Điểm tin kinh doanh 6/3: Giá vàng SJC đứng im, vàng nhẫn tròn trơn tăng mạnh

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 06/03/2023

Giá vàng SJC đứng im, vàng nhẫn tròn trơn tăng mạnh; Bốn nhà máy tại Việt Nam của Samsung: thu về 71 tỷ USD, lợi nhuận 4,6 tỷ USD

- Giá vàng SJC đứng im, vàng nhẫn tròn trơn tăng mạnh

Ngày 5/3, giá vàng miếng SJC đứng im so với phiên giao dịch trước đó. Giá vàng nhẫn tròn trơn tăng 200.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới chấm dứt chuỗi giảm giá 5 tuần liên tiếp.

Sáng 5/3, giá vàng miếng SJC trong nước đồng loạt chững lại. Tại Hà Nội, Tập đoàn Doji và Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC 66,15 - 66,8 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với phiên trước đó.

Trong khi đó, sản phẩm vàng nhẫn tròn trơn tăng giá khá mạnh. Giá vàng nhẫn tròn trơn được Tập đoàn Phú Quý niêm yết 53,45 - 54,3 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng

Công ty vàng bạc Bảo tín Minh Châu niêm yết giá Vàng rồng Thăng Long 53,58 - 54,43 triệu đồng/lượng, tăng 240.000 đồng/lượng.

Tại thị trường TPHCM, hệ thống vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng miếng SJC 66,3 - 66,8 triệu đồng/lượng. Giá nhẫn tròn trơn 53,5 - 54 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng so với trước đó.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 1.855 USD/ounce, đi ngang so với phiên giao dịch trước đó. Theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới khoảng 53,9 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế phí).

Sau 5 tuần giảm liên tiếp, thị trường vàng đã có tuần tăng đầu tiên. Các nhà phân tích cho rằng kim loại quý sẽ chịu tác động từ động thái sắp tới của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và báo cáo việc làm tháng 2.

Sau khi chạm “đáy” 1.810 USD/ounce, vàng đã quay trở lại mốc 1.850 USD/ounce. Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA dự báo, tuần tới, thị trường vàng sẽ khá hoang mang do tác động của bài công bố của ông Powell và dữ liệu bảng lương của Hoa Kỳ. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, giá vàng sẽ tăng trở lại.

- Bốn nhà máy tại Việt Nam của Samsung: thu về 71 tỷ USD, lợi nhuận 4,6 tỷ USD

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Samsung cho biết, 4 nhà máy tại Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng doanh thu của tập đoàn này.

Năm 2022, Samsung đạt doanh thu khoảng 234 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2021. Trong đó, doanh thu của 4 nhà máy tại Việt Nam là gần 71 tỷ USD, với mức lợi nhuận khoảng 4,6 tỷ USD.

Theo đó, Samsung Thái Nguyên (SEVT) giữ vị trí nhà máy có doanh thu cao nhất tại Việt Nam của Samsung, với hơn 36.300 tỷ won, tương đương khoảng 28 tỷ USD. Con số này tăng gần 13% so với năm 2021.

Lợi lợi nhuận cả năm của SEVT tăng 18%, lên hơn 2.710 tỷ won, tương đương 2,1 tỷ USD.

Đối với 2 nhà máy tại Bắc Ninh là Samsung Electronics (SEV) và Samsung Display (SDV), doanh thu năm 2022 của SDV tăng 18,6% lên 25.773 tỷ won, tương đường gần 19,9 tỷ USD; doanh thu SEV tăng 9,6% lên 23.667 tỷ won, tương đương khoảng 18,2 tỷ USD.

Doanh thu cao hơn, nhưng lợi nhuận của SDV lại thấp hơn SEV. Năm ngoái, lợi nhuận của SEV là khoảng 1,27 tỷ USD; con số này với SDV là khoảng 1 tỷ USD.

Đối với nhà máy tại TP. HCM là Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC), doanh thu năm 2022 đạt khoảng 6.200 tỷ won, tương đương 4,82 tỷ USD.

Lợi nhuận mà nhà máy duy nhất của Samsung tại TP. HCM mang lại trong năm 2022 là gần 300 triệu USD.

Đến nay, Samsung đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Tập đoàn này cũng dự định sẽ tổ chức triển lãm các công nghệ cao và nếu có các đối tác thì các sản phẩm công nghệ cao này sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

- Grab bắt tay nhiều ‘ông lớn’ công nghệ trước áp lực sớm có lãi

Áp lực sớm có lợi nhuận từ các nhà đầu tư khiến Grab phải tích cực đi tìm kiếm các nguồn doanh thu mới.

Grab mới đây đã hợp tác với nhiều “ông lớn” công nghệ như Amazon.com và Tencent với hy vọng có thêm nhiều nguồn doanh thu mới để đạt mục tiêu có lợi nhuận vào cuối năm nay như đã hứa với các nhà đầu tư đang mất dần sự kiên nhẫn, theo Nikkei.

Khách du lịch tới từ Trung Quốc đến Sân bay Changi của Singapore có thể gọi xe bằng cách ấn vào biểu tượng Grab được tích hợp trong WeChat, ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của Tencent, và chọn điểm đến. Khi xe Grab đưa người dùng tới điểm đến, khách có thể thanh toán cho tài xế thông qua ví điện tử của WeChat.

Tính năng trên là kết quả hợp tác giữa Grab và WeChat được công bố vào tháng 12 năm ngoái. Là nền tảng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á, Grab hiện tại hoạt động ở trên dưới 480 thành phố thuộc 8 quốc gia trong khu vực. Tính năng trên WeChat có thể hoạt động tại tất cả các thị trường này.

Đối với một ứng dụng gọi xe, các chuyến đi từ sân bay mang lại nhiều lợi ích về phí và số lượng các chuyến xe đi từ sân bay có thể ảnh hưởng đến doanh thu nói chung. Bằng cách tích hợp vào WeChat, Grab giúp người dùng tiết kiệm thời gian khi không cần phải tải về một ứng dụng độc lập nào khác.

Hợp tác với WeChat, dịch vụ đang có 1,3 tỷ người dùng trên toàn cầu, sẽ mang đến cho Grab nhiều lợi ích. Dĩ nhiên, Tencent sẽ thu phí dịch vụ từ Grab, nhưng lợi ích về thu nhập sẽ bù đắp được những chi phí này khi mảng gọi xe của Grab đang có biên lợi nhuận tới 10%.

Hồi đầu tháng 2, Grab cũng bắt đầu cung cấp dữ liệu bản đồ cho Amazon Web Services, dịch vụ điện toán đám mây của Amazon. Thông qua dịch vụ GrabMaps, khách hàng của AWS có thể sử dụng dữ liệu bản đồ ở 8 quốc gia Đông Nam Á phù hợp với các mục đích kinh doanh riêng của mình. GrabMaps sẽ nhận về doanh thu dựa trên mức độ sử dụng thực tế.

Việt Báo (Tổng hợp)