp 2 trong trận hòa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Văn Trường, tác giả của bàn ấn định tỷ số vào lưới Qatar cũng có mặt trong danh sách Hà Nội dự V-League nhưng chưa ra sân phút nào ở giải VĐQG.

Đội trưởng Khuất Văn Khang, năm ngoái được vào sân chơi V-League ít phút cuối trận gặp HAGL và giải năm nay vẫn chưa ra sân phút nào cho Viettel.

Nếu nói đến 3 cầu thủ trong đội hình U.20 Việt Nam nhẵn mặt nhất ở V-League thì phải kể đến Hồ Văn Cường, Đinh Xuân Tiến của SLNA và Bùi Vỹ Hào của Bình Dương khi họ thi đấu khá thường xuyên từ V-League mùa trước. Cả ba cầu thủ này cũng là những người lớn tuổi nhất trong danh sách dự giải ở Uzbekistan (cùng 20). Và trong số họ  thì cũng chỉ có Hồ Văn Cường có mặt trong đội hình chính thức.

u20-vietnam-18502311.jpg

Nếu tính trong đội hình xuất phát trong trận U.20 Việt Nam thắng U.20 Qatar thì chỉ có duy nhất Văn Cường được đá chính tại V-League mùa này. Ngoài ra, có thêm Quốc Việt được hít thở không khí V-League thêm một nửa hiệp V-League. Đồng đội của Quốc Việt là Nguyễn Đức Việt tuy có 8 lần vào sân thay người tại V-League mùa trước (tổng cộng khoảng 150 phút thi đấu) nhưng chưa được đá phút nào tại V-League mùa này.

Nêu dữ liệu như vậy để thấy không thể lấy lý do tập trung sức mạnh cho giải U.20 châu Á bao biện cho việc dừng giải V-League. Trên thế giới, chỉ mỗi Việt Nam là dừng hẳn giải VĐQG mấy tuần để cho đội trẻ đi thi đấu giải châu lục.

Để thấy việc dừng V-League vô lý, không khoa học, phá tan một trong những nền tảng cơ bản quan trọng phát triển bóng đá nứơc nhà của VPF, cùng với Một Thế Giới, ta hãy nhìn sang các nền bóng đá khác đang có đại diện dự giải U.20 châu Á.

Chúng ta thấy Nguyễn Văn Toàn vẫn đang thi đấu tại K-League 2. Chủ nhật hôm qua, Văn Toàn giúp Seoul E-Land có điểm đầu tiên tại K.League 2. Đó là vì các giải Hàn Quốc vẫn thi đấu bình thường nên Văn Toàn không được gọi về tập trung đội tuyển lần này.

1-16778094467231733119372.jpg

Trong khi đó tại Nhật, chẳng những J-League vẫn tiến hành mà Cúp Liên đoàn Nhật giữa tuần này vẫn thi đấu. Vì lẽ đó, tiền đạo Nguyễn Công Phượng vẫn phải tập luyện cùng Yokohama FC chứ không có cơ hội về Việt Nam gặp mặt tân HLV Philippe Troussier. Đơn giản vì không có trận nào trong ngày FIFA Days thì các CLB ở Nhật và Hàn không việc gì phải nhả người mà họ trả lương cả.

776f5e12f6872dd97496.jpg

Hay một minh chứng sắc nét khác là chính tại nơi U.20 Việt Nam thi đấu: Uzbekistan. Là nước chủ nhà, Uzbekistan không tạm dừng bóng đá trong nước nhằm tập trung nguồn lực hạ tầng, con người cho giải đấu U.20 châu Á mà họ đăng cai. Vì nước chủ nhà không có "UPF" nên cuối tuần qua, giải VĐQG Uzbekistan vẫn chính thức khai mạc!

fan-uzb-623x415.jpg

Tại sao họ không lùi ngày khai mạc giải quốc gia 2 tuần để tập trung cho giải U.20 châu Á khi họ là nước chủ nhà?

Bởi vì người Uzbekistan chuyên nghiệp, họ biết phân biệt đâu là giải trẻ, đâu là giải chuyên nghiệp. Với họ, không có lý do nào phải dừng giải VĐQG để gom thành tích, bất chấp thông lệ quốc tế.

Sẽ có người thắc mắc rằng so sánh thế thì khập khiễng quá vì dù sao bóng đá chuyên nghiệp của Nhật, Hàn Quốc đều là chuyên nghiệp xịn, lâu đời chứ không phải chuyên nghiệp nửa vời như Việt Nam.

Vậy thì chúng ta sẽ lấy một ví dụ thật gần để thấy sự ngược đời và quái gở của bóng đá Việt Nam ra sao.

Bóng đá trẻ Indonesia đang rất khát thành tích, áp lực dành cho HLV Shin Tae-yong đang rất lớn nhưng khi ông triệu tập hầu hết các cầu thủ trẻ ở giải Liga (Ngoại hạng Indonesia tương đương V-League) thì giải Indonesia vẫn đang thi đấu những vòng nước rút quyết liệt.

Tóm lại, việc VPF dừng giải V-League lần này chẳng có liên quan gì đến thành công của đội U.20 Việt Nam mà chỉ cho thấy cách điều hành cùng tầm nhìn vừa thấp, vừa ngắn, vừa khác thường theo hướng tiêu cực so với bóng đá chuyên nghiệp thế giới.

Từ mùa giải V-League 2023-2024, các CLB sẽ thi đấu theo lịch thi đấu như bóng đá châu Âu và quay trở lại thể thức hai lượt đi - về. Dự kiến V-League 2023-2024 sẽ diễn ra vào tháng 10 hoặc 11.2023 đến tháng 6.2024.

Ông Trần Anh Tú - Phó chủ tịch chuyên môn VFF, Chủ tịch HĐQT VPF, từng khẳng định việc thay đổi thể thức là theo khuyến cáo của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), đồng bộ với lịch thi đấu các giải châu Á và cả Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nếu chỉ chạy theo đổi cái bình mới còn rượu vẫn cũ, vẫn con người cũ, vẫn tư duy cũ thì "bóng đá chuyên nghiệp" vẫn chỉ là cụm từ nói cho sang cái mồm mà thôi.

Người làm bóng đá chuyên nghiệp chẳng nơi đâu như ở Việt Nam!