Sau năm dị biệt, quỹ bình ổn xăng dầu vẫn còn hơn 4.600 tỷ đồng

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:21, 05/03/2023

Riêng trong quý IV/2022, số tiền trích giữ lại cho quỹ bình ổn giá xăng dầu lên đến 2.155 tỷ đồng và số được sử dụng từ quỹ là hơn 79 tỷ đồng.

Theo báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu mới được Bộ Tài chính công bố, đến hết năm 2022, tổng số dư quỹ đã tăng lên mức 4.617 tỷ đồng - mức cao nhất 7 quý gần đây.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2022, số dư quỹ này được xác định là hơn 2.540 tỷ đồng. So với quý liền trước, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng hơn 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý cuối cùng của năm, 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu đã trích lập thêm hơn 2.155 tỷ đồng vào quỹ và chỉ sử dụng hơn 79 tỷ đồng từ quỹ để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường. Quý cuối năm cũng là quãng thời gian nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đi lại của người dân tăng mạnh.

Số dư quỹ đến cuối năm 2022 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cao nhất với 1.986 tỷ đồng, chiếm tới 43% tổng số dư Quỹ bình ổn giá toàn ngành. Còn 7 doanh nghiệp đầu mối có số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm, gồm Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (âm 513 tỷ đồng); Công ty TNHH Petro Bình Minh (âm 60 tỷ đồng); Công ty cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 38 tỷ đồng)…

2022 được đánh giá là năm "dị biệt" của thị trường xăng dầu. Riêng với quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời điểm quý III/2020 từng lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, sau đó bắt đầu giảm mạnh và đến hết quý I/2022 còn âm hơn 169 tỷ đồng.

Trước đó, rất nhiều doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cuối tháng 8/2022, 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã gửi thư đến Bộ Công Thương, "trải lòng" về tình hình hoạt động và kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc kinh doanh. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng quỹ bình ổn này gần như không thể phát huy hết giá trị trong thực tế.

Gần đây, tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu diễn ra mới đây, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận quỹ bình ổn giá xăng dầu là sự "sáng tạo" riêng của Việt Nam. Nhiều nước khác đều dự trữ quỹ bằng nguồn xăng dầu. Ngoài ra, ông cũng cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập và quy mô trích lập tùy hứng, không tuân theo quy tắc nào.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cùng đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ông cho rằng Nhà nước cần có dự trữ xăng dầu quốc gia, khi thị trường bất ổn thì bơm ra.

"Như thế mới tiến dần đến việc thành lập thị trường cạnh tranh", ông Cung nhấn mạnh.

Sau năm dị biệt, quỹ bình ổn xăng dầu vẫn còn hơn 4.600 tỷ đồng - 1

Quỹ bình ổn còn đến 4.617 tỷ đồng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, Theo quan điểm của Bộ Công Thương, quỹ bình ổn là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành. Nếu bỏ quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.

Bộ này đề xuất phương án giữ nguyên quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng quỹ.

Cụ thể, cơ quan quản lý chỉ can thiệp điều hành giá thông qua trích lập, chi quỹ khi giá xăng dầu tăng từ 10% trở lên hoặc giảm 7% trở lên so với kỳ công bố giá liền trước. Ưu điểm của phương án này là Nhà nước vẫn có công cụ điều hành khi cần thiết nhưng giảm dần sự can thiệp vào giá xăng dầu, đưa mặt hàng dần vận hành theo thị trường. Còn nhược điểm là các doanh nghiệp vẫn phải trích lập, chi quỹ bình ổn theo chỉ đạo điều hành của Nhà nước, nên khả năng sẽ có sự không đồng thuận.